Cha mất sớm, nhà lại không có đất canh tác, một mình mẹ nuôi 6 người con, cuộc sống hết sức khó khăn nên từ khi còn nhỏ anh Lu Nhật Đồng (người dân tộc Hoa) ở ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) đã có khát vọng khởi nghiệp để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Cha mất sớm, nhà lại không có đất canh tác, một mình mẹ nuôi 6 người con, cuộc sống hết sức khó khăn nên từ khi còn nhỏ anh Lu Nhật Đồng (người dân tộc Hoa) ở ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) đã có khát vọng khởi nghiệp để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Anh Lu Nhật Đồng tranh thủ cho dê ăn sau giờ làm ở UBND xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: N.Sơn |
* Trụ cột của gia đình
Anh Lu Nhật Đồng chia sẻ, thời điểm anh tốt nghiệp THPT, mẹ anh đã lớn tuổi, các anh chị đã có gia đình riêng, cuộc sống không mấy khá giả nên anh đã từ bỏ cơ hội trở thành sinh viên Trường đại học luật TP.Hồ Chí Minh, chấp nhận ở nhà làm rẫy để đỡ đần và chăm sóc mẹ mỗi khi trái gió trở trời.
Thành công với mô hình chăn nuôi dê nên anh Lu Nhật Đồng quan niệm không giữ những kinh nghiệm quý báu cho riêng mình mà chia sẻ với các hộ chăn nuôi dê khác, thậm chí là hỗ trợ đầu ra. Từ đó, Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Bảo Bình ra đời (từ 7 thành viên nay đã tăng lên 42 thành viên) do anh làm tổ trưởng. |
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, anh Đồng đã mang trên mình trọng trách trụ cột, làm chỗ dựa cho mẹ. Với vài sào rẫy thuê, anh chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi. Thế nhưng, những loại cây trồng, vật nuôi dễ trồng, dễ nuôi thì ai cũng làm được, giá cả lại bấp bênh nên công sức bỏ ra nhiều mà giá trị thu lại không được bao nhiêu. Nghe một số người bảo trồng cây hồ tiêu giá trị kinh tế cao hơn, anh Đồng không cân nhắc mà chuyển sang trồng tiêu. Lúc hồ tiêu cho thu hoạch cũng là lúc giá hồ tiêu xuống dốc, khiến cho khát khao đổi đời của anh thất bại.
30 triệu đồng có được từ việc bán đổ bán tháo tiêu, anh Đồng tiếp tục thuê đất và chăn nuôi dê. Từ 4 con dê nuôi thử nghiệm sau khi bán, trừ tất cả chi phí, anh Đồng thấy có lời. Cộng với nhu cầu tiêu thụ thịt dê ngày một tăng nên anh quyết định chuyển hướng sang nuôi dê. Tuy nhiên, mới trải qua một lứa dê, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên đàn dê của anh phát triển không như mong muốn, có khi bị nhiễm bệnh mà anh không hay biết. Dê phát triển chậm, thời gian nuôi kéo dài, tiền lời kiếm được sau xuất bán không còn được là bao…
* Kiên trì và thành công
Không nản chí, anh Đồng tìm hiểu qua sách, báo, internet và đăng ký với Hội Nông dân xã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi dê thành công. Từ những kiến thức góp nhặt trong sách vở và các mô hình thực tế, anh Đồng rút ra những kinh nghiệm quý báu và áp dụng thành công.
Anh Đồng cho hay, dê là một trong những loài vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh nên ngoài xây dựng chuồng trại thông thoáng, việc đầu tiên là phải giữ gìn vệ sinh chuồng trại. Thay vì sử dụng máng bằng gỗ, anh sử dụng máng bằng tôn, vừa nhẹ lại vừa dễ vệ sinh; định kỳ mỗi tháng anh tiến hành rắc vôi bột vào chuồng nuôi để sát khuẩn…
Yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của dê theo anh Đồng là nguồn thức ăn. Nếu như các hộ chăn nuôi dê khác cho dê ăn chủ yếu là lá cây thì đàn dê nhà anh Đồng chỉ ăn 70% lá cây, 30% thức ăn còn lại là cám trộn với vỏ đậu nành, bắp. Vì vậy, dê thường béo và nhiều thịt hơn dê chỉ ăn hoàn toàn lá cây, được thương lái rất ưa chuộng nên giá bán vì thế cũng cao hơn. Hiện đàn dê của anh luôn được duy trì ổn định ở mức gần 400 con, mỗi năm xuất bán từ 5-6 đợt, đem lại cho anh Đồng thu nhập khoảng 800-900 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Với số lượng dê lớn, để đảm bảo nguồn thức ăn, ngoài việc trồng 1,5 hécta cỏ, những lúc rảnh rỗi anh đi tìm nguồn vỏ đậu để thu mua phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình và cung ứng cho các hộ xung quanh. Từ chăn nuôi dê và cung ứng vỏ đậu nành, hiện anh Đồng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là tấm gương thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công ngay tại quê nhà mà anh Lu Nhật Đồng còn là tấm gương về sự kiên trì với việc học tập. Lúc trước vì gia cảnh khó khăn nên anh bị gián đoạn việc học, khi kinh tế ổn định anh Đồng vừa khởi nghiệp vừa tham gia lớp đại học vừa làm vừa học vào buổi tối. Năm 2005, anh tốt nghiệp và về làm việc tại UBND xã Bảo Bình với vai trò công chức tư pháp - hộ tịch.
Nga Sơn