Sống và trưởng thành ở một đất nước có nền giáo dục tiên tiến từ nhỏ như Hoa Kỳ, thế nhưng anh Ma Trần Khánh vẫn quyết định về Việt Nam định cư, xây dựng gia đình và làm công việc mình yêu thích. Anh hiện là Phó hiệu trưởng Chương trình quốc tế của Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa).
Sống và trưởng thành ở một đất nước có nền giáo dục tiên tiến từ nhỏ như Hoa Kỳ, thế nhưng anh Ma Trần Khánh vẫn quyết định về Việt Nam định cư, xây dựng gia đình và làm công việc mình yêu thích. Anh hiện là Phó hiệu trưởng Chương trình quốc tế của Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa).
Thầy Ma Trần Khánh dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh trong thời dịch Covid-19. Ảnh: C.Nghĩa |
Anh Khánh chia sẻ: “Hoàn thành chương trình tiểu học tại Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), tôi theo cha mẹ sang Mỹ định cư và tiếp tục học tập. Khi được công nhận quốc tịch Mỹ, tôi có quyền được giữ họ đổi tên theo cách gọi của người Mỹ nhưng tôi vẫn giữ lại tất cả những gì thuộc về Việt Nam của mình. Khi lớn lên ở Mỹ, dù có được cuộc sống đầy đủ, công việc tốt và ổn định nhưng tôi vẫn mong muốn được trở về Việt Nam làm việc và sinh sống”.
* Ra đi để trở về
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Khánh được một công ty khởi nghiệp mời làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất bộ kít kiểm tra chất phóng xạ tại bang California. Anh chia sẻ, công việc ở công ty mới khi đó rất tốt. Đây là công ty nhận được sự đầu tư của Chính phủ Mỹ chuyên sản xuất loại kít kiểm tra nhanh chất phóng xạ tồn tại trong con người, sản phẩm dùng trong trường hợp có chiến tranh phóng xạ xảy ra.
Anh Ma Trần Khánh bộc bạch: “Tôi vẫn luôn tự hỏi mình rằng ngày càng có nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, tìm đến Biên Hòa để làm việc. Vì vậy, tại sao mình là người Việt Nam lại không thể mang trí tuệ và tình yêu nước là hành trang để trở về góp sức xây dựng quê hương?”. |
Dù được làm việc cho một công ty khởi nghiệp tại Mỹ, môi trường làm việc tốt và nhiều cơ hội thăng tiến, thế nhưng anh Khánh vẫn nuôi dưỡng trong mình khát vọng có ngày được trở về Việt Nam làm việc tại chính nơi mình được sinh ra.
Anh chia sẻ: “Tôi đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc vào thời điểm công việc ở Mỹ đang tiến triển rất tốt, điều đó đã làm nhiều người bất ngờ. Chính cha mẹ của tôi cũng không ủng hộ lựa chọn này. Chủ công ty nơi tôi làm việc, đồng thời là một người bạn thân thiết cũng cảm thấy “sốc” trước quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc của tôi, tất cả đều đã động viên, thuyết phục tôi ở lại. Thậm chí có những lời đề nghị sẵn sàng chào đón tôi quay lại nước Mỹ nếu như công việc ở Việt Nam không thực sự phù hợp”.
Đối với nhiều người trẻ, sự lựa chọn như anh Khánh quả không phải dễ dàng nếu không có sự can đảm, hoặc buộc phải lựa chọn. “Tôi quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc bởi tôi đã yêu nơi này trong những lần về thăm và khi tôi lớn lên. Tôi hiểu rằng, khi về làm một công việc hoàn toàn khác với những gì tôi đã học ở Mỹ là không dễ dàng. Nếu công việc không thuận lợi, khi muốn quay trở lại Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn chọn” - anh Khánh bộc bạch.
* Tôi đã về nơi đáng sống
Sau hơn 5 năm trở về TP.Biên Hòa sinh sống và làm việc, chưa khi nào anh Khánh cảm thấy quyết định của mình là sai lầm, ngược lại anh luôn hạnh phúc vì cuộc sống ở nơi này thật sự thuộc về mình. Anh chia sẻ: “Nếu như ở Mỹ cuộc sống của tôi thường chỉ là đến trường học tập, đi làm và trở về nhà. Còn ở Việt Nam, ngoài công việc tôi còn có gia đình riêng của mình và những người bạn chân thành, cuộc sống thực sự nhẹ nhàng. Điều tôi thấy thích thú là được cùng người thân hay bạn bè dùng chung một món ăn nào đó, mọi người đều cảm thấy gắn kết”.
Anh Ma Trần Khánh (trái) nhận bằng thạc sĩ quản lý giáo dục tại Mỹ |
Khi được hỏi, vốn đã quen với cuộc sống ở Mỹ từ nhỏ, khi trở về TP. Biên Hòa bắt đầu một cuộc sống mới anh có gặp khó khăn gì không? Anh Khánh vui vẻ chia sẻ: “Dù sống ở Mỹ từ nhỏ, nhưng cha mẹ tôi vẫn giữ gần như nguyên vẹn thói quen sinh hoạt ở Việt Nam, từ bữa cơm trong gia đình đến việc nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, đó là tiếng Việt. Đây chính là nền tảng cốt lõi để khi trở về Biên Hòa sinh sống và làm việc, tôi đã thích nghi nhanh chóng với cuộc sống và công việc của mình”.
Anh Khánh cho hay, những kiến thức và kỹ năng mà anh tiếp thu được ở nước ngoài đã và đang giúp ích cho anh rất nhiều trong vai trò là Phó hiệu trưởng chương trình quốc tế ở ngôi trường nơi anh đang làm việc. Anh chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì không chỉ được quay về nơi tôi đã sinh ra để tiếp tục cuộc sống của mình, mà điều quan trọng hơn đó là được chia sẻ và giúp cho học sinh tiếp cận với phương pháp giáo dục mới của thế giới”.
Yêu công việc hiện tại, bởi với anh Khánh: “Tôi luôn tìm thấy được sự thú vị trong công việc khi được truyền cảm hứng học tập cho học sinh của mình. Với các em, giờ đây đến trường không chỉ đơn giản là được tiếp thu kiến thức các môn tự nhiên hay xã hội, mà một phần không kém phần quan trọng là được trải nghiệm các kỹ năng, cảm xúc cần thiết cho cuộc sống tương lai. Đó là kỹ năng tư duy tích cực, làm việc nhóm, tiếng Anh, tin học, khả năng tự tin trước đám đông… Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi học sinh của mình đã bộc lộ những khả năng vượt trội, sống có cảm xúc, biết thương yêu và chia sẻ”.
Công Nghĩa