Thời gian gần đây, các bệnh viện trong tỉnh liên tục tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích nguy hiểm.
Thời gian gần đây, các bệnh viện trong tỉnh liên tục tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích nguy hiểm.
Ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh phẫu thuật xuyên đêm cứu bệnh nhân bị đả thương. Ảnh: H.Dung |
Các bác sĩ lưu ý, cuối năm là dịp nhu cầu đi lại tăng cao nên khi tham gia giao thông, người dân cần hết sức cẩn trọng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
* Phẫu thuật xuyên đêm cứu bệnh nhân
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.C. (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) trong tình trạng lơ mơ, sau ca đả thương có 2 vết dao đâm ở trên lưng trái, chảy nhiều máu.
Nhận thấy tình trạng bệnh nguy cấp, các bác sĩ chuyên khoa đã hội chẩn, khẳng định vết dao đâm đã xuyên tới thận trái, gây tụ máu nhiều sau phúc mạc và có khả năng gây tổn thương nhiều cơ quan khác nữa trong ổ bụng. Nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao.
Hệ thống báo động đỏ được bật, bác sĩ Nguyễn Văn Ở, Phó giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại thận - tiết niệu mặc dù không phải ngày trực nhưng đã có mặt tại bệnh viện chỉ sau vài phút. Ca phẫu thuật được thực hiện xuyên đêm. Các bác sĩ vừa mổ vừa phải truyền máu hồi sức cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ở cho biết: “Cả ê-kíp mới chỉ kịp thở phào lại phải tất bật chuẩn bị cho 3 ca chấn thương nặng khác đang chuẩn bị được đưa vào phòng mổ. Nhiều bác sĩ không kịp ăn uống gì, làm việc liên tục cho đến sáng ngày hôm sau”.
Bác sĩ Phạm Trung Bắc thăm khám vết thương ở tay cho bệnh nhân sau ca tai nạn giao thông |
Cũng liên tục phẫu thuật cấp cứu cho nhiều ca bệnh bị tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động trong những ngày gần đây, bác sĩ Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, những ngày cuối năm, số ca đa chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn thương tích cao gấp 2-3 lần. Nhiều ca được bệnh viện cấp cứu kịp thời, thoát khỏi nguy cơ tử vong. Có những ca được bệnh viện cấp cứu ổn rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Trong khi đó, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vừa phẫu thuật cứu ngón tay bệnh nhân H.X. (ngụ xã Phú Hòa, huyện Định Quán) khỏi nguy cơ bị hoại tử.
Theo đó, ông X. bị tai nạn giao thông khiến bàn tay trái sưng to. Lo sợ chiếc nhẫn trên ngón tay thứ 4 sẽ không thể lấy ra ngoài, ông X. đã đến tiệm vàng gần nhà để nhờ thợ cắt chiếc nhẫn to bản bằng inox (đường kính khoảng 3cm) ra khỏi tay. Tuy nhiên, nhân viên tiệm vàng không những không cắt được chiếc nhẫn mà còn gây xây xát, nhiễm trùng ở ngón tay này, khiến nó càng sưng và đau hơn. Ông X. đến Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán để xử trí. Trên đường đến bệnh viện, ông X. lại bị tai nạn giao thông một lần nữa. Bàn tay đau chống xuống đường lại càng thêm đau và sưng.
Sau khi được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. bác sĩ nhận định có khả năng chiếc nhẫn đã bám vào các cơ, xương của ngón tay ông X. Nếu để lâu hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị hoại tử ngón tay thứ 4 nên các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu.
* Lưu ý tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ
Vừa qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ nhỏ bị máu tụ hố sau do tai nạn thương tích và tai nạn giao thông.
Đó là trường hợp của bé T.Y.N. (7 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) và bé T.T.B.T. (7 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Bé T. chơi đùa, leo lên một xe bán tải rồi bị ngã xuống đập đầu phía sau. 1 ngày sau, bé đau đầu nhiều, nôn ói, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện để thăm khám. Còn bé N. đang ngồi phía sau xe máy của mẹ thì bị chiếc xe khác tông phải từ phía sau, bé bị ngã đập đầu xuống đường. 4 ngày sau, bé đau đầu và nôn ói nhiều, gia đình mới đưa vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Bác sĩ CKI.Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, qua thăm khám, chụp CT scanner, các bác sĩ phát hiện 2 bệnh nhi có máu tụ ngoài màng cứng hố sau nên chỉ định nhập viện mổ cấp cứu, lấy hết máu tụ.
“Vùng hố sau được bảo vệ bởi lớp xương sọ dày, cứng và chắc, vì thế, tổn thương máu tụ vùng này rất hiếm gặp, chỉ chiếm 5-7% tổng số máu tụ nội sọ, gặp nhiều ở trẻ em và thanh niên. Tuy nhiên, đây là loại máu tụ nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao vì khối máu tụ chèn ép trực tiếp vào tiểu não, hành cầu não, gây não úng thủy cấp tính. Ngoài ra, máu tụ sẽ đè vào hành tủy trung tâm hô hấp, tuần hoàn nên thường gây ra những diễn biến rất đột ngột, có thể khiến nhiều bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở ngay cả khi đang tỉnh táo. Hố sau là khu vực có nhiều mạch máu lớn, bệnh nhân lên bàn mổ trong tư thế nằm sấp nên việc phẫu thuật cũng có nhiều rủi ro, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn vững” - bác sĩ Toàn cho hay.
Đến nay, sau nhiều ngày được chăm sóc, điều trị, cả 2 bệnh nhi đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn lưu ý, trẻ nhỏ thường rất hiếu động. Những ngày gần Tết, trẻ được nghỉ học ở nhà dài ngày. Do đó, phụ huynh cần để mắt tới trẻ và hướng dẫn trẻ cách sinh hoạt, vui chơi nhằm tránh các tai nạn thương tích xảy ra. Khi trẻ có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị.
Hạnh Dung