"Còn cha, còn mẹ thì hơn. Không cha, không mẹ như đờn đứt dây…" - đó chỉ là lời bài hát nhưng lại khiến cho cậu học trò Phạm Minh Hiếu, học sinh lớp 7/5 Trường THCS Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không khỏi tủi phận khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình.
“Còn cha, còn mẹ thì hơn. Không cha, không mẹ như đờn đứt dây…” - đó chỉ là lời bài hát nhưng lại khiến cho cậu học trò Phạm Minh Hiếu, học sinh lớp 7/5 Trường THCS Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không khỏi tủi phận khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình.
Phạm Minh Hiếu và Phạm Minh Trung chở nhau đi học trên chiếc xe đạp cũ. Ảnh: Nga Sơn |
Phạm Minh Hiếu và người anh trai song sinh Phạm Minh Trung từ khi lọt lòng đã không biết mặt cha. Được hơn 1 tháng tuổi thì mẹ của Trung, Hiếu cũng dứt áo ra đi để lại 2 đứa con thơ cho bà ngoại nuôi dưỡng. Nuôi một đứa trẻ sơ sinh đã khó, nuôi 2 đứa trẻ cùng lúc khó khăn gấp nhiều lần. Bà Phạm Thị Trái, bà ngoại của Trung và Hiếu còn nhớ, lúc ấy bà đang làm công nhân. Để có tiền mua sữa cho 2 cháu ngoại, bà thường đăng ký tăng ca và làm ngày chủ nhật để có thêm thu nhập. Bà đi làm cũng có nghĩa việc chăm sóc 2 anh em Hiếu phải phó thác cho bà cố (mẹ của bà Trái) lúc ấy đã 70 tuổi. Có những khi chưa đến ngày lãnh lương mà hết sữa, bà phải nấu cháo lấy nước cho 2 anh em Hiếu uống mỗi khi khát sữa.
Năm tháng qua đi, anh em Trung, Hiếu lớn dần, bà ngoại không còn vất vả ẵm bồng, chạy vạy tiền mua sữa cho cháu mà thay vào đó là những khó khăn khác lớn hơn. Bà Trái hiện đã lớn tuổi, không còn đi làm nên cả gia đình 4 người giờ chỉ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi của bà. Bà cố của Trung, Hiếu năm nay hơn 80 tuổi, trải qua nhiều lần mổ, sức khỏe suy yếu, cộng thêm căn bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên tháng nào cũng phải vào bệnh viện khám bệnh ít nhất 2 lần. Trong khi anh em Trung, Hiếu ngày một lớn, chi phí ăn học lớn dần. Hiếu chia sẻ, bữa cơm của 4 bà cháu chủ yếu là những món được chế biến từ trứng, đậu hủ, chả cá. Những món liên quan đến thịt lâu thật lâu mới xuất hiện trong mâm cơm...
Khó khăn, thiếu thốn là thế song 2 anh em Trung, Hiếu luôn nỗ lực vượt khó để đến trường. Anh trai song sinh của Hiếu thiếu may mắn không được nhanh nhẹn, hoạt bát nên đến trường đã là một sự cố gắng. Còn với Hiếu, em luôn nỗ lực để hoàn thành chương trình học tập, năm học nào Hiếu cũng đạt thành tích học tập khá trở lên. Lúc rảnh rỗi, Hiếu và anh trai còn đỡ đần bà ngoại việc nhà, trò chuyện và xoa bóp chân tay cho bà cố.
Cô Vũ Thị Quỳnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 Trường THCS Hiệp Hòa cho biết, mặc dù gia cảnh của 2 anh em Trung, Hiếu còn nhiều khó khăn nhưng các em luôn nỗ lực trong học tập, nhất là Hiếu. Những giờ học trên lớp, bài nào chưa hiểu kỹ, Hiếu không ngần ngại hỏi lại thầy cô hoặc nhờ bạn bè xung quanh chỉ bài. Đó là ưu điểm đáng quý ở Hiếu mà nhiều bạn cùng lớp phải học tập và noi theo.
Phạm Minh Hiếu không ngần ngại chia sẻ ước muốn của em sau này là làm thầy giáo, đứng trên bục giảng để dạy cho học sinh những bài học bổ ích. Và hơn hết, khi trở thành thầy giáo, em có thể đỡ đần chăm sóc bà cố, bà ngoại. “Đó là ước mơ xa, còn hiện tại, em chỉ ước mẹ về với em để 2 anh em của em biết thế nào là có mẹ” - Hiếu bộc bạch.
Phạm Minh Hiếu bộc bạch: “Hai anh em không có cha, cũng không có mẹ cận kề, nhờ có sự bảo bọc, chăm sóc của bà cố, bà ngoại, sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè mà chúng em có được như ngày hôm nay. Em nghĩ bản thân mình cần phải làm gì đó để đền đáp những ân tình mà mọi người đã dành cho 2 anh em”. |
Nga Sơn