Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ các mô hình phụ nữ tiết kiệm

11:02, 28/02/2020

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 5 ngàn tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm thu hút gần 90 ngàn hội viên phụ nữ tham gia với số tiền trên 86 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 5 ngàn tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm thu hút gần 90 ngàn hội viên phụ nữ tham gia với số tiền trên 86 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Thắm, hội viên KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) thành lập công ty sản xuất các loại mút xốp đóng gói hàng hóa, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương. Ảnh: N.Sơn
Chị Nguyễn Thị Thắm, hội viên KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) thành lập công ty sản xuất các loại mút xốp đóng gói hàng hóa, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương. Ảnh: N.Sơn

Từ nguồn vốn tiết kiệm của hội viên phụ nữ đã giúp trên 18 ngàn lượt hội viên, phụ nữ vay giải quyết khó khăn về vốn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của gia đình.

* Kịp thời hỗ trợ hội viên

Cách đây 4 năm, gia đình chị Hà Thị Kiều Ngân, ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc (H.Định Quán) là hộ nghèo của xã. Từ khi biết và tham gia tổ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ ấp Tân Lập, chị Ngân có cơ hội được vay vốn phát triển sản xuất mà không phải thế chấp gì, thủ tục lại nhanh gọn.

Là chi hội vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm số vốn lớn (trên 3 tỷ đồng/năm), bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công tác quản lý vốn phải hết sức chặt chẽ mới giúp chị em yên tâm gửi tiết kiệm. Ở Chi hội KP.Long Đức 1, tất cả các tổ tiết kiệm đều có sổ ghi chép và công khai lãi suất trong các buổi sinh hoạt hằng tháng. Cuối năm, chi hội trả lại tất cả tiền vốn đã góp cho chị em, sau đó mới vận động tiết kiệm trở lại.

Chị Ngân nhớ lại, lần đầu tiên được vay khoảng 5 triệu đồng, chị dùng mua phân bón. Tích cóp đủ, chị trả cho tổ tiết kiệm. Thấy chị khó khăn nên chị em trong tổ tiết kiệm bình xét cho chị vay số tiền lớn hơn từ 50-100 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng chị mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phân bón, mua bò sinh sản… Kinh tế gia đình chị khá dần lên. Hiện tại, gia đình chị đã tự mua sắm máy cày và dự định sẽ đầu tư thêm máy móc để phát triển sản xuất.

Không chỉ là điểm tựa giúp hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống mà ngay cả những hội viên, phụ nữ khá, làm chủ doanh nghiệp cũng cần đến nguồn vốn tiết kiệm.

2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm (hiện ở KP.Long Đức 1, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đều quê ở miền Trung. Kết hôn xong, 2 vợ chồng vào Đồng Nai lập nghiệp. Chị tốt nghiệp cao đẳng mầm non nên thuê nhà mở nhóm trẻ, còn chồng đi làm sơn. Sau 5 năm lập nghiệp, chị mạnh dạn vay mượn thêm để mua đất, cất nhà vừa để ở, vừa làm nhóm trẻ. 3 năm sau, vợ chồng chị Thắm lại bàn nhau vay vốn để mở công ty chuyên sản xuất các loại mút xốp đóng gói hàng hóa. Vì tham gia tổ tiết kiệm của phụ nữ nên nhiều lúc đến kỳ lấy hàng hoặc đến ngày trả lương cho công nhân mà tiền hàng chưa thu hồi kịp, chị lại vay của chị em trong tổ tiết kiệm để giải quyết khó khăn trước mắt. Hiện tại, mọi khó khăn đã đi qua, công ty hoạt động ổn định, doanh thu của công ty tăng lên nhưng có lúc chị vẫn cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn tiết kiệm.

* Tạo thói quen tiết kiệm

Bên cạnh việc tạo ra nguồn vốn để tổ chức Hội chủ động giúp hội viên phụ nữ giải quyết khó khăn, các mô hình tiết kiệm của phụ nữ còn tạo cho các thành viên tham gia có thói quen tiết kiệm.

Ở nhà trông cháu cho các con đi làm, mỗi tháng bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc (H.Định Quán) thường được các con biếu tiền tiêu vặt. Chi phí ăn uống hằng ngày đã có các con lo nên khoản tiền tiêu vặt thường dùng không hết, bà Lan đem gửi tổ tiết kiệm. Bà Lan cho biết, tháng nào phát sinh chi phí nhiều bà gửi 200-300 ngàn đồng, tháng nào chi phí ít bà gửi 500 ngàn đồng. Tích tiểu thành đại, đến cuối năm bà có một khoản để mua sắm, lì xì Tết cho các cháu. Thấy hiệu quả, các con của bà Lan cũng tham gia tổ tiết kiệm, thậm chí rủ bạn bè làm chung công ty cùng tiết kiệm. Cứ sau mỗi kỳ lãnh lương, người con lớn của bà gửi 8-10 triệu đồng/tháng, người con nhỏ gửi 5 triệu đồng/tháng.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Lập Bùi Thị Nhung cho biết, hiện tại ấp Tân Lập có 160 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm tại 5 tổ. Trong đó, phần lớn là tiết kiệm từ 1-2 triệu đồng, một số khá hơn tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng. Vì vậy, bình quân mỗi tháng Chi hội ấp Tân Lập thu được khoảng 120 triệu đồng vốn tiết kiệm. Sau khi hội viên đóng tiền, chi hội bình xét cho hội viên có nhu cầu vốn vay với lãi suất 1%/năm. Cuối năm, chi hội sẽ thu lại trả cho hội viên. Tiền lãi suất chi hội trích mua quà cho hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm, phần còn lại dùng để tổ chức các hoạt động của chi hội.

Bên cạnh các mô hình tiết kiệm bằng tiền, hiện nay tại cơ sở đã và đang duy trì nhiều mô hình tiết kiệm hiệu quả. Trong đó có mô hình tiết kiệm bán rác thải tái chế đang được triển khai trong các cấp Hội LHPN huyện Long Thành từ tháng 8-2019.

Bà Mai Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN H.Long Thành chia sẻ, trong gia đình, phụ nữ thường là người trực tiếp phân loại rác. Vì vậy, Hội LHPN H.Long Thành đã có ý tưởng vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm rác thải tái chế (như: giấy và giấy carton, đồ nhựa, kim loại…). Sau khi tuyên truyền, vận động hội viên tiết kiệm rác thải tái chế, chi hội tùy vào tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức thu gom, bán và nộp kinh phí về cho Hội LHPN xã.

Theo bà Huệ, ban đầu mỗi xã chỉ chọn một chi hội để triển khai mô hình và chỉ trong vòng 5 tháng, 14 chi hội của 14 xã đã tiết kiệm 13 triệu đồng dùng để chăm lo cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ tạo ra kinh phí mà mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo thói quen tiết kiệm cho hội viên phụ nữ. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, mô hình tiết kiệm bán rác thải tái chế đã được các chi hội nhân rộng, ước tính có khoảng 50% chi hội phụ nữ trong huyện đã triển khai.         

Nga Sơn

Tin xem nhiều