Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề phòng bệnh sốt xuất huyết

09:05, 17/05/2020

Trong tuần gần đây nhất, toàn tỉnh ghi nhận 57 trường hợp nhập viện để điều trị bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 31 ca dưới 15 tuổi. Số ca mắc tăng 66% so với tuần trước đó.

Trong tuần gần đây nhất, toàn tỉnh ghi nhận 57 trường hợp nhập viện để điều trị bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 31 ca dưới 15 tuổi. Số ca mắc tăng 66% so với tuần trước đó.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ hướng dẫn người dân lật úp các dụng cụ chứa nước trong vườn nhà. Ảnh: H.Lê
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ hướng dẫn người dân lật úp các dụng cụ chứa nước trong vườn nhà. Ảnh: H.Lê

Ngành y tế khuyến cáo, người dân nên đề cao cảnh giác, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết vì mùa mưa sắp đến, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển.

* Số ca bệnh có dấu hiệu tăng

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, so với tuần trước, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao ở TP.Biên Hòa, H.Cẩm Mỹ, H.Tân Phú

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,4 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2019, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Có tổng số 279 ổ dịch sốt xuất huyết đã được phát hiện, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng chức năng đã xử lý 278 ổ dịch.

BS CKII Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong khoa hiện có 8 bệnh nhi đang điều trị bệnh sốt xuất huyết, có tăng so với những tháng đầu năm. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, ói mửa. Mặc dù tình trạng bệnh chưa đến mức nặng nhưng là dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết đã tăng trở lại.

“Dự kiến sang đầu tháng sau, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn vì bước vào mùa mưa. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng sẽ xuất hiện do học sinh đã đến trường” - BS Quyền nhận định.

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy (ngụ KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, con gái chị năm nay 12 tuổi vừa bị mắc sốt xuất huyết. Gia đình đã đưa bé đi khám tại bệnh viện nhưng mức độ nhẹ nên được bệnh viện kê thuốc cho về nhà điều trị. Quanh khu vực nhà chị Thúy sinh sống có khá nhiều cây cối. Mặt khác, trong khi ngủ, do chủ quan ngủ phòng máy lạnh nên nhà chị Thúy không mắc mùng.

Trong khi đó, mới đây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ đã tổ chức diệt lăng quăng và phun hóa chất trên diện rộng tại 4/5 ấp của xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ (xã có số ca mắc sốt xuất huyết khá cao của huyện) để phòng, chống sốt xuất huyết.

BS Trần Chuyết, Trưởng Trạm y tế xã Bảo Bình thông tin, toàn xã hiện có 34 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Nguyên nhân số ca mắc bệnh nhiều là do năm nay mùa khô kéo dài, nắng nóng nên người dân trong xã có thói quen trữ nước sinh hoạt mà không đậy kín nắp. Từ đó tạo môi trường cho muỗi sinh sôi phát triển.

Để khống chế dịch bệnh bùng phát, trạm y tế đã tham mưu cho lãnh đạo xã họp ban chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể trong xã vào cuộc để tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. Đồng thời, cử đội ngũ cộng tác viên y tế đến từng nhà dân để giám sát lăng quăng, hướng dẫn người dân lật úp các lu, vại, các vật dụng chứa nước, không để muỗi đẻ trứng hoặc nuôi cá cảnh để tiêu diệt lăng quăng.

“Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, phát tờ rơi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, cố gắng hạn chế mức thấp nhất số ca nhiễm bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế” - BS Quyết cho biết.

* Nâng cao ý thức phòng bệnh

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, mùa mưa đến là thời điểm bắt đầu gia tăng bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác. Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp như: tiêu diệt lăng quăng, tiêu diệt muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ… để phòng bệnh cho chính bản thân và những người xung quanh.

BS Phúc mong muốn người dân sẽ cùng chung tay với ngành Y tế thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Bên cạnh đó, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Khi đi ngủ dù ban ngày hay ban đêm cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như: sốt cao kéo dài, uống thuốc không hạ, nôn mửa, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tránh bệnh tiến triển nặng. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết vòng 1 năm 2020 của tỉnh được tổ chức từ ngày 15 đến 24-5 tại 21 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là những xã, phường có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao trong 4 tháng đầu năm 2020.

Hạnh Dung - Hoàn Lê

Tin xem nhiều