Ngày 31-12-2019, Lục quân Mỹ đã ban hành lệnh cấm binh sĩ sử dụng Tik Tok, ứng dụng đang rất ăn khách của Trung quốc. Đây là lệnh cấm mới nhất của quân đội Mỹ đối với ứng dụng này, trước đó là lệnh cấm từ Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ.
Ngày 31-12-2019, Lục quân Mỹ đã ban hành lệnh cấm binh sĩ sử dụng Tik Tok, ứng dụng đang rất ăn khách của Trung quốc. Đây là lệnh cấm mới nhất của quân đội Mỹ đối với ứng dụng này, trước đó là lệnh cấm từ Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ.
* Tik Tok là gì?
Tik Tok (còn gọi là Douyin) là một nền tảng video ca nhạc và mạng xã hội ra đời vào tháng 9-2016. Ứng dụng di động Tik Tok cho phép người dùng xem các clip ca nhạc, quay các clip ngắn và biên tập chúng, thêm các hiệu ứng đặc biệt vào các clip. Để tạo ra các video ca nhạc của mình, người dùng chỉ cần chọn trong danh sách nhạc nền bài hát mình ưa thích rồi trong khi ứng dụng ghi hình, họ muốn diễn xuất ra sao tùy ý. Thời lượng mỗi clip tối đa 60 giây. Sau đó, clip này được xuất bản trên Tik Tok cho mọi người xem.
Công ty sở hữu Tik Tok - ByteDance là một trong những startup tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê vào tháng 7, các sản phẩm của ByteDance có 1,5 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn cầu và 700 triệu người dùng mỗi ngày. Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của ByteDance đạt 7 tỷ USD, giá trị công ty tính đến cuối năm ngoái là 78 tỷ USD.
Ở Việt Nam, Tik Tok chính thức gia nhập thị trường vào tháng 4-2019 và nhanh chóng thu hút người dùng. Ước lượng số người dùng Tik Tok ở Việt Nam hiện nay là 12 triệu người, chủ yếu là giới trẻ.
* Nhiều đơn vị quân đội Mỹ cấm sử dụng Tik Tok
Theo quyết định vừa được Lục quân Mỹ ban hành, tất cả binh lính thuộc lực lượng này sẽ không được phép sử dụng Tik Tok trên thiết bị được chính phủ cấp. Lệnh cấm này được ban hành vì Tik Tok được coi là mối đe dọa trên mạng. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về hoạt động của Tik Tok, giới chức có thẩm quyền Mỹ cho rằng ByteDance - công ty sở hữu Tik Tok có trụ sở tại Bắc Kinh có thể chuyển thông tin nhạy cảm của binh sĩ Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc hoặc tuyển mộ binh sĩ làm gián điệp. Lệnh cấm này không bất ngờ, vì nó là sự tiếp nối của những lệnh cấm trước đó từ Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ.
Từ đầu tháng 12-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi đi thông điệp về không gian mạng. Thông điệp hối thúc gần 23 ngàn nhân viên Lầu Năm Góc gỡ ứng dụng Tik Tok vì có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân với “thế lực không mong muốn”. Bộ Quốc phòng khuyến nghị nhân viên cảnh giác trước các ứng dụng tải về và điều tra chủ sở hữu có “bất kỳ liên hệ nước ngoài đáng nghi” nào không. Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng, xóa bỏ Tik Tok “không ngăn cản được các thông tin đã bị xâm phạm nhưng có thể chặn việc thu thập các thông tin về sau”.
Đáp lại cảnh báo này của Bộ Quốc phòng, 3 tuần sau đó Hải quân Mỹ đã có lệnh cấm binh sĩ hải quân sử dụng Tik Tok. Theo đó, những binh sĩ có điện thoại cài đặt ứng dụng Tik Tok sẽ không được phép truy nhập vào mạng nội bộ (Intranet) của Hải quân nước này. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Trung tá Uriah Dessert cho biết, lệnh cấm được Hải quân Mỹ đưa ra là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết các mối đe dọa hiện có và đang nổi lên trên môi trường mạng.
* Không chỉ ở Mỹ, nhiều nơi đang có mối lo về Tik Tok
Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết đang điều tra Tik Tok do nghi ngờ ứng dụng gửi thông tin người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Một quan chức giấu tên của KCC cho biết: “KCC mở cuộc điều tra nhằm vào Tik Tok với cáo buộc rò rỉ dữ liệu cá nhân. Sau khi trao đổi với Tik Tok, chúng tôi sẽ sớm tiến hành điều tra tại văn phòng ứng dụng này”. Vị này cho hay KCC quyết định tiến hành điều tra sau khi Nghị sĩ Đảng Lao động Hàn Quốc Song Hee-kyeoung chỉ ra các nguy cơ an ninh mạng tiềm tàng từ Tik Tok trong phiên điều trần ở Quốc hội hồi tháng 10.
Không phải chỉ bây giờ, không phải chỉ Mỹ và Hàn quốc, cũng không chỉ vì lý do an ninh, nhiều tháng trước đây Tik Tok đã từng bị cấm ở nhiều quốc gia châu Á. Đầu tháng 7-2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm Tik Tok do chứa nhiều nội dung khiêu dâm và không phù hợp. Đến giữa tháng 2-2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh và bị phạt 5,7 triệu USD ở Mỹ vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.
Ở Ấn Độ, Tik Tok còn bị cấm vì lý do khác. Ngày 17-10-2018, một thanh niên 24 tuổi ở TP.Chennai được cho rằng đã tự tử vì bị nhiều người dùng Tik Tok quấy rối sau khi đăng video mặc trang phục phụ nữ. Ngày 22-2-2019, một sinh viên đại học bị chết còn hai người bạn của anh bị thương nặng do vừa đi xe máy vừa thực hiện video để đăng Tik Tok và đâm vào một chiếc ô tô. Còn ngày 13-4-2019, một thanh niên 19 tuổi ở Delhi đã vô tình bị bạn mình bắn chết bằng súng lục khi cả hai đang dùng nó để quay video Tik Tok.
Đầu tháng 4-2019, một tòa án ở miền Nam bang Tamil Nadu đã yêu cầu chính phủ liên bang ra lệnh cấm Tik Tok vì nó khuyến khích nội dung khiêu dâm. Chính phủ liên bang sau đó đã gửi thư yêu cầu Apple và Google tuân thủ lệnh của tòa án liên bang và hai ông lớn này đã chấp thuận. Lệnh cấm này sau đó đã dỡ bỏ do những cố gắng dàn xếp của Tik Tok nhưng đã gây ấn tượng rất xấu cho Tik Tok.
* Phản ứng của Tik Tok
ByteDance - công ty sở hữu Tik Tok luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến thu thập thông tin, gửi dữ liệu về Chính phủ Trung Quốc. Trong một bài viết ngày 5-11-2019, Vanessa Pappas, Trưởng văn phòng ở Mỹ của TikTok khẳng định, các trung tâm dữ liệu ứng dụng “đều nằm bên ngoài Trung Quốc”. Bà nhấn mạnh dữ liệu của người dùng tại Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và sao lưu tại Singapore.
Về các nội dung khiêu dâm, đại diện Tik Tok cho rằng chúng “chiếm một tỷ lệ rất nhỏ”, và công ty đang nỗ lực để hạn chế các nội dung đó.
Mặt khác, ByteDance đang tính đến việc tìm trụ sở mới cho Tik Tok tại Singapore, London hoặc Dublin, mục đích là chứng minh ứng dụng này không có bất kỳ liên hệ gì với Chính phủ Trung Quốc, do đó các lo ngại về an ninh là không cần thiết.
Dù vậy, nhiều khả năng Tik Tok cũng sẽ rơi vào tình trạng bị Chính phủ Mỹ cấm sử dụng giống như các thiết bị của Huawei và ZTE. Người ta đang chờ đợi xem lực lượng Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ có thực hiện các chính sách tương tự Hải quân và Lục quân hay không. Tik Tok đang phải đương đầu với khá nhiều bất trắc.
Phạm Hoài Nhân