1. Anh bạn dạy Âm nhạc tại một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa vừa tập huấn xong chương trình giáo dục phổ thông mới về đã hồ hởi đưa vào "chạy thử nghiệm" cho học sinh vừa hát vừa múa theo nhạc. Không một học sinh nào lúng túng hay nhút nhát, đứng ngoài lề lớp học.
Môn Âm nhạc lâu nay không ít học sinh “sợ” vì không có năng khiếu. Nhiều học sinh cứ đến tiết học là chán, không thích học. Việc sử dụng, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học sẽ giúp các em hào hứng, say mê môn học hơn. Có thể nói, ngay chương trình hiện hành, giáo viên cũng có thể khéo léo dạy học sinh dần theo hướng tiếp cận năng lực.
2. Chỉ bằng một hình thức đơn giản là thi đua giữa các tổ trong một tiết dạy Lịch sử lớp 5, một giáo viên tôi quen đã biến lớp học trở nên sinh động, học sinh hoạt động tích cực. Với mỗi câu trả lời đúng của một thành viên trong tổ, tổ đó sẽ được cộng điểm thưởng, cuối tiết học sẽ tổng kết để xếp hạng. Học sinh em nào cũng có tâm thế chủ động tìm tòi kiến thức để hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tính đồng đội, sự đoàn kết, hợp tác được thể hiện rõ trong giờ học. Giờ học nhẹ nhàng, cuốn hút đến mức hết giờ mà học sinh vẫn còn hào hứng.
3. Đa số học sinh chán học môn học này, chê môn học kia khô khan bởi các em chưa được giáo viên truyền “lửa” tạo sự say mê. Không môn học nào là không thể truyền cảm hứng cho học sinh được. Nhiều giáo viên dạy giỏi tôi đã từng gặp cho rằng, để tiết học sinh động, hiệu quả, học sinh hứng thú, người dạy phải là người truyền cảm hứng đam mê học tập cho học trò bằng cách tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng tốt các kỹ thuật dạy học tích cực, các trò chơi. Bên cạnh đó cần sử dụng, khai thác những lợi ích của công nghệ thông tin vào giảng dạy, dạy học ngoài lớp học, ngoài khuôn viên nhà trường… Làm được như vậy sẽ giúp phát triển năng lực cho học sinh, và học sinh không còn sợ những môn học khó “nuốt” nữa.
Hưng Nhân