Đồng Nai có hệ thống các cơ sở đào tạo từ trung cấp đến đại học khá phong phú. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn còn thiếu lao động kỹ thuật qua đào tạo...
Đồng Nai có hệ thống các cơ sở đào tạo từ trung cấp đến đại học khá phong phú. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn còn thiếu lao động kỹ thuật qua đào tạo cả về số lượng lẫn chất lượng.
Sinh viên công nghệ thông tin Trường đại học công nghệ Đồng Nai thực tập tại Viễn thông Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa |
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Nguyễn Trần Quỳnh Anh chia sẻ: “Là DN dệt may, công ty chúng tôi không chỉ cần những lao động phổ thông biết nghề may mà còn cần những thợ kỹ thuật qua đào tạo ở các khâu bảo trì cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh, quản lý sản xuất. Chúng tôi vẫn đang phải loay hoay tuyển dụng. Có những nhân viên kỹ thuật dù đã qua đào tạo trường lớp nhưng phải mất khá nhiều thời gian sau mới có thể làm tròn vai như chúng tôi mong muốn”.
* Trường nhiều vẫn thiếu… thợ
Để khắc phục tình trạng thiếu thợ giỏi lành nghề, bộ phận nhân sự của Công ty TNHH Fashion Garments thường xuyên “gõ cửa” đặt hàng một số cơ sở đào tạo nghề của tỉnh, trong đó có Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi để tuyển dụng những sinh viên đang đi thực tập hoặc chuẩn bị ra trường.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân: Tỉnh công nghiệp lớn phải có trường nghề mạnh Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn nên phải nhanh chóng sắp xếp, tính toán lại việc đầu tư có trọng điểm các cơ sở đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu không có tính toán kịp thời thì những năm tới tình hình thiếu lao động kỹ thuật cao phục vụ DN, nhất là những dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ thiếu trầm trọng. Khi đó, với sự mở của tự do lao động trong khối ASEAN, lao động kỹ thuật của Đồng Nai sẽ khó lòng cạnh tranh. |
Còn với những DN điện tử, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật chuyên ngành lại càng trở nên khó khăn hơn. Theo cán bộ nhân sự Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), hiện nay các khâu sản xuất của công ty đã chuyển dần sang mức độ tự động hóa cao, tuy nhiên những khâu quan trọng như: tổ chức sản xuất, kiểm tra sản phẩm, bảo trì hệ thống… thì máy móc vẫn không thể thay thế con người. Để có được đội ngũ nhân viên đủ trình độ, kinh nghiệm tham gia vào các khâu sản xuất này, công ty phải tuyển dụng và đào tạo, trong khi rất ít nhân viên tuyển dụng từ các trường về làm việc được ngay.
Anh Lê Quang Cường, cán bộ nhân sự của Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam chia sẻ, công nghệ DN sử dụng và chương trình mà các trường đang triển khai đào tạo cho sinh viên thường có một khoảng cách nhất định. Sinh viên đến DN thường từ bỡ ngỡ, thậm chí phải mất 6 tháng đến 1 năm mới có thể dần thích nghi được với công nghệ sản xuất. Do đó, nếu trông chờ vào các cơ sở đào tạo về nguồn lao động có khả năng làm việc được ngay thì sẽ thất vọng.
Anh Cường cho biết: “Để giải quyết được số lượng thì chúng tôi sẽ phải chọn một số trường có thế mạnh đào tạo gắn với nhu cầu của chúng tôi, sau khi tuyển dụng sẽ “gia cố” thêm tay nghề, vất vả nhưng cũng không còn cách nào tốt hơn”.
Ngành công nghệ thông tin được coi là một trong những ngành “hot” được giới trẻ quan tâm khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ mở ra cho ngành này những cơ hội việc làm và thu nhập triển vọng. Nhưng theo các DN lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều cơ sở đào tạo tại Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là về chất lượng của các DN này.
Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin viễn thông Đồng Nai Huỳnh Bảo Quốc cho hay: “So với vài năm trước, chất lượng đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin đã có cải thiện nhưng chưa thật sự rõ nét. Nhiều cử nhân đến DN vẫn còn bỡ ngỡ cả kiến thức cơ bản lẫn kỹ năng làm việc. Nếu không cải thiện được những điều quan trọng này thì cơ hội có đi chăng nữa cũng không đủ năng lực để nắm bắt”.
* Quyết liệt sắp xếp
Trái ngược với thực trạng khan hiếm của thị trường lao động kỹ thuật, hiện nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đang “teo tóp” quy mô đào tạo, do tuyển sinh khó khăn. Đứng trước thực trạng đó, trong thời gian qua, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề. Một số cơ sở đào tạo của các đơn vị bộ, ngành trực thuộc Trung ương tại Đồng Nai cũng phải chuyển hướng để có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo giải thể, sáp nhập một loạt đơn vị do khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có Trường trung cấp nghề 26-3 trực thuộc Tỉnh đoàn, dù trường này được đầu tư cách đây gần 10 năm với mục tiêu trở thành trường cao đẳng nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, Trường trung cấp giao thông vận tải cũng đã giải thể, một bộ phận giáo viên được chuyển về Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai. Tỉnh cũng đã sáp nhập Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật Đồng Nai với Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai để nâng cao hiệu quả đào tạo.
Một số trường vốn có thế mạnh đào tạo như Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai (trực thuộc Bộ VH-TTDL), Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) hay Trường cao đẳng thống kê cũng đang tiếp tục gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, hiện nay, Trường cao đẳng nghề số 8 đang chuẩn bị các bước để tiến tới giải thể. Theo một cán bộ Phòng đào tạo Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, nhiều ngành nghề vốn là thương hiệu của trường nay đang mai một vì không có người học.
Giám đốc Sở LĐ -TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết: “Đồng Nai có nhiều cơ sở đào tạo nghề nhưng chưa mạnh, cần phải chuyên môn hóa, tăng cường hợp tác chia sẻ trong đào tạo. Trường có kinh nghiệm, có thế mạnh thì chia sẻ cho trường yếu hơn, hoặc nhiều trường cùng đào tạo một ngành thì nên tính toán lại để cân bằng cung - cầu lẫn chất lượng. Một khâu quan trọng mà trường nào cũng phải thực hiện đó là đẩy mạnh liên kết với DN trong đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng khi học viên tốt nghiệp ra trường”.
Công Nghĩa