Xã Bình Lợi vốn là vùng trồng mía và lúa của H.Vĩnh Cửu. Trong 10 năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng mía, lúa sang trồng bưởi, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân vươn lên khá giả.
Xã Bình Lợi vốn là vùng trồng mía và lúa của H.Vĩnh Cửu. Trong 10 năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng mía, lúa sang trồng bưởi, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân vươn lên khá giả.
Kiến trúc sư Trần Hoàng Thiện (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) giới thiệu về quá trình chưng cất tinh dầu bưởi từ vỏ bưởi non. Ảnh: Đ.Phú |
Để tăng giá trị sử dụng đất hằng năm, nông dân xã Bình Lợi từng bước chuyển đất trồng mía, lúa một vụ sang trồng bưởi. Khi cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực cho thu nhập trung bình trên 700 triệu đồng/ha/năm, nhà nông còn biết tận dụng phế phẩm của trái bưởi chiết xuất thành tinh dầu, rượu bưởi, phân bón để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
* Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Xã Bình Lợi có trên 500 hộ sản xuất nông nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 40% hộ dân toàn xã). Trước năm 2010, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp toàn xã chiếm trên 80%. Thời kỳ này, cây mía, lúa, tràm là cây trồng chủ lực.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ thương hiệu bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình (giáp ranh với xã Bình Lợi), từ năm 2010 nông dân xã Bình Lợi bắt đầu chuyển đổi đất trồng mía, lúa (1 vụ), đất gò cao (trồng bắp, đậu) sang trồng bưởi theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã để tăng giá trị sử dụng đất và phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi Nguyễn Trung Hiếu cho biết, với mục tiêu phát triển diện tích bưởi khoảng 1 ngàn ha sẽ giúp nông dân xã Bình Lợi thêm tự tin và có động lực chuyển đổi những diện tích đất trồng mía, lúa, tràm kém năng suất sang trồng bưởi để tạo giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Khi diện tích bưởi tăng thêm thì số hộ khá giả từ nông nghiệp sẽ ngày càng nhiều hơn. |
Đi đầu phong trào chuyển đổi giống cây trồng ngắn hạn sang trồng bưởi là ông chủ lò đường thủ công Lê Văn Một (trên 7ha), nông dân Phạm Văn Ba (3ha), nông dân Nguyễn Văn Sơn (1,5ha)... Qua 4 năm đầu tư cơ bản, vườn bưởi của các nông dân này bắt đầu cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm/ha. Sau đó tăng dần và đạt gần 800 triệu đồng/ha/năm đối với vườn bưởi trên 7 năm tuổi.
Nông dân Ba Hà (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi) cho biết: “1ha đất trồng bưởi thu hoạch một đợt bằng người trồng mía, lúa, bắp quần quật làm 3 vụ trong năm. Sở sĩ vào thời điểm đó, nhiều hộ nông dân trồng mía, lúa chưa chuyển đổi sang trồng bưởi vì kẹt vốn, phần chưa mạnh dạn thay đổi”.
Chính sự hấp dẫn về giá trị trái bưởi, ông Lê Văn Một bỏ luôn nghề ép đường thủ công truyền thống 3 đời của gia đình chuyển sang trồng bưởi. Năm 2010, ông bắt đầu chuyển đổi dần 7ha đất trồng mía sang trồng bưởi. Đến nay, vườn bưởi 7ha của ông cho thu nhập cả tỷ đồng/năm và trở thành hộ trồng bưởi có tiếng của xã Bình Lợi.
“Do nặng lòng với lò đường thủ công của cha ông để lại nên thời gian đầu tôi chỉ chuyển đổi một ít đất mía sang trồng bưởi. Tuy nhiên, khi bưởi cho thu nhập cao hơn hẳn so với nghề ép đường thủ công truyền thống của gia đình, tôi từng bước chuyển hết đất trồng mía sang trồng bưởi, không làm ồ ạt để tránh rủi ro” - ông Một chia sẻ.
* Tìm hướng phát triển mới cho cây bưởi
Cũng chính vì sự hấp dẫn từ giá trị kinh tế của trái bưởi, năm 2013, ông Lương Quốc Hùng (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi) bỏ nghề phiên dịch viên cho một công ty Nhật Bản với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng để về xây dựng vườn bưởi khoảng 1,5ha từ đất trồng mía.
Bằng kiến thức tự học hỏi qua internet, sách, báo và các nông dân khác trong vùng, ông Hùng đầu tư vườn bưởi theo chương trình hữu cơ (hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Nhờ vậy, vườn bưởi “sạch” của ông được khách hàng đánh giá trái ngon, đẹp, an toàn khi sử dụng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Trung Hiếu (phải) thăm vườn bưởi sạch của nông dân Lương Quốc Hùng |
Ông Hùng cho biết, hiện tại ông và 15 hộ trồng bưởi trong xã hình thành tổ hợp tác trồng bưởi hữu cơ theo quy trình VietGAP. Quy trình chăm sóc hữu cơ tuy tốn nhiều công sức và đòi hỏi kỹ thuật nhưng tạo ra trái bưởi sạch hướng tới xuất khẩu, tạo thương hiệu cho trái bưởi Bình Lợi; cùng với thương hiệu bưởi Tân Triều tạo thành đặc sản nổi tiếng của địa phương ngày càng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Tại xã Bình Lợi, nông dân địa phương còn tận dụng các phế phẩm từ bưởi như: trái bưởi non khi tỉa trái, bưởi dạt... để làm thành các sản phẩm tinh dầu, phân bón bán ra thị trường.
Người đi đầu là ông Trần Hoàng Thiện (ngụ ấp 5, xã Bình Lợi). Vốn là một kiến trúc sư nhưng do gia đình nhiều đời làm nông dân và có kinh nghiệm trồng bưởi nên ông Thiện cũng đam mê làm nông nghiệp. Ngoài trồng bưởi, vào năm 2018, ông Thiện còn nghiên cứu thành công chiết xuất tinh dầu từ vỏ trái bưởi non bằng những dụng cụ truyền thống như chưng cất rượu được ông cải tiến cho phù hợp.
Ông Thiện cho biết, cứ 100kg vỏ bưởi, ông chưng cất được 1 lít tinh dầu, giá bán 60 ngàn đồng/50ml. Hiện sản phẩm tinh dầu bưởi của gia đình ông được giới thiệu tại nhiều hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài tinh dầu thu được từ trái bưởi phế phẩm, ông còn ủ trái bưởi sau khi lấy vỏ làm tinh dầu thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng được nhiều hộ nông dân địa phương học hỏi. Việc tạo ra các sản phẩm này đã tận dụng được các phế phẩm từ bưởi, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
* Chung sức xây dựng nông thôn mới
“Năm 2015, xã Bình Lợi đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nay là xã đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để địa phương nhanh chóng đạt được các danh hiệu này, nông dân, nhất là người trồng bưởi thật sự có sự đóng góp rất lớn” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ.
Cũng theo ông Hiếu, đời sống người nông dân được nâng cao nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi. Từ đó, nông dân đã chung sức, sẵn sàng đóng góp cùng địa phương xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: đường giao thông nông thôn, giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đảm bảo an ninh trật tự... Trong thời gian qua, nông dân đã đóng góp trên 3 tỷ đồng để cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Với tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Bình Lợi trên 1 ngàn ha, hiện đã có trên 250ha đất trồng mía, lúa, tràm, gò cao được chuyển đổi sang trồng bưởi. Phó chủ tịch UBND xã Lê Hoàng Long cho rằng, quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi sang cây bưởi trong tương lai sẽ còn rất lớn. Đó là bước đột phá của nông dân và chủ trương của địa phương trong mục tiêu tăng giá trị sử dụng đất từ 150 triệu đồng/năm/ha (năm 2019) lên gần 200 triệu đồng/ha/năm (năm 2025).
Đoàn Phú