Báo Đồng Nai điện tử
En

Cải thiện chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi

09:06, 29/06/2020

Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. SDD thấp còi phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài. Trẻ em bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn, lao động kém hơn so với người bình thường.

Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. SDD thấp còi phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài. Trẻ em bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn, lao động kém hơn so với người bình thường.

Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để phát triển chiều cao tối đa (ảnh minh họa)
Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để phát triển chiều cao tối đa (ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ SDD thấp còi. Tại Đồng Nai, tỷ lệ trẻ SDD thấp còi vẫn còn ở mức cao là 23,6% vào năm 2018. Và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bị SDD thấp còi (đặc biệt trong 3 năm đầu đời) sẽ có nguy cơ làm thấp hơn chiều cao tối đa của trẻ 10cm khi trưởng thành.

* Cách phát hiện trẻ SDD thấp còi

Để xác định được trẻ có phải là SDD thấp còi hay không cần đo chiều dài nằm/chiều cao đứng của trẻ, so sánh với biểu đồ tăng trưởng chiều cao theo tuổi của từng giới và từng lứa tuổi (tính theo tháng) cho trẻ dưới 5 tuổi để xác định tình trạng dinh dưỡng và mức độ SDD. Đo chiều dài nằm với trẻ dưới 2 tuổi và đo chiều cao đứng với trẻ từ 2 tuổi trở lên, trẻ dưới 1 tuổi nên đo 1 tháng/lần, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể đo 6 tháng/lần. Nếu phát hiện trẻ bị SDD, cần đo 1 tháng/lần.

Theo nghiên cứu, chiều cao của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), rèn luyện thể lực (20%), còn lại là các yếu tố khác (môi trường sống, ánh nắng, bệnh tật, giấc ngủ...). Chúng ta không thể tác động tới yếu tố di truyền nhưng yếu tố dinh dưỡng và rèn luyện thể lực là hai yếu tố có thể cải thiện được.

* Chế độ dinh dưỡng

Cần ăn đủ 4 nhóm thức ăn: nhóm chất bột (đường): có nhiều trong gạo, ngô, khoai, sắn, mì...; nhóm chất đạm: có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua và các loại đậu...; nhóm chất béo: bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật...; nhóm vitamin và chất khoáng: bao gồm rau xanh và các loại quả chín.

Bổ sung đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao: Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hơn 50% trẻ SDD thấp còi do thiếu vi chất dinh dưỡng. Do đó, cần bổ sung đầy đủ các vi chất trong các bữa ăn.

Vitamin A, i-ốt, sắt: Vitamin A rất cần thiết cho tầm nhìn, chức năng miễn dịch và tạo xương. I-ốt là nguyên tố vi lượng thiết yếu để ngăn ngừa bệnh bướu cổ và bệnh chậm phát triển trí não đần độn. Trong giai đoạn phát triển, cơ thể phụ thuộc nhiều vào sắt, sắt giúp vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể. Các thực phẩm giàu sắt như: thịt, hải sản, đậu đỗ, rau màu xanh đậm (súp lơ xanh, cải xoăn...).

Canxi: Thức ăn giàu canxi bao gồm sữa, phomat, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm (rau chân vịt, củ cải, rau cải xoăn...), sản phẩm từ đậu tương, cá... Gần đây, ở thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm có tăng cường canxi như bánh mì, bánh bích quy, nước cam, ngũ cốc ăn liền.

Kẽm: Giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Các thực phẩm giàu kẽm gồm có thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt gà...), một số hải sản (tôm, cua, hàu...), các loại đậu và một số ngũ cốc ăn liền được tăng cường kẽm.

Vitamin D: Thực phẩm giàu vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, làm xương chắc khỏe và tăng trưởng tốt. Các thực phẩm có vitamin D gồm: cá, dầu cá, ngũ cốc, sò, nấm...

Luyện tập thể dục thể thao: Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao tác dụng tốt tới sự phát triển chiều cao và làm cho hệ cơ xương vững chắc, khỏe mạnh. Các môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao: bơi lội, đạp xe, chạy, chơi cầu lông, bóng chuyền... Khi trẻ đã lớn, chọn các môn thể thao phù hợp với tuổi của trẻ.

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng cần được đảm bảo như yếu tố môi trường - xã hội: thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại, tiểu tiện. Xây dựng gia đình hạnh phúc, có nếp sống văn hóa, năng động, lành mạnh; ngủ đủ giấc...

BS Hồ Thị Hồng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin xem nhiều