Từ ngày 1-1-2020, gần 2 ngàn dịch vụ y tế sẽ chính thức tăng giá. Mức tăng từ 2-10% giá các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm…
Từ ngày 1-1-2020, gần 2 ngàn dịch vụ y tế sẽ chính thức tăng giá. Mức tăng từ 2-10% giá các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm…
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Quy định này được nêu rõ trong Nghị quyết số 185/2019/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
* Thúc đẩy tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang áp dụng theo Nghị quyết số 71/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên cơ sở của Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế. Đến tháng 7-2019, Thông tư số 02 được thay thế bằng Thông tư số 14/2019/TT-BYT.
Mức giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại Thông tư số 14 được Bộ Y tế xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.
Thời gian qua, do tỷ lệ người có thẻ BHYT trong cả nước chưa cao nên Bộ Y tế xây dựng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho người chưa có thẻ BHYT thấp hơn mức giá của người có thẻ BHYT. Mới đây, Bộ Y tế đã xây dựng cùng một mức giá đối với tất cả các đối tượng khi đi khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập.
Đối với người bệnh đang được điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 1-1-2020 và xuất viện hoặc kết thúc đợt điều trị sau ngày 1-1-2020 này thì các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn áp dụng mức giá cũ cho toàn bộ thời gian điều trị của bệnh nhân. |
Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, thực tế hiện nay những người chưa tham gia BHYT không phải là nhóm người yếu thế trong xã hội vì những đối tượng khó khăn, yếu thế đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Ngoài ra, hằng năm tỉnh cũng dành khoảng 50 tỷ đồng từ quỹ kết dư BHYT được Trung ương phân bổ để mua thẻ BHYT cho một số đối tượng khó khăn như: người dân tộc thiểu số, người từ 70-79 tuổi, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… Do đó, việc áp dụng mức giá khám, chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT bằng với mức giá của người có thẻ BHYT là tạo sự bình đẳng giữa các đối tượng, thúc đẩy người dân tích cực tham gia BHYT.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, việc áp dụng đúng, đủ các chi phí khám, chữa bệnh đã được cấu thành trong giá các dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư số 14 của Bộ Y tế sẽ giúp các cơ sở y tế thực hiện tốt hơn lộ trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó có thêm nguồn lực để tái đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển chuyên môn kỹ thuật để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đồng thời giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước chi cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.
* Tăng giá đi cùng với tăng chất lượng
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 185/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm: bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực; các trung tâm y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có thực hiện chức năng khám, chữa bệnh; phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Đối tượng chi trả là người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Việc tăng giá dịch vụ y tế từ 2-10% so với trước đây sẽ tác động trực tiếp đến những người chưa tham gia BHYT (khoảng 390 ngàn người) khi đi khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh. |
Theo đó, sẽ có 9 mức giá dịch vụ khám bệnh theo phân hạng cơ sở y tế. Mức giá khám bệnh cao nhất của bệnh viện hạng I là 38,7 ngàn đồng/lượt khám. Mức giá khám bệnh thấp nhất là tại trạm y tế với giá 27,5 ngàn đồng/lượt khám. Mức giá khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa (không kể xét nghiệm, chụp X-quang) và khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ là 160 ngàn đồng/lượt; khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là 450 ngàn đồng/lượt; hội chẩn để xác định ca bệnh khó là 200 ngàn đồng/lượt.
Có 12 mức giá dịch vụ ngày giường điều trị theo hạng bệnh viện. Trong đó, mức giá cao nhất là 705 ngàn đồng của bệnh viện hạng I đối với dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc.
Ngoài ra, hơn 1,9 ngàn dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác cũng được điều chỉnh tăng giá. Một số dịch vụ kỹ thuật có mức giá rất cao trong điều trị ung bướu như: phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng (hơn 96,6 triệu đồng), phẫu thuật nội soi các bệnh lý lồng ngực (91 triệu đồng), xạ phẫu bằng Gamma Knife (hơn 28,7 triệu đồng)…
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế sẽ được bệnh viện áp dụng từ ngày 1-1-2020. Khi tiến hành tăng giá, bệnh viện cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để rút ngắn quy trình, thời gian khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Hạnh Dung