Nguồn nước ô nhiễm là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Nguồn nước ô nhiễm là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Nhân viên Khoa Xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang làm xét nghiệm mẫu nước. Ảnh: T.Tú |
* Gây nhiều bệnh nguy hiểm
Ông Lương Trường Vĩnh, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, năm 2019 qua xét nghiệm 752 mẫu nước được lấy tại các trường mầm non, tiểu học, hồ bơi, trạm cấp nước tập trung, trạm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có tới 562 mẫu không đạt về tiêu chuẩn, trong đó 333 mẫu không đạt về vi sinh, 192 mẫu không đạt về lý hóa và 37 mẫu không đạt về cả lý hóa, vi sinh.
Đa phần các mẫu nước này không đạt chuẩn là do nhiễm vi sinh vật và lý hóa, nguyên nhân chủ yếu liên quan trực tiếp đến quá trình sử dụng và bảo quản các dụng cụ bơm nước, bể chứa, hệ thống ống dẫn, qua sử dụng lâu ngày chưa được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, khử trùng định kỳ. Bên cạnh đó, khâu lắp đặt hệ thống xử lý với công nghệ chưa được phù hợp hoặc là do thổ nhưỡng của từng vùng.
Theo ông Lương Trường Vĩnh, nếu trong nguồn nước không đạt tiêu chuẩn về vi sinh có thể gây các bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột… Còn đối với nguồn nước không đạt về lý hóa như hàm lượng của sắt, mangan trong nước cao sẽ gây các bệnh như: khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Các kim loại nặng trong nước ô nhiễm như crom sẽ gây viêm da, u nhọt. Đặc biệt là kim loại nặng như: asen, thủy ngân, chì… có thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài.
* Dấu hiệu nhận biết nước sinh hoạt nhiễm độc
Nước sạch là nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi sinh vật gây bệnh và các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch.
Ông Lương Trường Vĩnh chia sẻ: “Mỗi gia đình có thể dựa vào màu sắc, mùi vị, độ đục… để phát hiện ô nhiễm của nguồn nước và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời”.
Cụ thể, nước có mùi tanh, có màu xanh hoặc vàng sau khi để ngoài không khí là nước bị nhiễm sắt, mangan, tảo… Nước có mùi hôi có thể do nguồn nước ngầm đã bị nhiễm nước thải, chất hữu cơ trong đất. Nước có mùi thum thủm, trứng thối là nước nhiễm H2S (hydro sulfua) Nước có mùi khó thở, buồn nôn, mùi đặc biệt là nước nhiễm phenol và clo. Bên cạnh đó, nước có màu đục chứng tỏ có các chất lơ lửng nhiễm trong nước (chất keo, đất sét, tảo, vi sinh…).
Khi biết rằng nguồn nước tại địa phương bị nhiễm bẩn, nhiễm độc hoặc không được kiểm nghiệm, có thể dùng một số phương pháp trước mắt để xử lý được nguồn nước tại gia đình như: luôn luôn đun sôi nước trước khi sử dụng; uống nước mới sau 24 giờ, bởi sau 24 giờ, nước đun sôi để nguội sẽ bị nhiễm khuẩn trở lại; gợn nước sau khi để lắng và phơi dưới ánh nắng 1, 2 ngày, sử dụng các phương pháp lọc nước bằng than hoạt tính, dụng cụ lọc…
Thanh Tú