Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh dạn lựa chọn trường nghề

03:03, 11/03/2020

Nhiều năm liền xếp loại học lực khá, giỏi nhưng một số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lại từ chối học THPT tại các trường công lập để đến với hệ trung cấp nghề.

Nhiều năm liền xếp loại học lực khá, giỏi nhưng một số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lại từ chối học THPT tại các trường công lập để đến với hệ trung cấp nghề.

Em Trương Kim Ngân (bìa phải), học sinh nghề quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong một tiết thực hành. Ảnh: H.YẾN
Em Trương Kim Ngân (bìa phải), học sinh nghề quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong một tiết thực hành. Ảnh: H.YẾN

[links()]Các em đã mạnh dạn lựa chọn và tìm thấy những cơ hội rộng mở cho tương lai tại trường nghề.

* Lựa chọn… khác người

Tháng 3 năm nay, em Trương Kim Ngân (học sinh nghề quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai) sẽ hoàn tất chương trình học trung cấp nghề. Cuối tháng 7 này, em tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi làm và tham gia học lớp liên thông lên hệ cao đẳng vào buổi tối. Con đường này, Ngân đã xác định từ trước mặc dù là học sinh giỏi 9 năm liền.

TS.Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai cho biết: “Cần phải thay đổi nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Cán bộ tư vấn tuyển sinh đừng nói với học sinh rằng nếu học yếu thì hãy vào trường nghề. Thay vào đó, phải nói rằng, nếu muốn có việc làm và khẳng định mình ngay sau khi ra trường thì hãy chọn trường nghề”.

Quyết định của Ngân được cha mẹ ủng hộ, bởi sau 3 năm học, em vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có thể lấy bằng tốt nghiệp THPT như bạn bè đồng trang lứa. Ngoài ra, em được miễn toàn bộ học phí và còn được nhận học bổng định kỳ hằng năm của nhà trường.

“Ba mẹ em ủng hộ quyết định của em nhưng những người xung quanh lại nghĩ em không có khả năng học trường phổ thông nên mới phải đi học nghề. Vì vậy, em phải nỗ lực để chứng minh khả năng của mình” - Ngân tự tin cho biết.

Cũng như Ngân, em Mộc Thanh Hải (ngành cơ điện tử Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi) là học sinh khá suốt những năm học THCS. Tuy vậy, em không muốn học THPT mà chọn học trung cấp nghề. Theo Hải, con đường học tập này giúp em rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí so với học THPT rồi mới đi học nghề.

Những học sinh trung cấp nghề sẽ học văn hóa theo chương trình của hệ giáo dục thường xuyên. Các em sẽ chỉ học 7 môn bắt buộc là: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn, Lịch sử, Địa lý. Do được bớt nhiều môn học nên việc học văn hóa của học sinh trung cấp nghề không phải chịu nhiều áp lực như học sinh THPT. Tình trạng phải đi học thêm sau giờ học chính khóa hầu như rất ít.

Học sinh thực hành tại xưởng cơ khí Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai Ảnh: HẢI YẾN
Học sinh thực hành tại xưởng cơ khí Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai Ảnh: HẢI YẾN

Với những học sinh có học lực khá, giỏi, việc học ít môn văn hóa là một thuận lợi giúp các em có nhiều thời gian hơn cho những mục tiêu xa hơn. Chẳng hạn, em Hoàng Phúc đã tận dụng thời gian từ
19-21 giờ mỗi ngày để đi học 2 môn ngoại ngữ là Tiếng Anh và Tiếng Nhật.

Ngoài việc dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia để nâng cao kỹ năng mềm, trong đó chú trọng đến những kỹ năng liên quan đến văn hóa doanh nghiệp. Đây là một thuận lợi cho các em khi bước chân vào môi trường kiến tập, thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.

* Tương lai rộng mở

Học sinh học trung cấp nghề ngày càng tăng

Những năm trở lại đây, số lượng tuyển sinh trung cấp sau phân luồng THCS tại Đồng Nai tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2014, Đồng Nai chỉ tuyển được hơn 4 ngàn học sinh trung cấp thì năm 2016, con số này tăng lên gần 7 ngàn. Năm 2017 ghi dấu sự tăng vọt trong tuyển sinh trung cấp với gần 11.800 chỉ tiêu; năm 2018 là gần 11.900 chỉ tiêu; năm 2019 đạt 12 ngàn chỉ tiêu.

Em Vũ Việt Anh đang học năm thứ 2 ngành điện lạnh, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai. Việt Anh dự định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học liên thông cao đẳng ngành điện công nghiệp. Việt Anh cho rằng, với 2 tấm bằng ở 2 nghề khác nhau, cơ hội việc làm của em sẽ rộng mở hơn.

Không riêng gì Việt Anh, đa số các học sinh có học lực khá, giỏi chọn học trung cấp nghề đều xem tấm bằng nghề là một bước đệm để mình tiến xa hơn nữa.

ThS.Ngô Kim Lân, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Học sinh học lực khá, giỏi vào học trung cấp nghề hiện có nhiều hướng mở cho tương lai. Đa số các em sẽ học liên thông lên cao đẳng rồi liên thông tiếp lên đại học. Tổng thời gian học liên thông này là 2,5 năm (cao đẳng 1 năm, đại học 1,5 năm). Như vậy, các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí so với con đường học đại học thông thường”.

Em Vũ Việt Anh, học sinh nghề điện lạnh, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (bìa trái) trong tiết thực hành
Em Vũ Việt Anh, học sinh nghề điện lạnh, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (bìa trái) trong tiết thực hành

Không những vậy, học sinh trung cấp khi liên thông lên cao đẳng, đại học thường có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn vì các em có thời gian thực hành nhiều. Ở bậc trung cấp, khoảng 70% thời gian đào tạo dành cho thực hành. Ở bậc cao đẳng, con số này là khoảng 60%. Bậc đại học là thời gian để các em củng cố phần lý thuyết.

Còn theo TS.Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai, rất nhiều học sinh của trường có việc làm ngay từ lúc thực tập với mức lương ổn định. Đây cũng là yếu tố giúp trường thu hút nhiều học sinh có học lực khá, giỏi từ các trường THCS vào học nghề, trong đó có cả học sinh là con em của giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông.

“Chúng tôi rất mừng vì nhà trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp nên học sinh, sinh viên của trường có việc làm ổn định, thu nhập cao sau khi ra trường. Đặc biệt là các ngành như: cơ khí, điện, công nghệ thông tin, may, nghiệp vụ bếp và nhà hàng. Những ngành này nhiều em có việc làm ngay từ khi đi thực tập” - TS.Lê Anh Đức cho biết.

Những năm gần đây, việc tuyển sinh đầu vào trung cấp nghề bắt đầu khắt khe hơn. Không phải cứ nộp hồ sơ là được tuyển. Nhiều nghề “hot” như: công nghệ ô tô, điện tử, điện công nghiệp, công nghệ thông tin… yêu cầu điểm đầu vào các môn Toán, Lý, Hóa ở bậc THCS phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Đối với công tác đào tạo, việc học sinh khá, giỏi chọn học nghề mang đến nhiều thuận lợi. Dựa trên lực học của học sinh, nhà trường có thể điều chỉnh chương trình để đáp ứng yêu cầu thị trường tốt hơn.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều