Mặc dù là trường học ở vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn nhưng tập thể giáo viên Trường THCS Núi Tượng (H.Tân Phú) đã chủ động, vượt khó để dạy học online. Đây đã là tuần thứ 4 nhà trường tổ chức dạy kiến thức mới chương trình học kỳ 2 cho học sinh.
Mặc dù là trường học ở vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn nhưng tập thể giáo viên Trường THCS Núi Tượng (xã Núi Tượng, H.Tân Phú) đã chủ động, vượt khó để dạy học online.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên môn công nghệ thông tin hỗ trợ thầy Trương Văn Thụ trong một tiết dạy online. Ảnh: H.Yến |
Đây đã là tuần thứ 4 nhà trường tổ chức dạy kiến thức mới chương trình học kỳ 2 cho học sinh.
* Tìm sự đồng thuận của phụ huynh
Trường THCS Núi Tượng có tổng số hơn 300 học sinh, được chia làm 10 lớp học. Trong số đó, có đến 80 học sinh thuộc diện khó khăn được miễn giảm học phí. Vì vậy, để triển khai dạy học online cho học sinh của trường thực sự là một thách thức lớn.
Để việc dạy học online được diễn ra suôn sẻ, nhà trường đã tập huấn cho giáo viên cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng dạy học online mà chủ yếu là ứng dụng Zoom. Nhiều giáo viên của trường chưa từng trải nghiệm các ứng dụng này. Do đó, nhà trường đã tổ chức các cuộc họp, bàn bạc công việc qua chính ứng dụng này để giáo viên quen với các thao tác. Sau 1 tuần làm quen, các giáo viên môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh thực hành dạy trước.
Những buổi đầu, chỉ có 1/3 học sinh tham gia lớp học. Thời gian của những buổi học này, cả giáo viên và học sinh chủ yếu ổn định lớp và làm quen dần với việc học online. Nhiều phụ huynh chưa biết hoặc chưa tin tưởng hình thức học online nên không cho con tham gia học tập. Nhà trường đã phải dùng nhiều hình thức để tuyên truyền, giải thích nhằm đạt được sự sẻ chia của phụ huynh.
Theo đó, trường thông báo toàn bộ thời khóa biểu các buổi học online qua hệ thống tin nhắn VNEdu để phụ huynh biết và cùng nhắc nhở, quản lý việc học của con. Khi có lịch học mà học sinh không tham gia, nhà trường cũng nhắn để phụ huynh biết. Ngoài ra, nhà trường xếp ca học của các khối lệch giờ với nhau để nếu những gia đình có 2, 3 con cùng học online mà chỉ có 1 chiếc điện thoại thì vẫn có thể thay phiên nhau dùng được.
Đến nay, 2/3 học sinh của trường đã học online thường xuyên. “Đối với những học sinh không có điều kiện học online, nhà trường yêu cầu giáo viên soạn nội dung hướng dẫn học tập để học sinh tự học tại nhà, chủ yếu là bằng hình thức tự soạn bài mới theo câu hỏi gợi ý của giáo viên. Khi đi học lại, nhà trường sẽ dành 1-2 tuần để củng cố kiến thức cho học sinh” - thầy Trương Văn Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.
* Niềm vui trải nghiệm hình thức dạy học mới
Việc triển khai dạy học online trong điều kiện còn nhiều khó khăn chắc chắn không hề dễ dàng. Cũng có những giáo viên không muốn dạy học theo hình thức này, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi, chưa có nhiều thời gian tiếp cận với công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là chưa từng sử dụng các ứng dụng phục vụ dạy học trực tuyến.
Tuy vậy, những giáo viên trẻ, đặc biệt là những người nhanh nhạy về CNTT đã truyền cảm hứng, giúp đỡ để tập thể giáo viên nhà trường cùng dạy học online. Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên môn CNTT chia sẻ: “Khi đã quyết tâm dạy học, các thầy cô giáo rất chịu khó mày mò, học hỏi. Có khi thầy cô đến tận nhà để nhờ mình chỉ giúp. Đến nay, các thầy cô đều đã làm rất tốt”.
59 tuổi với 31 năm trong nghề dạy học, đây là năm học đặc biệt nhất đối với thầy Trương Văn Thụ, giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường THCS Núi Tượng. Thông thường, mỗi năm thầy chỉ soạn giảng khoảng 6 tiết học ứng dụng CNTT. Còn hiện nay, mỗi tuần thầy có 4 tiết dạy online. Việc soạn giảng tốn rất nhiều thời gian nhưng nhờ đó, thầy tiếp cận và tham khảo được nhiều bài giảng hay của đồng nghiệp ở khắp mọi miền đất nước.
Nếu không vì dịch Covid-19, thầy Thụ chắc sẽ không bao giờ trải nghiệm hình thức dạy học này. Ban đầu, chính thầy Thụ cũng “ngại” dạy học online nhưng bây giờ lại là một giáo viên rất tích cực.
“Khi dạy học online được rồi tôi cảm giác như mình được trẻ thêm vì vẫn tiếp cận được CNTT và cách dạy tiên tiến trên thế giới. Nói thật, bây giờ đến mỗi giờ dạy tôi đều thấy lâng lâng, háo hức. Như buổi chiều, 14 giờ tôi mới bắt đầu dạy nhưng 13 giờ là tôi đã mở máy rồi cứ đi ra đi vào để đợi học sinh. Khi có học sinh vào lớp là tôi thấy mừng. Học sinh vào học đông thì không còn gì vui bằng. Cảm giác đó của tôi giống như một đứa trẻ sắp được đi chơi xa, ban đêm háo hức không ngủ được, cứ lo soạn lại đồ đạc và mong ngóng đến khi trời sáng để được đi chơi vậy” - thầy Thụ vui vẻ kể.
Không chỉ riêng thầy Thụ, 18 giáo viên trực tiếp dạy học của Trường THCS Núi Tượng đều đang tích cực, nỗ lực để mang đến những tiết học online hấp dẫn cho những học sinh của vùng quê này.
Hải Yến