Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực giảm nghèo ngay từ đầu năm

09:01, 29/01/2020

(ĐN)- Mục tiêu của tỉnh trong năm 2020 sẽ giảm 1,5 ngàn hộ nghèo A và 2 ngàn hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

(ĐN)- Mục tiêu của tỉnh trong năm 2020 sẽ giảm 1,5 ngàn hộ nghèo A và 2 ngàn hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Đoàn viên thanh niên địa phương trao tặng quà cho một hộ nghèo ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc. Ảnh: V.Tuyên
Đoàn viên thanh niên địa phương trao tặng quà cho một hộ nghèo ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc. Ảnh: V.Tuyên

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2020, cùng với các chế độ, chính sách hỗ trợ của tỉnh, mỗi địa phương đã chủ động đề ra những mô hình, phong trào giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

* Quyết tâm giúp dân thoát nghèo

Là hai địa phương chiếm đến hơn 40% số hộ nghèo của toàn tỉnh nên áp lực giảm nghèo đối với huyện Tân Phú và Định Quán là rất lớn.

Theo ông Đinh Văn Án, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú, năm 2019 huyện đã giảm được số hộ nghèo nhiều gấp 3 lần mục tiêu đề ra. Đây là tiền đề để huyện phấn đấu trong năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu hỗ trợ thành công 311 hộ nghèo A thoát nghèo và giúp 1.803 hộ cận nghèo không còn thuộc diện nghèo. Huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, nhất là nguồn vốn tự tạo việc làm song song với hướng dẫn và giám sát sử dụng vốn… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Còn với huyện Định Quán, đến thời điểm này, số hộ nghèo A và cận nghèo của huyện lần lượt còn 270 hộ và 568 hộ. Huyện đang tích cực thực hiện các mô hình, phong trào hỗ trợ người nghèo, trong số này có Dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo giai đoạn 2017-2020. Đây là dự án đã phát huy tác dụng rất tốt trong những năm qua giúp cho gần 300 hộ dân tiếp cận vốn tự tạo việc làm, nhờ đó nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Là một trong số những gia đình được tiếp cận nguồn vốn, bà Trương Thị Phụng (ngụ xã La Ngà) cho hay, chồng mất nên mình bà nuôi 4 con nhỏ với nghề mua bán ve chai, kinh tế khá khó khăn. Nắm bắt được hoàn cảnh của bà Phụng, năm 2017, Ủy ban MTTQ  Việt Nam huyện Định Quán đã hỗ trợ bà vay 7 triệu đồng làm vốn. Nhờ sử dụng số tiền đúng mục đích, đến nay bà Phụng đã trả hết tiền vay và tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Theo ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán, bên cạnh Dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, trên địa bàn huyện còn triển khai thực hiện mô hình Mỗi đồng chí trong cấp ủy trực tiếp hỗ trợ cho 1 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Không chỉ giúp về vốn mà mỗi đồng chí trong cấp ủy còn là người hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận với các nguồn lực của Nhà nước, tham gia chương trình đào tạo nghề và nhất là giám sát sử dụng vốn cũng như kịp thời hỗ trợ hộ nghèo khi bà con có nhu cầu.

* Gỡ khó trong hỗ trợ người nghèo

Cùng với 2 huyện Tân Phú và Định Quán, năm 2020 này, TP.Biên Hòa cũng là địa phương chịu áp lực giảm nghèo. Bà Nguyễn Kim Bích Huyên, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa cho biết, năm 2019, thành phố chỉ giảm được 227 hộ nghèo so với chỉ tiêu được giao là giảm 460 hộ nghèo. Do đó, năm 2020, mục tiêu của thành phố là giảm 570 hộ nghèo (tương đương giảm 0,19% hộ nghèo so với tổng dân số) là con số rất lớn. Tuy nhiên, thành phố cũng đã có những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này, trong đó chú trọng đến giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên.

Theo ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán, trong khi toàn huyện có 270 hộ nghèo A thì ở xã Thanh Sơn chiếm đến 122 hộ. Những hộ nghèo này có điểm chung là đều từ các nơi khác đến xã làm thuê, làm mướn rồi kết hôn, sinh con mà không có đất sản xuất, đất ở hay nghề nghiệp ổn định. Do không có đất ở nên các hộ này đang sống nhờ, lấn chiếm đất lâm nghiệp dựng nhà tạm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc dù huyện có nguồn tiền xây dựng nhà tình thương song không thể làm nhà cho những hộ này được. Khi không thể giúp người dân an cư thì rất khó tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ sinh kế thoát nghèo. Từ đó, việc giúp những trường hợp này thoát nghèo cứ lẩn quẩn không tìm được lối ra.

“Huyện đang rất cần có những giải pháp hỗ trợ từ tỉnh để nhanh chóng hỗ trợ nhà ở cho những trường hợp này” - ông Ngô Đăng Thành cho hay.

Nhiều địa phương cũng đang kiến nghị cần sớm có những giải pháp điều chỉnh về mở rộng đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, qua khảo sát thực tế có rất nhiều hộ khó khăn cần vốn để tự tạo việc làm nhưng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng được vay vốn từ tín dụng chính sách. Do đó, cần tạo điều kiện hơn nữa để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần giảm tỷ lệ tái nghèo.

Năm 2019, toàn tỉnh có hơn 45 ngàn người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo... được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với số tiền 22,2 tỷ đồng. Việc mua và cấp thẻ đảm bảo đúng thời gian, đúng đối tượng và không bỏ sót đối tượng. Đồng thời có hơn 7 ngàn học sinh, sinh viên được hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều