Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóm thợ hồ ở Phú Cường

09:05, 08/05/2020

Xã Phú Cường (H.Định Quán) được nhiều người biết đến với nghề đánh bắt, nuôi thủy sản nơi lòng hồ Trị An. Tuy vậy, ít người biết tới chuyện nhiều người dân xã Phú Cường còn có nghề thợ hồ để mưu sinh.

Xã Phú Cường (H.Định Quán) được nhiều người biết đến với nghề đánh bắt, nuôi thủy sản nơi lòng hồ Trị An. Tuy vậy, ít người biết tới chuyện nhiều người dân xã Phú Cường còn có nghề thợ hồ để mưu sinh.

Thợ hồ xã Phú Cường được tiếng thơm gần xa là chăm chỉ, kỹ tính và có tay nghề. Trong ảnh: Một nhóm thợ hồ đang làm việc tại một công trình xây dựng ở xã Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Phú
Thợ hồ xã Phú Cường được tiếng thơm gần xa là chăm chỉ, kỹ tính và có tay nghề. Trong ảnh: Một nhóm thợ hồ đang làm việc tại một công trình xây dựng ở xã Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Phú

“Trên địa bàn xã có khoảng 500 người làm nghề thợ hồ và gần 20 chủ thầu, nhóm xây nhà. Niềm nở - có tâm - kỹ lưỡng là 3 đặc tính tạo nên “thương hiệu” của nghề thợ hồ ở xã Phú Cường khiến nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận tìm đến để nhờ xây nhà” - ông Lê Thanh Tùng, một chủ thầu xây dựng ở xã Phú Cường bộc bạch.

* Không sợ nắng, chỉ sợ không có việc

Qua thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều công trình xây dựng nhà cửa trên địa bàn xã Phú Cường đã được khởi công. Nắng tháng 5, nhiệt độ ngoài trời dao động 37-380c, có lúc lên đến 400C, nhóm thợ hồ ở các công trình xây dựng này dù có nhễ nhãi mồ hôi nhưng vẫn vui vẻ nói cười.

Chủ tịch UBND xã Phú Cường (H.Định Quán) Trần Văn Triều cho hay, trước đây do không có việc làm nên người dân địa phương phải đến các vùng đô thị làm phụ hồ rồi lên làm thợ hồ. Trong quá trình làm nghề, họ tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm rồi quay về địa phương làm thầu xây dựng. Từ đó, kéo theo nhiều nông dân, ngư dân thất nghiệp có sức khỏe theo nghề. Tôi rất mừng khi nghề này tại địa phương phát triển, có thương hiệu, uy tín và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động”.

Vừa làm việc, thợ hồ Lê Hai (61 tuổi, ngụ xã Phú Cường) chia sẻ: “Thợ hồ sợ nhất là không có việc đều, chứ không phải nắng hay mưa. Đặc thù của nghề này là cứ vào mùa nắng “cháy” da thì việc mới nhiều. Làm việc mùa nắng tuy vất vả nhưng được cái việc đều, thu nhập ổn định lo cho gia đình và còn có một khoản dư dả để tiết kiệm, phòng thân”.

Cho nên, nắng tháng 5 dù oi bức nhưng tâm lý của cánh thợ hồ nơi công trình nhà bà Tư Nhâm (tổ 18, ấp Phú Thọ, xã Phú Cường) do ông Tùng trúng thầu vẫn hồ hởi. Làm việc tại công trình này, phụ hồ Ba Sẫm (ngụ ấp Phú Tân, xã Phú Cường) vốn là dân làm rừng, nghề cá nơi lòng hồ Trị An và chuyển sang làm nghề thợ hồ 10 năm nay cho biết, niềm vui lớn nhất mấy ngày nay của dân thợ hồ xã Phú Cường là có việc làm trở lại, còn cực nhọc thì có than vãn cũng thừa vì đã làm nghề thì phải chấp nhận.

 “Hình như tôi chỉ thích hợp với công việc phụ hồ. Người ta chỉ cần phụ hồ 6 tháng tới 1 năm là lên thợ. Còn tôi phụ hồ 10 năm rồi vẫn là phụ hồ nên đành chịu” - phụ hồ Ba Sẫm vừa cười vừa nói.

Để phân biệt thợ hồ, phụ hồ giỏi với những người “nổ”, chủ thầu Tùng lý giải, chỉ cần ông giao cho họ vài công việc khó và nhìn sơ qua cách làm là đánh giá được thợ, phụ giỏi, lành nghề. “Làm thầu mà không đánh giá đúng thợ giỏi để giao việc, trả thù lao thì dễ phá sản, không có "thợ ruột", công trình không đạt chất lượng dễ mất uy tín với chủ nhà” - thầu Tùng nói.

Cũng theo thầu Tùng, để "giữ chân" nhóm 30 thợ hồ, ông phải nỗ lực rất nhiều trong việc tìm thầu các công trình xây dựng. Trong 1 tháng, ông phải có từ 2-3 công trình khởi công hoặc đang xây dựng thì mới đảm bảo công việc cho họ. Nhờ có việc đều, thu nhập ổn định mà họ đã gắn bó với ông từ năm 2010 đến nay.

* Xây dựng thương hiệu bằng... sự tử tế

Chủ tịch UBND xã Phú Cường Trần Văn Triều cho biết, hiện xã có trên 15 ngàn dân, trong đó có trên 20 thầu xây dựng, 300 lao động chuyên nghề hồ và gần 200 người làm theo thời vụ.

Một phụ hồ ở xã Phú Cường (H.Định Quán) làm việc giữa cái nắng oi ả của tháng 5
Một phụ hồ ở xã Phú Cường (H.Định Quán) làm việc giữa cái nắng oi ả của tháng 5

“Nghề thầu xây dựng, thợ hồ ở xã có tiếng, uy tín từ mấy chục năm nay khắp trong và ngoài huyện. Thế mạnh của người thợ, thầu của xã là làm việc kỹ tính, uy tín, chất lượng và giá cả phải chăng. Điều đặc biệt nữa, thợ, phụ hồ, thầu xây dựng của địa phương được khách hàng trong và ngoài huyện đánh giá là siêng năng và thật thà” - ông Trần Văn Triều cho biết.

Theo thầu Nguyễn Văn Hải (ngụ ấp Phú Tân, xã Phú Cường), những đức tính đáng quý đó là do phần lớn thầu xây dựng đều xuất thân từ phụ hồ, thợ hồ. Trong suốt nhiều năm làm nghề, họ tích lũy được ít vốn và khá nhiều kinh nghiệm trong công việc nên nhạy bén tiến thêm một bước lên làm chủ thầu, trưởng nhóm thợ. Còn cánh thợ hồ, phụ hồ đều là dân làm rẫy, vườn, cá nên lực lưỡng, siêng năng, chịu khó.

“Dù vào mùa xây dựng nhưng chúng tôi cũng chỉ nhận những công trình có lời với mức hợp lý nhằm chia nhau số tiền công. Chúng tôi  không nhận ẩu, nhận bừa để có việc làm cho cánh thợ và phá giá nhằm triệt hạ nhau” - thầu Hải bộc bạch.

Dù nghề thợ hồ vất vả nhưng ông Lê Hải (ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) vẫn gắn bó vì cuộc sống mưu sinh
Dù nghề thợ hồ vất vả nhưng ông Lê Hai (ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) vẫn gắn bó vì cuộc sống mưu sinh

Cũng theo thầu Hải, muốn làm chủ thầu hay trưởng nhóm thợ (từ 10-30 người) chí ít phải cần số vốn 50-100 triệu đồng để đầu tư máy móc, dụng cụ và thêm một ít vốn liếng để cho cánh thợ, phụ hồ ứng trước tiền công khi chủ nhà chậm thanh toán hoặc bệnh đau, nhu cầu đột xuất. Nhất là giữa chủ thầu, trưởng nhóm thợ luôn xem nhau là anh em, bạn bè chứ không phải là “chủ tớ” nên ngoài tiền công, người thợ, phụ hồ được chủ thầu, trưởng nhóm chia thêm phần lời công trình khi nghiệm thu nên ai cũng có trách nhiệm trong công việc.

Tại ấp Bến Nôm 2 (xã Phú Cường), có gần 60 thợ, phụ hồ. Thợ hồ Nguyễn Văn Chênh được nhiều thợ hồ và người nghèo trong ấp quý mến. Ngoài tay nghề giỏi, ông Chênh còn là người hào phóng, nhân ái khi nhận xây các công trình nhà tình thương với tiền công thấp nhằm góp phần xây dựng mái ấm tình thương cho người nghèo đẹp hơn, tươm tất hơn.

Ông Chênh chia sẻ: “Trong phong trào làm đường, nhà tình thương, người thợ hồ trong xã sẵn sàng góp sức với ấp, xã bằng tay nghề nên công trình thêm chất lượng, chi phí giảm đáng kể so với việc thuê thợ ở ngoài xã”.

Xóm, ấp trên địa bàn xã Phú Cường ngày càng xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà mái nghiêng, mái bằng, mái Thái... khang trang do bàn tay những thợ hồ là người dân địa phương xây dựng. Mỗi căn nhà như vậy, đã tạo việc làm cho trên 20 lao động với tiền công 350 ngàn đồng (thợ chính) và 300 ngàn đồng (thợ phụ). Riêng người chủ thầu, trưởng nhóm ngoài ngày công thì có thêm 10-20 triệu đồng/công trình. Đó chính là động lực, niềm tin và uy tín để nghề thầu xây dựng, thợ hồ ở xã Phú Cường duy trì, phát triển, tồn tại hơn chục năm qua.              

            Đoàn Phú

Tin xem nhiều