Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

10:01, 07/01/2020

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, một số cơ sở kinh doanh, buôn bán đã lợi dụng để "tuồn" các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường...

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao nên một số cơ sở kinh doanh, buôn bán đã lợi dụng để “tuồn” các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra một số mẫu thực phẩm tại Cửa hàng Bách hóa Xanh (huyện Long Thành)
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra một số mẫu thực phẩm tại Cửa hàng Bách hóa Xanh (huyện Long Thành). Ảnh: T.Tú

Vì vậy, ngay trước, trong và sau dịp Tết, Ban Chỉ đạo đảm bảo ATVSTP tỉnh đã tăng cường nhiều hoạt động, trong đó tập trung công tác thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

* Tăng cường thanh, kiểm tra

Để đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Ban Chỉ đạo đảm bảo ATVSTP tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành (gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Công thương và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) tiến hành thanh, kiểm tra tại 11 huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa.

Cụ thể, từ tháng 12-2019 đến tháng 3-2020, đoàn tập trung kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATVSTP như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.  

Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14.619 cơ sở sản xuất thực phẩm, trong đó có 1.321 cơ sở sản xuất chế biến, 338 cơ sở kinh doanh và 12.960 dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào những cơ sở này, trong đó chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: thịt, các sản phẩm bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát…

Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết”- ông Minh nói.

* Người dân hãy là người tiêu dùng thông thái

Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Hiện tại các chợ, quầy tạp hóa và siêu thị đã trưng bày các mặt hàng rất phong phú và bắt mắt như: bánh kẹo, mứt và một số thực phẩm khác để bán phục vụ người dân. Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) không khỏi phân vân nên mua thực phẩm ở đâu để đảm bảo chất lượng. “Gia đình tôi đông anh em, ngày Tết mọi người về sum họp đông đủ. Nếu thực phẩm mua về sử dụng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe cho mọi người thì rất đáng lo ngại” - chị Hương bày tỏ.

Ông Nguyễn Đình Minh cho rằng, người dân lo lắng trong việc lựa chọn thực phẩm như thế nào và mua ở đâu để đảm bảo chất lượng trong dịp Tết là điều rất dễ hiểu. Bởi bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng thì cũng có không ít các mặt hàng thực phẩm như: thịt, rượu, nước giải khát, bánh kẹo… không rõ nguồn gốc, nhập khẩu tràn lan trên thị trường rất khó để kiểm soát hết toàn bộ.

“Để đảm bảo ATVSTP và phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Hãy lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất. Đồng thời, nên đến những cửa hàng có uy tín như siêu thị hay trung tâm thương mại để mua, vì hàng hóa đã được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như xuất xứ nguồn gốc của từng sản phẩm. Không mua và sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm hết hạn sử dụng” - ông Minh khuyến cáo.

Trong năm 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra 29.446 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể… Qua kiểm tra cho thấy, có 3.423 cơ sở bị nhắc nhở, tiêu hủy sản phẩm 3 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 812 cơ sở, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Các cơ sở vi phạm chủ yếu là sản xuất sản phẩm, hàng hóa tiêu thụ có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không thực hiện hoặc lưu mẫu chưa đúng.

Thanh Tú

Tin xem nhiều