Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân

09:02, 18/02/2020

"Trong tuần này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Sở Y tế phải thống nhất để trình UBND tỉnh nội dung giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 cho các cơ sở y tế trong tỉnh sao cho hợp lý nhất.

“Trong tuần này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Sở Y tế phải thống nhất để trình UBND tỉnh nội dung giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 cho các cơ sở y tế trong tỉnh sao cho hợp lý nhất. Mục đích cuối cùng là đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp kết luận cuộc họp. ẢNh: H.DUNG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp kết luận cuộc họp. ẢNh: H.DUNG

[links()]Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tại cuộc họp với các đơn vị liên quan vào sáng 18-2 về việc phân bổ nguồn kinh phí chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2020.

* Giao dự toán vẫn thiếu từ 230-250 tỷ đồng so với dự kiến

Bác sĩ Phạm Quốc Đạt, Phó trưởng phòng Giám định BHYT (thuộc BHXH tỉnh) cho biết, theo Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-1-2020 về việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2020, tỉnh Đồng Nai được giao 2.463 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với năm 2019.

Nhất trí với việc BHXH tỉnh sẽ giữ lại 250,8 tỷ đồng để chi cho các khoản đã đề ra, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung lưu ý các cơ sở y tế về tình trạng lạm dụng quỹ BHYT dù vô tình hay cố ý; đồng thời nhấn mạnh các cơ sở y tế cần “liệu cơm gắp mắm”, tránh để khó khăn vào cuối năm.

Trong đó, giao BHXH tỉnh số tiền 250,8 tỷ đồng để chi các nội dung sau: chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu 30,3 tỷ đồng; chi dự phòng cho việc phát triển dịch vụ kỹ thuật mới, mở rộng chức năng nhiệm vụ, mở rộng quy mô hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, tăng mới số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT 36,5 tỷ đồng; chi cho các đối tượng tham gia BHYT mới phát sinh trong năm 2020 là 184 tỷ đồng. Còn lại số tiền hơn 2.212 tỷ đồng sẽ chi cho 75 cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh BHYT trong toàn tỉnh.

Đối chiếu với tổng số dự kiến chi khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh sau khi cộng các yếu tố tăng thêm trong năm nay thì số tiền mà Chính phủ giao cho Đồng Nai chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thiếu từ 230-250 tỷ đồng.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, năm 2019, bệnh viện được giao dự toán 590 tỷ đồng. Theo dự kiến chi của BHXH tỉnh, nếu năm nay bệnh viện chỉ được giao 560 tỷ đồng thì sẽ không đủ để bệnh viện hoạt động. Bệnh viện kiến nghị BHXH tỉnh xem xét và giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm nay cho bệnh viện căn cứ vào số thực chi của năm 2019, không so sánh theo đầu thẻ BHYT như với các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Bởi, đối tượng có thẻ BHYT tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (người mắc bệnh mạn tính, hưu trí, người có công với cách mạng, bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên...) sử dụng rất nhiều thuốc và trong thời gian dài.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà thông tin trong 2 năm 2018 và 2019, bệnh viện thực hiện vượt dự toán được giao 25 tỷ đồng.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, để đảm bảo đủ chi phí hoạt động cho các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT phải dựa vào số dự toán và thực tế phát sinh tại các đơn vị. Đến nay, số tiền 281 tỷ đồng vượt dự toán quỹ BHYT năm 2018 của các đơn vị trong tỉnh vẫn chưa được BHXH Việt Nam thanh toán, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt là 4 đơn vị: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh áp dụng nhiều kỹ thuật mới, bổ sung thuốc, hóa chất, vật tư y tế mới, thay đổi quy mô bệnh viện...

* Sẽ có điều chỉnh vào cuối năm

Nói rõ về việc giữ lại 184 tỷ đồng để chi phát triển đối tượng tham gia BHYT mới trong năm nay, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, năm 2020, chỉ tiêu Chính phủ giao cho Đồng Nai đạt tỷ lệ 90,6% dân số tham gia BHYT (trên tổng số 3,1 triệu dân). Đối chiếu với tỷ lệ thực tế hiện nay, Đồng Nai cần phát triển thêm hơn 214 ngàn thẻ BHYT mới đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Mỗi thẻ BHYT hiện nay có giá hơn 900 ngàn đồng. Như vậy, tổng số tiền để phát triển thêm 214 ngàn thẻ BHYT trong năm 2020 của toàn tỉnh là 184 tỷ đồng.

Số tiền này sẽ được BHXH tỉnh giữ lại để đến cuối năm, nếu cơ sở nào khó khăn, có ý kiến, BHXH tỉnh sẽ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Riêng số tiền 281 tỷ đồng vượt dự toán năm 2018, mặc dù các cơ sở y tế trong tỉnh đã thuyết minh, lý giải nguyên nhân vượt, BHXH tỉnh đã gửi văn bản trình bày đến BHXH Việt Nam nhưng vẫn không thuyết phục được BHXH Việt Nam. Đến nay, số tiền này vẫn chưa được thanh toán cho các đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho hay, tình trạng vượt dự toán quỹ BHYT không chỉ diễn ra tại Đồng Nai mà là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, trước khi Chính phủ giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho các tỉnh, thành đã có sự thống nhất giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam.

Do đó, theo lãnh đạo tỉnh, việc cần làm trước mắt của ngành Y tế và BHXH tỉnh là cùng bàn bạc, căn cứ vào định mức, tình hình thực tế để giao dự toán chi BHYT cho các cơ sở y tế sao cho hợp lý. Trong đó, ưu tiên cho 4 đơn vị lớn là: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Đồng thời nghiên cứu để giảm bớt đối với các phòng khám, cơ sở y tế ngoài công lập, bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp lưu ý việc phân bổ thẻ BHYT cần được nghiên cứu cho phù hợp. Sau 6 tháng triển khai, nếu mức phân bổ chưa hợp lý và các cơ sở y tế tiếp tục thiếu hụt nguồn quỹ, đề nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh tham mưu để UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam kiến nghị về vấn đề này. Nếu vẫn không giải quyết được, sẽ kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ.        

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều