Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 đã bắt đầu "nóng" khi học sinh khối 12 sắp phải đưa ra những quyết định hệ trọng cho tương lai của mình...
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 đã bắt đầu “nóng” khi học sinh khối 12 sắp phải đưa ra những quyết định hệ trọng cho tương lai của mình. Đó là quyết định về chọn con đường học lên đại học, hay chỉ cần học nghề...
Học sinh khối 12 tìm hiểu các gian hàng công nghệ của các trường đại học giới thiệu tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa |
Giám đốc Sở GD- ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Để giúp học sinh không mắc phải những sai lầm trong quá trình chọn bậc học, chọn ngành nghề, Sở đang phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các đợt tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp. Hoạt động này sẽ cung cấp cho các em đầy đủ thông tin về quy định của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Chúng tôi mong rằng thầy cô và phụ huynh sẽ là người đồng hành, hỗ trợ các em đưa ra được những quyết định đúng đắn cho tương lai”.
* Ổn định quy chế thi và xét tuyển
Mới đây, Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp có quy mô lớn ở Trường đại học Đồng Nai. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh năm học 2019-2020. Chương trình đã thu hút gần 10 ngàn học sinh của các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong chương trình, các em được tham quan những gian hàng giới thiệu về ngành nghề đào tạo của các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương; trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) về những điểm cần lưu ý tại kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, nhất là những điểm mới đáng chú ý.
TS.Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam khuyên các học sinh: “Khi chọn ngành nghề cho tương lai đừng chọn ngành “hot” nếu mình thực sự không phù hợp. Hãy tìm hiểu thật kỹ, thậm chí nếu cảm thấy sai, nếu còn cơ hội để điều chỉnh thì hãy hành động ngay để không phải ân hận”. |
Chia sẻ với học sinh khối 12 tỉnh Đồng Nai về những thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2019 và các năm về trước, do đó học sinh có thể an tâm, tập trung hoàn thành chương trình lớp 12 và ôn tập thật tốt. Các em chỉ cần nghiên cứu lại những quy định của kỳ thi năm 2019 là đủ. Bộ dự kiến chỉ có những điều chỉnh, thay đổi nhỏ, chủ yếu nhằm mục đích làm cho công tác thi và tuyển sinh được chặt chẽ, tránh tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh”.
Một thay đổi, điều chỉnh nhỏ nhưng đáng lưu ý là dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố thay đổi trong công tác tuyển sinh đối với ngành sư phạm. Để đảm bảo sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không thất nghiệp, đồng thời bám sát hơn với nhu cầu thực tế của xã hội, từ năm 2020 các trường đại học sư phạm phải dừng tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm. Đối với hệ cao đẳng sư phạm chỉ còn được phép tuyển sinh hệ cao đẳng mầm non. Như vậy, năm 2020 Trường đại học Đồng Nai có thể sẽ chấm dứt việc đào tạo bậc trung cấp sư phạm mầm non, hệ cao đẳng chỉ đào tạo 1 ngành là cao đẳng sư phạm mầm non, còn hệ đại học sư phạm dự kiến còn 7 ngành.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đại học được tuyển sinh bằng việc tổ chức thi đánh giá năng lực, qua đó tuyển sinh được những thí sinh có chất lượng đầu vào như mong muốn. Bà Kim Phụng lưu ý, việc tổ chức thi đánh giá năng lực phải đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, công tác tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi… Các trường đại học chỉ được tổ chức thi đánh giá năng lực khi được Bộ GD-ĐT thẩm định đạt điều kiện cần thiết theo quy định.
* Nhiều câu hỏi được giải đáp
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm là một trong những kỳ thi rất quan trọng đối với cuộc đời học sinh. Chính vì vậy, tại chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, các em có rất nhiều câu hỏi thể hiện rõ sự trăn trở, lúng túng, không thể tự mình giải đáp. Nhiều em băn khoăn rằng, nhiều ngành nghề hiện tại được đánh giá là “thời thượng”, nhưng liệu 5-7 năm nữa có bão hòa, học xong có tìm được việc làm? Những ngành mới mở của các trường đại học khi đăng ký xét tuyển có dễ đậu hay không?...
Em Nguyễn Thị Diệu Hiền, học sinh Trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán) đặt câu hỏi: “Em nghe rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, robot, trí tuệ nhân tạo… Vậy học sinh theo khối ngành xã hội có còn cơ hội việc làm trong tương lai?”. Trả lời câu hỏi này, Phó hiệu trưởng Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh Lê Hiếu Giang cho rằng: “Ngành khoa học xã hội có vai trò quan trọng mà máy móc kỹ thuật không thể thay thế được trí tuệ con người, do đó các em có thể an tâm. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội nếu có nền tảng kiến thức chuyên sâu, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ tốt thì không lo thất nghiệp”.
Học sinh Lê Thục Uyên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp |
Còn em Lê Thục Uyên, Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nếu học hết lớp 12, em bị trượt tốt nghiệp THPT, vậy có phải cơ hội với em như thế là đã hết?”. Câu hỏi thú vị của Uyên như đã hỏi thay cho nhiều học sinh khác đang có chung lo lắng này. Trả lời câu hỏi của Uyên, nhà báo Nguyễn Trọng Phước, Báo Thanh Niên “gỡ rối”: “Nếu tốt nghiệp THPT sau đó lại đậu đại học thì chỉ có một lựa chọn là học cho tới ngày tốt nghiệp, còn không may “trượt” tốt nghiệp THPT thì lại có nhiều lựa chọn khác như có thể đăng ký học nghề, sang năm thi lại tốt nghiệp THPT hay học nghề rồi tiếp tục học liên thông lên đại học. Các em không nên căng thẳng quá vì chuyện “rớt” tốt nghiệp THPT mà hãy cứ cố gắng hết mình”.
Trong những năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm giảm đáng kể do học xong không tìm được việc làm. Thậm chí, một số ngành sư phạm ở Trường đại học Đồng Nai do không tuyển đủ chỉ tiêu để mở ngành đã phải bất đắc dĩ “đánh trượt” thí sinh. Tuy nhiên, những thí sinh quan tâm tới ngành sư phạm vẫn muốn tìm hiểu kỹ về cơ hội việc làm của ngành này. Lê Quang Huy, học sinh Trường THPT Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đặt câu hỏi: “Cơ hội việc làm thực sự của ngành sư phạm tại Đồng Nai hiện nay như thế nào?”.
Trả lời câu hỏi của Huy, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai Đinh Quang Minh cho biết, ngành sư phạm mầm non và tiểu học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 90%, các ngành sư phạm khác tỷ lệ thấp hơn.
Còn em Bùi Thanh Tuấn, học sinh Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) băn khoăn: “Em được biết năm 2020 Bộ GD-ĐT sẽ không ra đề thi minh họa như những năm trước. Học sinh liệu có gặp khó khăn gì không trong việc định hướng ôn tập và làm quen với đề thi?”. Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ GD-ĐT trấn an thí sinh: “Năm nay quy chế thi cơ bản giữ nguyên, kiến thức vẫn chủ yếu nằm trong sách giáo khoa lớp 12, cấu trúc đề thi vẫn như năm 2019 và những năm trước nên Bộ GD-ĐT không chủ trương có đề thi minh họa. Học sinh có thể tìm hiểu lại đề thi THPT quốc gia năm 2019 và những đề minh họa Bộ đã ra cho học sinh tham khảo vào các năm trước đó.
Tại khu vực phía Nam, năm 2019 mới chỉ có Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Nhiều trường đại học tại Đồng Nai như: Trường đại học Lạc Hồng, Trường đại học Đồng Nai, Phân hiệu Trường đại học lâm nghiệp tại Đồng Nai… đã xét tuyển những thí sinh có kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của hai đơn vị tổ chức thi nói trên. Dự kiến, năm 2020 sẽ có thêm nhiều trường đại học lớn tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực. |
Công Nghĩa