Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu đúng về cách ly y tế tập trung

09:04, 06/04/2020

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua, việc nhanh chóng tổ chức điều tra, phát hiện, khoanh vùng và cách ly y tế để dập dịch sớm đã đem lại hiệu quả cao...

Nhanh chóng điều tra, phát hiện, khoanh vùng, cách ly để dập dịch sớm là phương châm trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung
Khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, cán bộ y tế và người dân trong tỉnh cần hiểu đúng và thực hiện chính xác những nội dung liên quan đến cách ly y tế để đảm bảo hiệu quả cao trong phòng, chống dịch bệnh.

* Cách ly phải đủ 14 ngày

Thời gian cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với người thuộc diện cách ly phải đủ 14 ngày tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn lây. Nguồn lây bao gồm bệnh nhân và ổ dịch. Trong đó, ổ dịch được hiểu là những nơi mà người nhiễm Covid-19 đã từng đến, có thể thải virus ra môi trường tại đó như: nhà ở, cơ quan, quán ăn, công ty, siêu thị… Và có thể, ở những nơi đó đã có người bị nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân.

Ví dụ trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 124 (bệnh nhân người Brasil, ngụ tại TP.HCM). Ngày 18-3, bệnh nhân làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định chi nhánh Biên Hòa (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh cửu). Ngày 24-3, bệnh nhân được xác định dương tính với Covid-19. Như vậy, nguồn lây của bệnh nhân này tại Đồng Nai gồm: bản thân bệnh nhân 124 và công nhân lao động trong Công ty TNHH Giày Gia Định. Từ điều tra dịch tễ như trên, đối tượng và thời gian cách ly cụ thể như sau: Những người không đến Công ty TNHH Giày Gia Định từ ngày 18 đến 24- 3 thì không cần phải cách ly vì không tiếp xúc với nguồn lây.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân 124 vào ngày 18-3, sau đó không đến công ty thì tính thời điểm tiếp xúc lần cuối cùng với nguồn lây là ngày 18-3. Thời gian cách ly tính từ ngày 18-3 cho đến khi đủ 14 ngày.

Những người có tiếp xúc hoặc không tiếp xúc với bệnh nhân vào ngày 18-3, sau đó tiếp tục làm việc tại công ty đến ngày 24-3 thì tính thời gian tiếp xúc lần cuối với nguồn lây là ngày 24-3. Thời gian cách ly tính từ ngày 24-3.

Những người không tiếp xúc với bệnh nhân nhưng đến công ty làm việc từ ngày 18 đến 24-3 thì tính tiếp xúc lần cuối với nguồn lây là ngày 24-3. Thời gian cách ly tính từ ngày 24-3.

Những người có tiếp xúc hoặc không tiếp xúc với bệnh nhân nhưng đến công ty làm việc từ ngày 18 đến 20-3 thì tính tiếp xúc lần cuối với nguồn lây là ngày 20-3, thời gian cách ly tính từ ngày 20-3.

Tương tự cách tính trên, nếu bệnh nhân có nhà ở tại Đồng Nai thì một nguồn lây nữa là nhà của bệnh nhân. Do đó, những người không tiếp xúc với bệnh nhân nhưng có đến nhà bệnh nhân trong vòng 14 ngày trước khi bệnh nhân phát bệnh thì thời gian cách ly tính từ ngày cuối đến nhà bệnh nhân. Những người hàng xóm không tiếp xúc với bệnh nhân nhưng thường xuyên qua lại nhà bệnh nhân thì thời gian cách ly tính từ ngày 24-3.

* 4 nhóm đối tượng phải cách ly tập trung

Theo quy định, những người thuộc diện F1 (tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Covid-19) cùng với những người đi về từ các ổ dịch và một số đối tượng có nguy cơ khác trong quá trình thực hiện cách ly sẽ được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Lần thứ 2 lấy mẫu xét nghiệm là ngày cách ly thứ 13. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người cách ly sẽ được cho về khi đủ 14 ngày cách ly.

Để hạn chế lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị thực hiện phân luồng đối tượng cách ly theo 4 nhóm nguy cơ.

Cụ thể, nhóm 1 là các ca bệnh nghi ngờ (có triệu chứng bệnh và có yếu tố dịch tễ rõ ràng) sẽ được đưa vào khu cách ly điều trị tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập theo địa phương và phân bổ giường bệnh của Sở Y tế. Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bệnh nhân sẽ được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai để điều trị.

Nhóm 2 là các trường hợp nguy cơ cao, bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh (người ở cùng nhà, cùng ngồi trên xe taxi, ngồi các ghế lân cận trên máy bay, xe đò; cùng ăn uống, trao đổi công việc trực tiếp, chung một phòng làm việc, chung nhóm đi chơi… người về từ các ổ dịch có lây lan thứ phát (như Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha…). Những người này sẽ được cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai và lấy mẫu xét nghiệm.

Nhóm 3 là những đối tượng F1 nhưng không tiếp xúc gần (chung chuyến bay ở những ghế xa, hàng xóm của bệnh nhân, cùng nơi làm việc nhưng không tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân…) thì tiến hành cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của huyện hoặc tỉnh; bố trí khu vực riêng vì có nguy cơ cao hơn.

Nhóm 4 là những đối tượng khác, tùy theo mức độ, các nhân viên y tế sau khi điều tra dịch tễ có thể chuyển vào khu cách ly tập trung phù hợp.

Để thực hiện cách ly đúng đối tượng và đủ số ngày cách ly theo quy định, BS Bạch Thái Bình đề nghị nhân viên y tế được giao nhiệm vụ phải điều tra chi tiết lịch sử di chuyển của bệnh nhân và từng đối tượng có liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 để xác định đúng thời gian tiếp xúc lần cuối với nguồn lây. Từ đó để tính thời gian cách ly chứ không chỉ là tiếp xúc lần cuối với bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều