Bệnh nhân V.V.T. (28 tuổi ngụ TP.HCM, làm việc tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) là ca bệnh nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Đồng Nai đang được cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Bệnh nhân V.V.T. (28 tuổi, ngụ TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định chi nhánh Biên Hòa đóng tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) là ca bệnh nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Đồng Nai đang được cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung (phải) trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh về việc bố trí, lắp đặt camera tại khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: H.Dung |
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, những điều kiện cần thiết phục vụ công tác điều trị đã và đang được ngành Y tế chủ động thực hiện. Mục đích cuối cùng là đem đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
* Bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tại Đồng Nai
- Thưa ông, Bệnh viện Phổi Đồng Nai hoạt động như thế nào sau khi được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 của tỉnh?
- Đến ngày 8-4, toàn bộ bệnh nhân mắc bệnh phổi, lao điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã được chuyển về các trung tâm y tế, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh; những ca bệnh nặng thì được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để được tiếp tục điều trị.
Chúng tôi đã phân chia Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành 3 khu vực. Một khu chuyên để tiếp nhận những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 (là những người có dấu hiệu lâm sàng, ở vùng dịch tễ trở về nhưng chưa xét nghiệm) với 45 giường. Khu thứ hai để điều trị những bệnh nhân đã được xác định nhiễm Covid-19 với 60 giường bệnh. Trong đó, có khoảng
15-20 giường dành cho những bệnh nhân có các bệnh phối hợp. Khu thứ 3 là khu hồi sức để điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
Ở mỗi khu vực đều có giường cấp cứu, bình oxy để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân; có gắn camera theo dõi. Lối ra - vào các khu này được thiết kế theo đúng quy chuẩn một chiều, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế.
Khu hồi sức được trang bị đầy đủ các loại máy móc theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với 20 giường bệnh nặng, bao gồm các loại máy thở, máy lọc máu, các máy xét nghiệm sinh hóa...
- Nhân viên y tế phục vụ cho hoạt động tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai như thế nào?
- Nhân lực chính để phục vụ công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai vẫn là y, bác sĩ, nhân viên hiện có của bệnh viện (124 người, chia làm 2 bộ phận chuyên môn và hành chính). Ban giám đốc của bệnh viện chịu trách nhiệm điều hành hoạt động tại bệnh viện.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế sẽ tăng cường cán bộ, y, bác sĩ chuyên về nội, hô hấp, truyền nhiễm từ các bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Thành, Đa khoa khu vực Long Khánh và các bệnh viện khác cho Bệnh viện Phổi Đồng Nai tùy theo mức độ của dịch bệnh (dưới 20 ca bệnh, từ 20-50 ca bệnh và từ 50-100 ca bệnh).
Nếu có những bệnh nhân cấp cứu cần lọc máu, thở máy... sẽ có những chuyên gia chuyên sâu hỗ trợ điều trị. Trường hợp bệnh nặng hơn nữa mà Đồng Nai chưa thể đáp ứng thì sẽ được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để điều trị.
Ứng với mỗi cấp độ của dịch bệnh sẽ có lực lượng y, bác sĩ, nhân viên phục vụ phù hợp. Mỗi lượt cán bộ, y, bác sĩ được điều động sẽ làm việc từ nửa tháng đến 1 tháng. Sau đó họ sẽ được cách ly 14 ngày. Trong thời gian cách ly, tất cả các nhân viên y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn.
* Nỗ lực điều trị tốt nhất cho bệnh nhân
- Xin ông cho biết sức khỏe của bệnh nhân V.V.T. đến thời điểm này?
- Bệnh nhân T. dù đã được xác định nhiễm virus gây bệnh Covid-19 nhưng sức khỏe hiện vẫn ổn định, mạch, huyết áp đều bình thường, không sốt, không ho, không khó thở.
Do khu điều trị của bệnh viện đang trong quá trình hoàn thiện một số hạng mục về cơ sở vật chất nên bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại một khu riêng trong khuôn viên bệnh viện. Khu này hiện chỉ có một mình bệnh nhân T., trước đó được thiết kế để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 với mức độ nhẹ.
Vài ngày tới, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân lên khu điều trị chính thức. Đồng thời khử khuẩn khu vực bệnh nhân đã nằm điều trị trước đó để đảm bảo an toàn.
- Phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh là gì?
- Chúng tôi đang sử dụng phác đồ điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Do bệnh nhân chưa có biểu hiện gì của bệnh nên trước mắt sẽ được điều trị nâng đỡ thể trạng, tức là ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thể thao, giải tỏa tâm lý.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp như viêm phổi, chúng tôi sẽ điều trị kháng sinh, sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng ho, sốt. Nếu bệnh nặng hơn thì ngoài kết hợp kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, các bác sĩ sẽ sử dụng thêm các liệu pháp về oxy. Nặng hơn nữa thì bắt buộc phải sử dụng các loại máy móc hỗ trợ như máy thở không xâm lấn/xâm lấn hoặc máy ECMO.
Quan điểm của ngành Y tế là sẽ nỗ lực hết sức để hạn chế thấp nhất nguy cơ bệnh nặng. Chúng tôi sẽ thường xuyên hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và tốt nhất cho bệnh nhân.
- Từ trường hợp của bệnh nhân T. hay như bệnh nhân 243, chúng ta có cần thay đổi thời gian cách ly tập trung hay không?
- Hiện có nhiều quan điểm về thời gian cách ly và thời gian ủ bệnh của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm cách ly đủ 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung, sau đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày đối với những người thuộc diện cách ly tập trung. Như vậy, tổng thời gian cách ly của một người thuộc diện cách ly đã là 28 ngày.
Trường hợp bệnh nhân T., nếu Đồng Nai không chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc khi bệnh nhân này đã gần hết thời gian 14 ngày cách ly thì rất dễ để lọt bệnh nhân ra cộng đồng. Khi đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất lớn.
Việc chủ động làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ở 3 cơ sở xét nghiệm là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành Y tế Đồng Nai trong việc phát hiện sớm ca mắc bệnh, kiểm soát được nguy cơ người đã nhiễm virus mà không được phát hiện.
Ngày 9-4, Bộ Y tế đã đồng ý cho 3 cơ sở xét nghiệm của Đồng Nai thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 mà không cần phải gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm đối chứng.
- Người dân trong tỉnh cần làm gì lúc này khi đã có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên?
- Việc Đồng Nai có ca bệnh Covid-19 là điều không thể tránh khỏi, vì Đồng Nai có sự giao lưu lớn với nhiều địa phương, nhất là với TP.HCM. Ca bệnh đầu tiên này cũng lây nhiễm từ ca bệnh của TP.HCM.
Tuy nhiên, ngành Y tế Đồng Nai cũng như các sở, ban, ngành khác trong tỉnh đã chủ động lên các phương án để ứng phó từ sớm và kiểm soát được tất cả những đối tượng tiếp xúc gần, xa với ca bệnh. Kết quả xét nghiệm của tất cả những người có tiếp xúc với ca bệnh V.V.T. tại công ty cũng như ở khu cách ly Trường đại học Đồng Nai đều đã cho kết quả âm tính với Covid-19.
Người dân hoàn toàn có thể an tâm đối với công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh. Đồng thời, chúng tôi rất mong muốn người dân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện tốt việc giãn cách, cách ly xã hội. Đặc biệt, cần hạn chế đến nơi đông người để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan vì thực sự chúng ta không thể biết được người mà chúng ta tiếp xúc đã đi những đâu, gặp những ai.
Ngoài ra, nếu có những biểu hiện của bệnh Covid-19 như ho, sốt, khó thở, người dân cần nhanh chóng liên hệ với ngành Y tế để được hướng dẫn, xử trí. Ngành Y tế sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh khi có nhu cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Ngoài Bệnh viện Phổi Đồng Nai, ngành Y tế sẽ tổ chức riêng một khu dành cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần phải phẫu thuật, thai phụ cần phải can thiệp ngoại khoa. Khu vực này được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. |
Hạnh Dung (thực hiện)