Báo Đồng Nai điện tử
En

Rác thải điện tử chưa được thu gom đúng cách

10:03, 09/03/2020

Năm 2018, trung bình mỗi người dân Việt Nam thải ra 1,3kg rác thải điện tử. Mỗi năm, con số này lại tăng cao hơn.

Năm 2018, trung bình mỗi người dân Việt Nam thải ra 1,3kg rác thải điện tử. Mỗi năm, con số này lại tăng cao hơn.

Các thiết bị điện tử cũ được thu gom tại một vựa ve chai ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Yến
Các thiết bị điện tử cũ được thu gom tại một vựa ve chai ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Yến

Rác thải điện tử đang được thải ra chủ yếu từ các hộ gia đình, văn phòng và hầu hết được các vựa ve chai thu gom. Việc xử lý không đúng cách loại rác đặc biệt này sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến môi trường.

* Chủ yếu bán ve chai

Cuối năm 2019, chị Hồ Thị Mai (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyển sang căn nhà mới xây. Chị muốn thay đổi toàn bộ nội thất và vật dụng trong gia đình. Những món đồ còn mới, chị đem bán cho cửa hàng thanh lý nhưng những vật dụng đã quá cũ, chị chỉ còn biết bán cho vựa ve chai (nơi thu mua phế liệu). Rất nhiều trong những món đồ này thuộc mặt hàng điện tử như
tivi, nồi cơm điện, quạt điện…

Các thiết bị điện tử là món đồ không thể thiếu trong các hộ gia đình. Có thể kể đến  như: màn hình tivi, máy tính, máy in, máy fax, điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh, các loại pin, linh kiện liên quan công nghệ thông tin...

Mỗi năm, thế giới thải ra 50 triệu tấn rác thải điện tử

Theo một báo cáo được công bố vào đầu năm 2019 của 7 cơ quan về kinh tế, môi trường, con người của Liên hợp quốc cùng diễn đàn kinh tế thế giới và hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới thì hiện mỗi năm thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác điện tử. Nhưng chỉ có chưa đến 20% số rác này được tái chế.

Chị Trần Thị Nhung (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kể: “Nhà tôi có 1 chiếc tivi màn hình dày trước đây, nay đổi sang loại tivi màn hình mỏng nên tôi bán tivi cũ đi. Người mua ve chai trả tôi có 10 ngàn đồng. Giá này quá “bèo” nhưng không bán thì để chật nhà nên tôi bán luôn”.

Với những mặt hàng điện tử còn tương đối mới, có thể sử dụng tốt, người dân thường bán cho những người chuyên thu mua đồ điện tử. Sau đó, các cửa hàng mua đồ điện tử cũ thường tân trang lại rồi bán; hoặc tháo rời để lấy linh kiện dùng cho việc sửa chữa, lắp ráp các thiết bị điện tử.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Quyết định này quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường Việt Nam, qua các điểm thu hồi, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý.

Đến năm 2017, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Khoản 13, Điều 5 và Khoản 1, Điều 9 của Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg. Theo đó, nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Các điểm thu hồi thiết bị thải bỏ phải ghi rõ, chẳng hạn điểm thu hồi pin thải bỏ, điểm thu hồi ắc quy thải bỏ, điểm thu hồi thiết bị điện, điện tử thải… Tuy nhiên, phần lớn người dân không biết hoặc không để ý đến quy định này. Thậm chí, nếu muốn thì cũng không biết các điểm thu hồi ở đâu để đem đến. Mặt khác, việc bán rác thải điện tử cho những người thu gom ve chai vẫn là thuận tiện nhất.

Rác thải điện tử ở các vựa ve chai thường được tháo rời để lấy các linh kiện đồng, sắt cân ký bán. Những phần còn lại không có giá trị thường được đốt bỏ hoặc làm rác phế thải. Chị Bùi Thị Ân, chủ một vựa ve chai ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Đồ điện tử mua về, cái nào còn tốt thì mình sang lại cho tiệm điện tử cũ, cái nào không sang lại được mình rã ra để lấy đồng, sắt. Mấy cái bo mạch điện tử cũng được giá nhưng lại ít”.

* Chứa nhiều chất thải nguy hại với môi trường

Không chỉ bao gồm vật liệu nhựa, đồng, sắt…, các thiết bị điện tử còn chứa nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người như: cadium trong điện trở, chì, thủy ngân...

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1 ngàn hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý…, trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Việc các vựa ve chai tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy đồng, sắt vô tình đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần, thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. Hành động này cũng vô tình gây hại cho môi trường. Các chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người như: bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch…

Trong khi đó, lượng rác thải điện tử lại không ngừng tăng mỗi năm. Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), năm 2014, tổng lượng chất thải điện tử ở Việt Nam là 60 ngàn tấn, đến năm 2016, con số này là 90 ngàn tấn và năm 2018 tăng lên 116 ngàn tấn. Những đồ điện tử tiêu dùng như tivi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay.

Theo báo cáo của Viện KH-CNMT, Trường đại học bách khoa Hà Nội, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100 ngàn tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...). Ngoài ra, các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp cũng “đóng góp” vào số rác thải điện tử này.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích