Chương trình Khởi nghiệp công nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam mùa đầu tiên đã kết thúc với nhà quán quân là ứng dụng CyHome.
Chương trình Khởi nghiệp công nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam mùa đầu tiên đã kết thúc với nhà quán quân là ứng dụng CyHome.
CEO Phạm Hùng Phong của CyHome. |
Trước đó, CyHome nằm trong danh mục đầu tư của Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam và hoàn tất quá trình gọi vốn vòng đầu tiên với số tiền 380 ngàn USD. Đây là một ứng dụng hỗ trợ việc quản lý và vận hành chung cư dễ dàng hơn và giúp cư dân thanh toán các chi phí một cách thuận tiện.
* CyHome là gì?
CyHome là giải pháp mới, hướng tới mảng quản lý chung cư theo hướng tiếp cận thân thiện với cư dân. Phần mềm hỗ trợ quản lý chung cư đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường, tập trung chủ yếu vào giải quyết việc tính toán về tài chính thu chi trong một tòa nhà. Các phần mềm này thực chất là một phần mềm kế toán chuyên biệt cho các ban quản lý (BQL) chung cư, tòa nhà. Một số phần mềm thế hệ cũ đã có những thay đổi nhất định, tuy vậy, các bản nâng cấp từ phiên bản cũ này đa phần chỉ là những chức năng rời rạc gắn vào một bộ khung cũ.
CyHome được sinh ra với hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt, chú trọng nhiều hơn vào trải nghiệm và mức độ hài lòng của cư dân đi kèm với việc thấu hiểu quy trình hoạt động của BQL chung cư. CyHome cho phép quản lý toàn diện các công việc của BQL, quản lý các trang thiết bị và tài sản trong chung cư, quản lý tài chính và công nợ, giao tiếp mạnh mẽ với cư dân, và đặc biệt, CyHome là mô hình quản lý chuỗi tập trung, BQL không phải cài đặt nhiều phần mềm ở nhiều chung cư, mà có thể sử dụng một hệ thống được phát triển trên điện toán đám mây để cùng một thời điểm quản lý nhiều chung cư.
Bên cạnh đó, cơ chế Chăm sóc khách hàng của CyHome cho phép BQL chung cư hiểu hơn về khách hàng của họ. Từ việc hệ thống tự động thông báo và chúc mừng sinh nhật, các ngày lễ đặc biệt, cho đến đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo khi có sự thay đổi bất thường, cho biết tất cả lịch sử sinh hoạt và tương tác với BQL. Trong hệ thống CyHome, cư dân có thể trao đổi trực tuyến với hàng xóm cùng tòa nhà của mình, cũng như trao đổi với những cư dân của các chung cư khác bên trong hệ thống CyHome. Điều này tạo nên sự chia sẻ và đoàn kết giữa các cư dân, đem lại sức mạnh và tiếng nói trong cho cư dân của các chung cư.
* Con đường khởi nghiệp gian nan của tác giả CyHome
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của CyHome là Phạm Hùng Phong, sinh năm 1989. Phong là cái tên khá quen thuộc trong giới công nghệ và giới trẻ mê game khi anh là CEO của Bưởi Studio - tác giả của tựa game School Cheater (tốp 11 game xuất sắc nhất tại cuộc thi Game Development World Championship 2013 do Viope Solutions LTD tổ chức). Trò chơi của anh được Rovio quan tâm nhưng anh từ chối hợp tác.
Là người từng ở nhiều năm tại chung cư, anh Phong thường xuyên xếp hàng đóng các chi phí. Đây là thực trạng đáng buồn của các chung cư cao tầng khi nó quá mất thời gian và công sức. Từ đó, phiên bản CyHome đầu tiên được Phong và 6 thành viên sáng lập năm 2016 giúp thanh toán các chi phí trong chung cư thuận tiện hơn. Đây là thời điểm thanh toán điện tử trực tuyến phát triển mạnh và cần có những ứng dụng như thế này. Tuy nhiên, CyHome không hề đạt đến thành công một cách dễ dàng mà trải qua rất nhiều lần thất bại.
Thất bại lần thứ nhất: Với mong muốn xây dựng một giải pháp toàn diện cho các chung cư, nhắm đến những người quản lý tòa nhà, cả nhóm dành thời gian công sức phát triển một hệ thống đầy đủ tính năng. Tốn quá nhiều thời gian tập trung vào vấn đề kỹ thuật và tính năng của sản phẩm mà không hiểu gì về khách hàng, CyHome thất bại trong việc tìm những người đầu tiên chấp nhận sản phẩm và không thể bán được phần mềm.
Thất bại lần thứ hai: CyHome chuyển hướng sang nhắm đến nhóm cư dân với niềm tin rằng, sự đồng cảm, điểm tương đồng sẽ giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng tốt hơn. Sản phẩm ra mắt với những tính năng như: thanh toán trực tuyến tiền điện, tiền nước, tiền internet, truyền hình cáp phục vụ cho người dùng cuối là những cư dân. Sản phẩm tiếp tục gặp thất bại. Những cư dân không tin vào nền tảng và dịch vụ do sản phẩm dịch vụ không có thương hiệu, và cũng không tạo được niềm tin với người quản lý.
Thất bại lần thứ ba: Sau hai thất bại, Phong nhận ra, sự thiếu hiểu biết khách hàng từ cả hai phía của thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại trên. Với một thị trường đa diện, anh Phong buộc phải hiểu hành vi của người dùng là cả quản lý tòa nhà và BQL tòa nhà. Anh đăng ký tham gia các lớp học quản lý bất động sản và quản lý tòa nhà nhiều lần để tìm hiểu và xây dựng quan hệ với những người trong ngành. Giờ đây sản phẩm không còn là một hệ thống phần mềm quản lý mà là một giải pháp cho những vấn đề người quản lý tòa nhà và cả cư dân gặp phải. CyHome đã có những khách hàng đầu tiên chấp nhận sản phẩm. Tuy nhiên, hai lần thất bại trước cộng thêm thời gian phát triển sản phẩm, lần này CyHome tiếp tục gặp thất bại do hết tiền, nhóm thành viên CyHome tan rã.
Phân tích lại các thất bại, anh Phong nhận ra xuất phát điểm tại thị trường phía Bắc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chu trình bán hàng dài và chi phí bán hàng lớn do mất rất nhiều thời gian thuyết phục thị trường. Vốn nổi tiếng là thị trường bảo thủ và dè dặt khi chấp nhận cái mới, thị trường miền Bắc không thể là sự lựa chọn tốt nhất cho các giải pháp công nghệ mới. Anh Phong quyết định rời thị trường miền Bắc và xây dựng lại từ đầu ở thị trường miền Nam. Với độ mở về tư duy của thị trường, công ty nhanh chóng có được những người chấp nhận sản phẩm đầu tiên, sẵn sàng thử và cho phản hồi về sản phẩm dịch vụ.
Lần “tái xuất” này vào tháng 10-2017, sau 1 năm, CyHome đã thu hút hàng chục tòa chung cư sử dụng dịch vụ, hơn 15 ngàn cư dân sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động. CyHome nhắm tới các chung cư, chung cư mini, căn hộ dịch vụ, ký túc xá, tòa nhà văn phòng. Hiện đa số khách hàng cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà CyHome cung cấp với mức phí chỉ từ 10 ngàn đồng/căn hộ/tháng.
Với thành quả vừa đạt được, chàng CEO trẻ của CyHome sẽ chiêu nạp nhân sự, hoàn thiện sản phẩm, tích hợp các thiết bị phần cứng cần thiết để đứng vững ở thị trường trong nước, sau đó vươn ra khu vực Đông Nam Á.
Thái Thư