Tính từ trước Tết Nguyên đán đến nay, học sinh (trừ bậc THPT) đã nghỉ học được hơn 3 tháng. Thời gian này thậm chí còn dài hơn cả thời gian nghỉ hè thực tế. Ba tháng nghỉ học nhưng không được tham gia các hoạt động ngoại khóa, không được đi chơi và phải hạn chế giao lưu, tiếp xúc.
1Tính từ trước Tết Nguyên đán đến nay, học sinh (trừ bậc THPT) đã nghỉ học được hơn 3 tháng. Thời gian này thậm chí còn dài hơn cả thời gian nghỉ hè thực tế. Ba tháng nghỉ học nhưng không được tham gia các hoạt động ngoại khóa, không được đi chơi và phải hạn chế giao lưu, tiếp xúc. Đặc biệt, trong những tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các bậc cha mẹ lại càng quản lý chặt chẽ con cái hơn. Đó thực sự là điều rất khó khăn đối với những trẻ nhỏ đang trong độ tuổi cần được vui chơi để phát triển.
Tôi có một người bạn làm công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Hai vợ chồng chị làm chung một công ty nhưng đi trái ca. Suốt 3 tuần nay, 2 con của chị chưa được bước chân ra khỏi dãy trọ. Buổi sáng, chị ở nhà với con. Đến giờ đi làm, chị khóa cửa nhốt các con trong phòng cho đến khi chồng chị đi làm về mới mở cửa. Cũng tương tự như vậy, khi chồng chị đi làm thì khóa cửa cho 2 con trong phòng… “Thôi, chịu cực như vậy cho an toàn” - chị phân trần.
Ở nhà, ngoài làm bài tập do giáo viên yêu cầu và xem tivi, các bé không còn thú vui nào khác. Không gian phòng trọ lại chật chội nên các bé cũng không thể chơi các trò chơi vận động thể lực.
“Con nhà nghèo” đã vậy, “con nhà giàu” cũng không sung sướng hơn là mấy. Tôi có người quen làm nghề giúp việc. Kể từ ngày “cách ly xã hội”, nhà chủ đã đưa 3 đứa con đến ở một căn nhà khác ở ngoại ô TP.Biên Hòa để “trốn dịch”. Tất nhiên, bà phải đi theo để phục vụ. Đồ ăn được chủ nhà cung cấp đủ dùng trong 1 tuần. Khi thức ăn hết, chủ nhà lại đem thêm cho 1 tuần tiếp theo. Tất nhiên, ngoài quanh quẩn trong nhà để chơi điện thoại, xem tivi, những đứa trẻ đó cũng không có niềm vui nào khác. Chưa kể, bà giúp việc không thể thay thế cha mẹ để cùng học, cùng chơi với trẻ trong những ngày nghỉ này.
Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên tâm lý trẻ cũng đã được một số chuyên gia tâm lý ở nước ta cảnh báo.
2 Nếu thuận lợi, học sinh của Đồng Nai sẽ được quay trở lại trường vào ngày 4-5. Đây sẽ thực sự là ngày vui của tất cả các học sinh. Nhưng niềm vui này có thể sẽ nhanh chóng chuyển thành một loạt áp lực. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 8 tuần, trẻ sẽ phải vừa học chương trình mới, vừa hoàn thành rất nhiều các bài kiểm tra: 15 phút, 1 tiết, giữa học kỳ 2, bài thi cuối học kỳ 2...
Các trường tổ chức học 2 buổi/ngày cũng đã tính đến chuyện sẽ cắt toàn bộ các hoạt động ngoại khóa, giảm thời lượng các môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ để tập trung cho các môn học chính. Ngoài ra, vì lo lắng con bị “hổng” kiến thức, nhiều phụ huynh cũng đã lên kế hoạch cho con đi học thêm, mời gia sư về dạy... Như vậy, chưa kịp giải tỏa căng thẳng tâm lý sau những ngày dài phải ở nhà, trẻ lại phải tiếp tục đối mặt với hàng loạt áp lực khác.
Để giải quyết được vấn đề trên, phụ huynh và nhà trường cần nhận được những lời khuyên của chuyên gia tâm lý để đưa ra một số hoạt động phù hợp nhằm cân bằng cảm xúc cho trẻ. Có như vậy thì niềm vui đến trường sau đại dịch của trẻ mới được trọn vẹn.
Tường Vi