Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắt chặt kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

09:05, 04/05/2020

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được các bệnh viện chú trọng nhằm đảm bảo tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân với bệnh nhân.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được các bệnh viện chú trọng nhằm đảm bảo tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân với bệnh nhân.

Xe vận chuyển người nghi nhiễm Covid-19 vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được phun xịt khử trùng. Ảnh: H.Dung
Xe vận chuyển người nghi nhiễm Covid-19 vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được phun xịt khử trùng. Ảnh: H.Dung

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, công tác này càng được thắt chặt hơn nữa.

* Nhiều lớp sàng lọc

Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, trước đây, khi bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về lao, phổi, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đến nay, khi bệnh viện chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh Covid-19, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo đó, tất cả nhân viên y tế tham gia khám sàng lọc, điều trị, chăm sóc, thực hiện các kỹ thuật liên quan đến người nhiễm bệnh hoặc người nghi nhiễm Covid-19 đều phải có đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân theo đúng quy định như: quần, áo, găng tay, khẩu trang, bao tay, bao chân, kính mắt. Trước khi tiếp xúc và sau khi tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, các nhân viên y tế đều thực hiện phun khử khuẩn trang phục phòng hộ. Đặc biệt, khâu cởi quần áo bảo hộ sau khi sử dụng được lãnh đạo bệnh viện đặc biệt lưu ý đối với nhân viên y tế, vì ở khâu này rất dễ để xảy ra lây nhiễm mầm bệnh.

Bệnh viện cũng đã bố trí 3 khu vực để theo dõi và điều trị cho bệnh nhân, người nghi nhiễm Covid-19. Bao gồm một khu chuyên để tiếp nhận những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, một khu vực để điều trị cho những bệnh nhân đã được xác định nhiễm Covid-19 và khu hồi sức để điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Lối ra, vào các khu vực này đều được thiết kế theo đúng quy chuẩn một chiều, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến khám bệnh, bệnh viện đã bố trí 3 lớp kiểm soát từ ngoài cổng bệnh viện vào đến khu khám bệnh. Người dân khi đến khám bệnh tại bệnh viện sẽ được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang y tế đầy đủ...

Bệnh viện cũng bố trí một phòng khám cho những bệnh nhân có dấu hiệu và có nhu cầu khám bệnh về đường hô hấp. Phòng khám này được bố trí tách biệt, có lối đi riêng. Các khoa, phòng trong bệnh viện đều được phun khử khuẩn hằng ngày.

Để hạn chế việc phải tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh, ở nhiều bệnh viện đã lắp đặt hệ thống camera quan sát. Bác sĩ chỉ cần ngồi ở phòng trực, theo dõi tình hình của bệnh nhân, người nghi nhiễm qua camera. Nếu trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ gọi điện thoại hoặc bấm chuông, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ có mặt kịp thời để xử lý tình huống.

Ngoài ra, để hạn chế việc tiếp xúc giữa bác sĩ trực tiếp điều trị, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc những người nhiễm bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng, nhiều bệnh viện, khu cách ly tập trung đã thiết lập các nhóm trên mạng Zalo, Facebook, Viber... Trong quá trình chăm sóc, theo dõi cho người nghi nhiễm, có bất cứ vấn đề gì cần trao đổi, các nhân viên y tế sẽ trực tiếp trao đổi trên các nhóm “chat”. Lãnh đạo các khoa, phòng, khu cách ly sẽ cho ý kiến trực tiếp trên nhóm, không cần phải gặp mặt trực tiếp.

* Quy trình xử lý rác thải y tế nghiêm ngặt

BS Trần Thị Hà Phương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, những quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được Bộ Y tế thay đổi, bổ sung liên tục nhằm phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được triển khai sâu rộng trong thời gian qua bằng nhiều hình thức như: kiểm tra thân nhiệt cho tất cả những người vào bệnh viện, bố trí các ghế ngồi chờ cho bệnh nhân với khoảng cách 2m, phối hợp làm tấm kính chắn ngăn giọt bắn, tập huấn cho tất cả các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, cởi đồ bảo hộ đúng cách...

Riêng tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện bố trí nhiều lớp cửa để cách ly, có bảo vệ ở ngay cửa vào khoa, ngăn không cho những người không có phận sự vào khu vực cách ly. Khu cách ly của bệnh viện được bố trí lần lượt từ phòng đệm, khu vực cách ly, khu vực cách ly đặc biệt. Tất cả nhân viên y tế sau khi vào khu cách ly đều đi ra ngoài bằng một cửa riêng.

Toàn bộ rác thải trong khu cách ly gồm rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ bảo hộ của nhân viên y tế đều được xem là rác thải lây nhiễm, được bệnh viện bỏ vào thùng rác màu vàng. Trước khi đưa loại rác thải này ra khỏi khu cách ly, các nhân viên phải đeo khẩu trang, bao tay, lồng vào một túi đựng khác, sau đó đưa đến khu chứa rác thải lây nhiễm của bệnh viện để được xử lý theo đúng quy định.

“Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được siết chặt hơn nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện. Virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan cao nên chỉ một chút sơ suất cũng có thể gây ra những nguy hiểm khó lường” - BS Trần Thị Hà Phương chia sẻ.

Còn tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện cụ thể qua việc bố trí những người thuộc diện cách ly. Ưu tiên mỗi phòng cách ly chỉ có từ 1-2 người. Trước cửa mỗi phòng cách ly đều có thùng rác. Tất cả rác thải sinh hoạt, khẩu trang của người thuộc diện cách ly đều phải được bao buộc cẩn thận, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín rồi xử lý theo đúng quy định để tránh lây nhiễm ra bên ngoài. Các cơ sở cách ly cũng thực hiện ngay việc lau khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc bằng hóa chất khử khuẩn...

Mới đây, bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh là anh V.V.T. (28 tuổi, ngụ TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định chi nhánh Biên Hòa) đã được công nhận khỏi bệnh và được xuất viện. BS Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai chia sẻ, ngay sau khi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện đã tiến hành phun xịt khử khuẩn toàn bộ khu vực bệnh nhân ở trong suốt quá trình điều trị. Đội ngũ y, bác sĩ điều trị, chăm sóc, làm xét nghiệm, chụp X-quang cho bệnh nhân T. cũng được cách ly, theo dõi tại một khu vực riêng trong vòng 14 ngày. Trong 14 ngày này, những y, bác sĩ, điều dưỡng này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Khi kết quả xét nghiệm âm tính, mọi người mới được về nhà.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều