Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng lây bệnh cho trẻ vì ôm, hôn

11:12, 02/12/2019

Hành động ôm, hôn trẻ gần như là thói quen, văn hóa của người Việt Nam trong việc thể hiện tình cảm, sự yêu thích đối với trẻ em. Tuy nhiên, hành động này được các bác sĩ khuyến cáo không nên vì có thể gây bệnh cho trẻ.

Hành động ôm, hôn trẻ gần như là thói quen, văn hóa của người Việt Nam trong việc thể hiện tình cảm, sự yêu thích đối với trẻ em. Tuy nhiên, hành động này được các bác sĩ khuyến cáo không nên vì có thể gây bệnh cho trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người thân của trẻ khi bị cảm cúm cũng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ. Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người thân của trẻ khi bị cảm cúm cũng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ. Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai (Ảnh minh họa)

Gần đây, nhiều bà mẹ chia sẻ câu chuyện một em bé người Mỹ phải chống chọi với tử thần do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV khi người mẹ vô tình để người lạ hôn con.

* Con đường lây bệnh

Chị Phạm Thị Ngần (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay, chị có 2 con nhỏ rất bụ bẫm. Do đó, ngay khi mới sinh, cả 2 bé đều rất “được lòng” người khác, ai thấy cũng muốn ôm hôn. “Tôi thực sự thấy phiền và lo lắng khi nhiều người vô tư hôn con mình, kể cả họ hàng hay người đến thăm nhà. Nhiều lần, tôi đã tỏ ý không cho người lạ hôn con một cách thoải mái vì sợ con bị bệnh” - chị Ngần chia sẻ.

Các bác sĩ đặc biệt lưu ý, các bậc cha mẹ có con nhỏ nên cẩn thận khi để người khác tiếp xúc, gần gũi với con mình, cần đảm bảo những người bị bệnh hoặc cảm thấy không khỏe không tiếp xúc thân mật với trẻ. Khi tiếp xúc với trẻ, các bậc phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, bắt tay, chia sẻ ly tách và dụng cụ ăn uống với người khác trong thời gian bị cảm cúm.

Theo các bác sĩ nhi khoa, thực tế không ít trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nhập viện có nguồn lây từ người thân trong gia đình. Ở lứa tuổi sơ sinh, trẻ không có “cơ hội” tiếp xúc bên ngoài, chỉ tiếp xúc với người nhà là chủ yếu, việc ôm hôn, chăm sóc trẻ mà không rửa tay hoặc gia đình có một người bị bệnh cảm, khả năng lây bệnh rất cao.

Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, hành động ôm hôn trẻ của người lớn vô tình đẩy các vi trùng sang trẻ. Hiện nay, nhiều bà mẹ đã có ý thức về việc này nên không thích việc người lạ ôm hôn con mình, nhất là khi người lớn hôn vào môi trẻ dễ dính nước bọt - chất dẫn truyền nhiều loại bệnh. Nếu người lớn mang vi trùng, virus độc khi hôn trẻ có thể khiến trẻ bị nguy kịch khi mắc bệnh.

Hành động ôm hôn trẻ, nhất là các trẻ ở lứa tuổi sơ sinh (0-6 tháng tuổi) sẽ khiến cho trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh. Ở lứa tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, chưa hoàn thiện nên chưa tự tạo được kháng thể để chống lại các virus, vi khuẩn tấn công. Hơn nữa, ở lứa tuổi này, trẻ vẫn chưa được tiêm nhiều loại vaccine phòng bệnh, do đó rất dễ bị tổn thương, mắc bệnh khi bị người khác ôm hôn.

Yêu thương cần đi kèm sự hiểu biết

Theo bác sĩ Nguyễn Phước Trương Nhật Phương, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai kể cả người thân hay người lạ cần phải rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ. Có nhiều người lớn đang mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện ra ngoài, khi tiếp xúc sẽ truyền bệnh cho trẻ. Đặc biệt, 7 nhóm người sau không nên ôm, hôn trẻ, nhất là trẻ trong lứa tuổi sơ sinh. Thứ nhất, nhóm người bị nhiễm virus herpes simplex (gây lở miệng hoặc mụn rộp sinh dục). Ở người lớn, virus này rất “hiền” chỉ làm lở miệng, rộp môi nhưng khi truyền sang trẻ sơ sinh lại rất nguy hiểm, thậm chí gây ra viêm màng não và tử vong.

Thứ hai là những người bị cảm cúm, khi hôn vào môi hoặc các vùng trên mặt trẻ đều gây bệnh cho trẻ. Thứ ba là những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm HP dạ dày dù không có biểu hiện ra bên ngoài, (tỷ lệ người Việt Nam nhiễm HP dạ dày khoảng 70%). Ngoài ra, hành động nhai cơm mớm cho trẻ ở lứa tuổi ăn dặm cũng là “con đường” lây bệnh này cho trẻ.

Thứ tư là những người bị tiêu chảy, kiết lị cũng không nên tiếp xúc với trẻ. Thứ năm là những người mắc bệnh truyền nhiễm như: quai bị, tay chân miệng, thủy đậu cần tránh xa trẻ. Thứ sáu là những người mắc bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, nướu không nên ôm, hôn trẻ vì ổ vi trùng trong miệng sẽ truyền sang trẻ. Thứ bảy là những người trang điểm đậm cũng không nên ôm, hôn trẻ vì trong phấn nền, son môi có chì, thủy ngân sẽ khiến trẻ bị nhiễm chì và thủy ngân nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Để phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, người lớn cần phải rửa tay khi tiếp xúc với trẻ, kể cả người thân hay người lạ; không nên ôm, hôn trẻ (ở vùng mặt); hạn chế cho trẻ tiếp xúc với 7 nhóm người trên để ngừa bệnh cho trẻ dù không có biểu hiện bệnh ra ngoài. “Yêu thương cần phải đi kèm sự hiểu biết, chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, ngay cả người mẹ đang chăm con mà bị cảm cúm cũng cần phải đeo khẩu trang khi chăm con” - bác sĩ Nhật Phương nhấn mạnh.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều