Thời điểm này, thị trường thực phẩm đang sôi động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp tới. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vì thế cũng trở nên phức tạp hơn...
Thời điểm này, thị trường thực phẩm đang sôi động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp tới. Vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Đỗ Hữu Tuấn cho biết:
- Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội của người dân là rất lớn, đặc biệt là nhóm thực phẩm bánh, mứt, kẹo, rượu, các sản phẩm từ thịt, hải sản, rau, củ, quả… được tiêu thụ mạnh hơn rất nhiều lần so với những ngày bình thường. Thực tế, thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán, sản xuất thực phẩm trên cả nước cho thấy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Chính vì vậy, hiện nay các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng để loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn là điều không dễ dàng.
* Mới đây, ông đã làm trưởng đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Đồng Nai. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thanh tra chuyên ngành này?
- Đồng Nai là một trong những địa phương trong cả nước được chọn để thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nhằm giảm tối đa công tác tiền kiểm nhưng tăng cường hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
Qua buổi giám sát tại huyện Long Thành mới đây, chúng tôi ghi nhận công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm có hiệu quả bước đầu. Chỉ trong 2 tháng (tháng 9 và 10-2019), huyện Long Thành đã tổ chức thanh, kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 12 cơ sở vi phạm bị xử phạt hơn 60 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra đột xuất khu vực bếp nấu nướng, chế biến của một nhà hàng ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG |
Tuy nhiên, đánh giá công tác thanh tra chuyên ngành này đã thành công hay chưa vẫn còn quá sớm vì Đồng Nai chỉ mới thực hiện được vài tháng. Ít nhất, phải mất từ 6-12 tháng, chúng tôi mới đánh giá rõ ràng hơn về hiệu quả thực tế của công tác này.
* Thưa ông, tâm lý của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tiếp các đoàn thanh, kiểm tra là lo sợ bị xử phạt. Vậy thanh tra chuyên ngành ngoài phát hiện và xử phạt các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm còn mục tiêu nào khác?
- Nghị định 115/2018/NÐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tạo tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm với mức xử phạt tăng từ 5-7 lần so với trước đây. Cụ thể, các cá nhân có hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe của 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng. Còn đối với doanh nghiệp, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, từ 160-200 triệu đồng.
Tuy nhiên, mục tiêu của công tác thanh tra không phải là xử phạt mà quan trọng nhất là thay đổi ý thức của người dân trong kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm. Qua đó, các chủ cơ sở sẽ có hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật trong vấn đề an toàn thực phẩm và đưa ra các sản phẩm an toàn đến người dân là mục tiêu lớn nhất của công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành. Nhưng khi phát hiện các vi phạm, chúng ta phải có chế tài để chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật của các chủ cơ sở.
* Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Đồng Nai nên tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào trong quản lý an toàn thực phẩm để người dân được sử dụng thực phẩm thực sự an toàn?
- Đồng Nai là tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, công tác thanh, kiểm tra cũng cần bám sát vào các sản phẩm được cho là thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, Đồng Nai cần phải chú trọng đầu tư nhân lực thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm để nâng cao năng lực chuyên môn của tuyến xã, huyện nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc.
Chúng tôi thấy rằng, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để triển khai những vấn đề về quản lý; thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo tỉnh cần công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng; xử phạt nặng các cơ sở vi phạm, nhất là những cơ sở gây hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tại các lò giết mổ, cán bộ thú y phải có mặt thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng thịt bị bơm nước...
Đặc biệt, ngoài việc kiểm tra các mặt hàng Tết như bánh, mứt, rượu… các đoàn thanh, kiểm tra cũng cần phải chú trọng đến bếp ăn tập thể, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể dịp cuối năm.
* Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 17-12, 4 đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã bắt đầu thực hiện công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội sắp tới trên địa bàn tỉnh. |
Khánh Ngọc (thực hiện)