Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh không đồng nhất, đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở, kết hợp tắc nghẽn luồng khí thay đổi. Triệu chứng của bệnh là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực thay đổi về cường độ theo thời gian.
Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh không đồng nhất, đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở, kết hợp tắc nghẽn luồng khí thay đổi. Triệu chứng của bệnh là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực thay đổi về cường độ theo thời gian.
Một bệnh nhi được đo chức năng hô hấp để xác định có bị hen suyễn hay không. Ảnh: G.Nhi |
* Khổ sở vì bệnh
Suốt 5 năm qua, chị Hồ Thị H. (P.An Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên phải nghỉ việc để đưa con gái là Đ.N.N.Y (5 tuổi) vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai điều trị bệnh hen suyễn. Chị H. cho biết, khi con gần 1 tuổi, cháu thường xuyên bị ho, khò khè, có lần nửa đêm không thở được chị phải đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Riêng năm 2019, cháu Y. phải nhập viện 3 lần để điều trị căn bệnh này. Do thường xuyên bị bệnh, nên đã 5 tuổi mà cháu Y chỉ nặng 14kg và thường xuyên phải nghỉ học. Vào đầu tháng 3 này, cháu Y. lại khởi phát cơn hen và phải nhập viện điều trị thêm 1 tuần.
Đơn vị quản lý bệnh hen Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thực hiện khám bệnh vào các ngày thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Trung bình 1 tuần khám 100 lượt bệnh nhân. |
Tương tự, con gái của chị Lê Thị H., (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) năm nay 5 tuổi cũng mắc phải căn bệnh này. “Khi bé được 8 tháng tuổi thường xuyên bị ho, khò khè, khó thở và cứ mỗi 2 tháng phải nhập viện do cơn hen tái phát, ảnh hưởng sang cả phổi. Đến năm 2 tuổi, cháu được lập hồ sơ quản lý bệnh hen tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nhờ được điều trị dự phòng, tần suất cháu bị bệnh thưa hơn và không phải nhập viện như trước. Hiện nay, tôi chỉ đưa con đi tái khám theo hẹn của bác sĩ, 2-3 tháng/lần để theo dõi sức khỏe cho cháu” - chị H. cho biết.
Theo BS-CKI.Lưu Thị Ngọc Hương, Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, hen suyễn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, nếu không được điều trị sẽ gây suy hô hấp. Bệnh còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của trẻ, chậm phát triển thể chất, ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các yếu tố thuận lợi dẫn đến hen suyễn ở trẻ là do di truyền, nếu trong gia đình có người bị hen suyễn thì trẻ có nguy cơ rất cao, hoặc kết hợp với trẻ bị chàm, viêm da dị ứng. Ngoài ra, do ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, nấm mốc, khói thuốc lá. Một số trẻ do gắng sức hoặc hít phải các dị nguyên mà cơ thể không chấp nhận được như: lông chó, mèo, gián, thú nhồi bông, phấn hoa, nước lau nhà... Hay một số trẻ khởi phát cơn hen do thức ăn, đặc biệt là đồ biển, trứng, thịt gà.
Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích trên, phế quản người bệnh sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, tái đi tái lại nhiều lần và thường xảy ra nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.
* Hiệu quả điều trị dự phòng và cách phòng ngừa
Theo BS.Ngọc Hương, trước đây, việc chẩn đoán hen suyễn chủ yếu dựa vào yếu tố lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh tật của trẻ cũng như yếu tố gia đình. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, máy đo chức năng hô hấp tối tân dành cho trẻ 3 tuổi trở lên, chứ không phải 8 tuổi như trước kia, nên giúp cho việc phát hiện được bệnh sớm và chính xác.
Đặc biệt, bệnh viện đã có đơn vị quản lý bệnh hen nên giúp cho việc điều trị dự phòng rất hiệu quả, bệnh nhân không phải lên tuyến trên như trước đây.
Dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng và đo chức năng hô hấp, nếu trẻ nằm trong tiêu chuẩn phải điều trị dự phòng sẽ được bác sĩ lập hồ sơ quản lý cho trẻ. Những bệnh nhân có hồ sơ quản lý sẽ được cấp thuốc BHYT theo đúng phác đồ điều trị dự phòng và bác sĩ sẽ hẹn tái khám mỗi 1 hoặc 2-3 đến 6 tháng tùy theo mức độ bệnh của từng trẻ.
“Nhờ có đơn vị quản lý bệnh hen mà bệnh nhân được điều trị dự phòng rất tốt, giảm số lần nhập viện do cơn hen cấp, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập hằng ngày, trẻ có thể tham gia mọi hoạt động giống như các trẻ bình thường và chức năng phổi ít bị ảnh hưởng ở tuổi trưởng thành. Nếu trẻ được quản lý, điều trị và phòng ngừa tốt thì trong vòng 1, 2 năm sẽ lui bệnh” - bác sĩ Ngọc Hương nói.
Để phòng ngừa hen suyễn cho trẻ, cần tránh tiếp xúc với các yếu tố ảnh hưởng như: ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, nấm mốc, khói thuốc lá, không cho trẻ chơi các trò chơi hoặc làm việc gắng sức. Loại bỏ các dị nguyên đường hít bằng cách không nuôi chó, mèo, gián, thú nhồi bông, phấn hoa, nước lau nhà... Những trẻ bị hen suyễn do thức ăn thì cần loại bỏ thức ăn đó ra khỏi thực đơn của trẻ.
Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống các thực phẩm sạch, ăn nhiều trái cây, tăng cường vitamin, giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm khuẩn hô hấp, vì đây cũng là nguyên nhân gây ra khò khè ở trẻ.
Gia Nhi