Trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi (30 Under 30) nổi bật của Việt Nam năm 2020 vừa được Forbes công bố, có một gương mặt đạt nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Đó là Phạm Hy Hiếu, 27 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ và hiện đang làm việc tại Google Brain.
Trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi (30 Under 30) nổi bật của Việt Nam năm 2020 vừa được Forbes công bố, có một gương mặt đạt nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Đó là Phạm Hy Hiếu, 27 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ và hiện đang làm việc tại Google Brain.
Phạm Hy Hiếu |
Danh sách các Under 30 năm 2020 của Forbes
Danh sách 30 Under 30 - 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2020 được Forbes công bố ngày 3-2-2020. Bảng danh sách 30 Under 30 năm nay chia ra 6 hạng mục, gồm có: Kinh doanh và Startup, Hoạt động xã hội và Doanh nghiệp xã hội, Nghệ thuật và Sáng tạo, Giải trí, Thể thao, Giáo dục và Khoa học. Hạng mục Giáo dục và Khoa học có 3 gương mặt được vinh danh, đó là:
1. Phạm Hy Hiếu, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Carnegie Mellon, Mỹ - 27 tuổi.
2. Hoàng Anh Đức, CEO Edlab Asia - 30 tuổi.
3. Trần Quốc Quân, Đại học Phenika - 30 tuổi.
Trong 3 gương mặt này, trẻ nhất và nổi bật nhất là Phạm Hy Hiếu.
Forbes dành những lời hết sức trang trọng để giới thiệu tóm tắt về những thành quả của Phạm Hy Hiếu giúp anh lọt vào danh sách 30 Under 30:
“Phạm Hy Hiếu là nhà khoa học công tác tại Google Brain, bộ phận chuyên về máy học (machine learning). Hiếu đang làm nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon, theo chương trình hợp tác giữa đại học này và Google. Phạm Hy Hiếu có 12 bài báo công bố tại các hội nghị khoa học, tạp chí khoa học, với 4.017 lượt trích dẫn. Trong đó, đáng chú ý nhất là báo cáo “Nâng cao hiệu quả tìm kiếm cấu trúc mạng neuron qua chia sẻ các thông số” mà Hiếu là tác giả thứ nhất được công bố năm 2018 tại hội nghị quốc tế về máy học (ICML), một hội nghị hàng đầu trong ngành máy học. Từ nhỏ, Hiếu đã bộc lộ năng khiếu về toán học. Năm lớp 6, Hiếu đoạt huy chương vàng toán tiểu học quốc tế tổ chức tại Ấn Độ. Ở bậc phổ thông cơ sở và trung học, Hiếu học chuyên Toán. Năm học lớp 11, Hiếu giành huy chương bạc toán quốc tế lần thứ 50 tổ chức tại Đức. Với thành tích này, Hiếu được học bổng du học. Vào học Stanford 1 năm, Hiếu tham gia đội tuyển tin học, dấu mốc để Hiếu chuyển hướng sang nghiên cứu tin học. Hiếu được GS.Christopher Manning, giáo sư đầu ngành lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hướng dẫn nghiên cứu từ năm thứ ba đại học. Tốt nghiệp Stanford, Hiếu được Google nhận vào làm việc ở bộ phận Google Brain, nơi các đàn anh như TS.Lê Viết Quốc, TS.Lương Minh Thắng đang làm việc.”
Lời giới thiệu này súc tích và đầy đủ, nhưng xung quanh nhà khoa học trẻ tuổi này còn những câu chuyện hấp dẫn và thú vị khác.
* Người được Google mời làm việc 3 lần mới đồng ý
Phạm Hy Hiếu đoạt huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009, do đó anh được học bổng toàn phần tại Đại học quốc gia Singapore. Thế nhưng theo lời khuyên của gia đình, anh… từ chối! Thay vào đó, Hiếu ở nhà một năm luyện thi TOEFL và SAT để xin học bổng tại Mỹ. Năm 2011, 5 trường đại học nổi tiếng tại Mỹ chấp nhận cho Hiếu theo học. Anh quyết định chọn ngành Khoa học máy tính của Đại học Stanford với học bổng toàn phần cho cả 4 năm học.
Trong thời gian theo học tại Stanford, Hiếu tìm hiểu để được vào thực tập tại các công ty lớn như: Google, Facebook, Microsoft, Apple, Snapchat, Whatsapps…
Năm thứ hai đại học, Phạm Hy Hiếu vượt qua phỏng vấn thực tập sinh của Google nhưng không được nhận với lý do thiếu kinh nghiệm và không hợp với đề án. Điều này khiến Hiếu tổn thương vì cho rằng lý do từ chối quá cảm tính và quyết tâm sẽ cho Google nhận ra sai lầm của họ.
Năm thứ ba đại học của Hiếu, gió đổi chiều khi chính Google mời Hiếu thực tập. Lần này, đến lượt Hiếu… từ chối. Năm thứ tư đại học của Hiếu, Google lại mời anh, lần này là làm việc chính thức chứ không phải thực tập. Một lần nữa, Hiếu từ chối vì chính sách của gã khổng lồ tìm kiếm với thực tập sinh vẫn như cũ.
Trong thời gian này, Phạm Hy Hiếu chọn hướng đi tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Luận văn của anh được giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất của Đại học Stanford. Hướng đi này mở ra nhiều cơ hội làm việc cho nhiều tập đoàn tại Mỹ đối với Hiếu. Microsoft mời anh về nhóm phát triển phần mềm trợ lý ảo Cortana, Facebook mời làm phân tích các bài đăng của người dùng bằng nhiều ngôn ngữ, Apple mời làm phát triển Siri. Tuy nhiên Hiếu từ chối tất cả và quyết định ứng tuyển chương trình tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon và được học bổng 5 năm nghiên cứu tại đây.
Tháng 3-2016, lần thứ ba Google ngỏ lời mời Hiếu vào làm việc, lần này là ở Google Brain - nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn. Đến lần này, Hiếu cảm thấy hứng thú và nhận ra có sự thay đổi trong chính sách nhân sự của Google nên anh đồng ý.
* Chàng trai 27 tuổi biết 5 thứ tiếng
Trình độ ngoại ngữ của Phạm Hy Hiếu rất đáng nể, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, anh có thể sử dụng tốt tiếng Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc. Cơ duyên biết nhiều ngôn ngữ như thế này là nhờ vào quá trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để giúp máy tính có thể dịch thuật được hiệu quả.
Hiếu đặc biệt thích thú với các thuật toán học sâu (deep learning). Anh đã cùng đồng nghiệp công bố 3 bài báo khoa học tại 2 hội nghị hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Hai bài báo đầu tiên đề cập đến việc khám phá công nghệ giúp cho một trí tuệ nhân tạo nếu đã hiểu tiếng Anh thì cũng sẽ hiểu được tiếng Đức, còn trong bài báo thứ ba là việc công bố một thuật toán dịch từ tiếng Anh ra tiếng Đức tốt hơn tất cả các thuật toán trước đó. Các nghiên cứu trên đã giúp Hiếu giành giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất khóa 2015 của Đại học Stanford.
Cùng với những nhà khoa học xuất sắc người Việt hiện đang làm việc tại “Bộ não Google” như Lê Viết Quốc, Lương Minh Thắng, tin rằng Phạm Hy Hiếu sẽ đạt được mục tiêu của mình như anh đã từng phát biểu: “Ngôn ngữ là một điều kỳ diệu. Nó cho phép chúng ta biểu đạt những tư duy phức tạp bên trong não bộ của mình một cách phổ quát, ai ai cũng hiểu được. Mình đang tập trung giải quyết một trong những thử thách lớn nhất của trí tuệ nhân tạo là làm cho máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người và giao tiếp trở lại”.
Phạm Hoài Nhân