Khám và "bắt" đúng bệnh cho trẻ em là cả "vấn đề" đối với bác sĩ nhi khoa. Trẻ hay la khóc, phản ứng khi được khám bệnh. Còn người nhà bệnh nhi do lo lắng nên luôn căng thẳng với bác sĩ.
Khám và “bắt” đúng bệnh cho trẻ em là cả “vấn đề” đối với bác sĩ nhi khoa. Trẻ hay la khóc, phản ứng khi được khám bệnh. Còn người nhà bệnh nhi do lo lắng nên luôn căng thẳng với bác sĩ.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) khám bệnh cho một bệnh nhi. Ảnh: Bích Nhàn |
Giành cả quãng thời gian gần 30 năm hành nghề gắn liền với phẫu thuật nhi, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ: “Phục vụ” được các bệnh nhi là vô cùng khó và bác sĩ phải thực sự yêu trẻ mới gắn bó được với nghề”.
* Bệnh nhi “khó tính”
Mới đây, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức tiếp nhận bệnh nhi N.T.V. (4 tuổi, ngụ tại phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) mổ cắt da bao quy đầu. Nhưng khi vừa nghe chuẩn bị vào phòng mổ, bé V. đã khóc và vùng bỏ chạy khắp khoa. Cả người nhà và nhân viên y tế cùng tìm, giữ bé lại để thuyết phục nhưng bé cầm cán chổi tấn công những người đến gần mình. “Ca mổ không thể thực hiện do bé không chịu phối hợp. Gia đình cũng đành phải đưa bé ra về dù chương trình mổ đã lên trước đó từ lâu” - bác sĩ Tầm kể.
Áp lực lớn, thu nhập thấp Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho rằng, áp lực của bác sĩ nhi khoa khá lớn nhưng thu nhập thấp rất khó giữ chân bác sĩ, nhất là bác sĩ có kinh nghiệm. Bệnh viện cũng đã cố gắng nhưng vẫn chưa thể giải “bài toán” tăng thu nhập cho bác sĩ. |
Bệnh nhi dù biết nói hay chưa, các bác sĩ cũng khó khai thác được tình hình bệnh mà thường phải dựa vào thông tin người nhà hoặc “lén” khám bệnh khi trẻ ngủ. Mới sinh được 1 tháng tuổi, bé V.Q.T. (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) đã phải vào viện vì tình trạng ói ra sữa và dịch nhầy vàng, sút cân. Các bác sĩ không thể khám vì bé gồng bụng, khóc nên khó thấy khối u trong bụng. Bác sĩ quyết định tiêm thuốc an thần cho bé ngủ để bụng mềm, dễ dàng khám. Nhờ đó, các bác sĩ phát hiện bé bị u cơ môn vị và phải phẫu thuật. Bác sĩ Tầm cho hay: “Khối u cơ môn vị mới phát triển, còn nhỏ nên không thể hiện rõ trên hình ảnh X-quang, siêu âm. Chúng tôi phải khám kỹ bằng tay và phát hiện một mảng cứng ở cuối dạ dày. Sau mổ, bé phục hồi rất nhanh”.
* Yêu trẻ mới gắn bó được với nghề
Cũng là một người có 29 năm “tuổi nghề”, trải qua nhiều khoa bệnh khác nhau, bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, bác sĩ nhi khoa phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó căng thẳng nhất là thái độ của thân nhân bệnh nhi.
Bác sĩ Thủy từng gặp trường hợp một bệnh nhi 11 tuổi bị sốt xuất huyết rất nặng. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên, bác sĩ Thủy đã làm hồ sơ chuyển viện nhưng gia đình bệnh nhi nhất quyết không chuyển. Đến chiều hôm sau, bệnh nhi tử vong. “Thân nhân bệnh nhi cầm hồ sơ và la hét, chửi bới. Khi đó, tất cả mọi người trong khoa đều đau lòng vì sự ra đi của bé và lời nói của gia đình bệnh nhi. Nhưng tôi hiểu, họ đang đau buồn nên phản ứng như vậy” - bác sĩ Thủy nhớ lại.
Đối với bệnh nhi, các bác sĩ phải dựa vào thông tin từ người nhà để chẩn đoán nhưng nhiều người còn thiếu sự hợp tác rất dễ dẫn đến bỏ sót thông tin, chẩn đoán nhầm. Bác sĩ Vũ Công Tầm chia sẻ: “Không ít phụ huynh gây áp lực lên y, bác sĩ khiến chúng tôi khá căng thẳng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân tôi cho rằng, bác sĩ nhi khoa cần phải thực sự yêu trẻ, kiên nhẫn với từng ca bệnh, ân cần giải thích cho người nhà bệnh nhân, toàn tâm toàn ý với công việc thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp…”.
Bích Nhàn