Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa Toán học đến gần với cuộc sống

09:01, 01/01/2020

Sáu năm liên tiếp tham gia Chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6), 3 cô giáo của Trường THCS Hùng Vương đã liên tiếp gặt hái được nhiều giải thưởng. Quan trọng hơn, những sáng kiến này đã giúp cho việc dạy Toán của các cô ngày càng hiệu quả.

Sáu năm liên tiếp tham gia Chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6), 3 cô giáo của Trường THCS Hùng Vương đã liên tiếp gặt hái được nhiều giải thưởng. Quan trọng hơn, những sáng kiến này đã giúp cho việc dạy Toán của các cô ngày càng hiệu quả.

Cô Trần Thu Lan, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) trong giờ dạy Toán. Ảnh: H.Yến
Cô Trần Thu Lan, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) trong giờ dạy Toán. Ảnh: H.Yến

* Dễ liên hệ thực tiễn

Tiết luyện tập bài Tỉ số lượng giác của góc nhọn trong chương 1 Toán lớp 9, thay vì ra một đề toán thông thường, cô giáo yêu cầu học sinh đo chiều dài của một ngọn núi. Hình ảnh ngọn núi phủ đầy tuyết được chiếu lên màn hình, sơ đồ hình học tương ứng được minh họa kèm theo, việc của học sinh là nhớ lại công thức rồi đặt phép tính… Đó là một trong những bài học ứng dụng sáng kiến Tăng cường vận dụng các bài toán có nội dung thực tiễn vào việc dạy học bộ môn Toán cấp THCS của 3 giáo viên Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa): Trần Thu Lan, Trần Thị Kim Vân, Nguyễn Thị Kiều Oanh.

Cô Trần Thu Lan chia sẻ: “Hiện nay, việc đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) hướng vào việc đo lường sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của học sinh. Trong khi đó, sách giáo khoa hiện hành lại ít có những bài toán thực tế. Vì vậy, nhóm chúng tôi đã thực hiện giải pháp này…”.

Nội dung liên hệ thực tế được thiết kế ở tất cả các hoạt động học tập: từ khâu đặt vấn đề, củng cố kiến thức đến luyện tập, ôn tập, kiểm tra - đánh giá cho đến hoạt động thực hành, tích hợp liên môn, hoạt động ngoại khóa…

Cô Thu Lan nêu ví dụ: khi đặt vấn đề cho một nội dung bài học mới, nếu giáo viên bắt đầu bằng một tình huống cụ thể trong cuộc sống (vấn đề mang tính thời sự càng tốt) thì sẽ dễ gây được sự chú ý, tò mò, hứng thú của học sinh hơn, tiết học nhờ đó sẽ sôi động hơn.

“Chẳng hạn, khi bắt đầu bài Bài toán cơ bản về phân số (chương trình lớp 6), chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách đặt vấn đề xoay quanh việc giảm giá sách giáo khoa đầu năm học, rồi cùng học sinh đi tìm giá bán thực tế của mỗi bộ sách trước khi giảm giá, sau khi giảm giá, trước khi tính thuế, sau khi tính thuế… Bằng cách liên hệ vấn đề gần gũi, thiết thực đó, học sinh sẽ học chủ động, tích cực hơn” - cô Kiều Oanh tiếp lời.

Để giải pháp mang tính phổ quát, các cô giáo đã cùng bàn bạc phương án, lựa chọn nội dung bài học và thiết kế bài giảng. Nhờ đó, các nội dung ứng dụng thực tiễn đã áp dụng kiến thức của cả 4 khối lớp trong chương trình THCS.  

* Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Em Bùi Thị Minh Ngọc, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Hùng Vương nhận xét: “Nếu thầy cô chỉ dạy học bình thường thì tiết học sẽ “nhạt”, không hứng thú. Còn nếu liên hệ vấn đề thực tế thì cô sẽ chuẩn bị giáo án kỹ hơn, có trình chiếu cả hình ảnh thực tế để minh họa nữa. Vì vậy, chúng em sẽ cảm thấy môn Toán đỡ nhàm chán hơn”.

Vì đã lớn tuổi, khả năng tiếp thu công nghệ, ứng dụng mới chậm hơn giới trẻ, thao tác cũng không được nhanh nhẹn nhưng bù lại, các cô có niềm say mê với công việc và tinh thần ham học hỏi. Vì thế, bắt đầu từ năm 2012, 3 cô giáo đã kết hợp thành một nhóm để thiết kế các bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời biến những sáng kiến dạy học này thành bài dự thi Chương trình 6.

Cô Kiều Oanh nhớ lại: “Ngoài giải pháp dự thi năm nay, những năm trước, nhóm chúng tôi đã có những sáng kiến như: sơ đồ tư duy trong toán học, tổ chức trò chơi toán học; mô hình toán học… Điểm chung của những giải pháp này là đều ứng dụng công nghệ thông tin”.

Các giải pháp dự thi đều đoạt giải. Đó là sự cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn đối với các cô, đồng thời giải thưởng cũng khẳng định những giải pháp mà nhóm giáo viên này đưa ra là thực sự hữu ích cho quá trình dạy học.

Giải pháp có tính ứng dụng cao

Ban giám khảo Chương trình 6 năm 2019 đánh giá cao sáng kiến Tăng cường vận dụng các bài toán có nội dung thực tiễn vào việc dạy học bộ môn Toán cấp THCS. Theo đó, sáng kiến này đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, ứng dụng Toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, có tích hợp liên môn. Sáng kiến có thể áp dụng bất cứ điều kiện cơ sở vật chất nào của nhà trường hiện nay với thiết kế gọn, nhẹ, ít tốn kém, có tính kinh tế cao, sử dụng lâu dài…

Hải Yến

Tin xem nhiều