Tháng 11 dương lịch, khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt dần, nước ở dòng suối Đá (ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) rút cạn là thời điểm thích hợp để người dân hai bên bờ suối bắt cua đêm.
Tháng 11 dương lịch, khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt dần, nước ở dòng suối Đá (ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) rút cạn là thời điểm thích hợp để người dân hai bên bờ suối bắt cua đêm.
Người lớn và trẻ em tập trung ra suối Đá (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) chuẩn bị đi bắt cua. Ảnh: N.An |
Có người tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi bắt cua để cải thiện bữa ăn, nhưng đa phần bắt cua để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
* Vất vả bắt cua đêm
Khoảng 18 giờ, hơn 20 người lớn và trẻ em ở tổ 9B và tổ 7, ấp 3, xã Thanh Sơn đã có mặt ở suối Đá để chuẩn bị đi bắt cua đêm. Đồ nghề của bà con gồm: đèn pin gắn sẵn trên đầu, những củ mì tươi dùng làm mồi nhử bắt cua và thùng nhựa xách tay để đựng “sản phẩm”.
Phó chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn Lê Trọng Thủy cho biết, đa số người dân ở hai tổ 9B và 7 (ấp 3, xã Thanh Sơn) là đồng bào dân tộc thiểu số và là nơi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, đa số bà con không trông chờ vào sự chăm lo của Đảng và Nhà nước mà luôn chịu khó lao động, tìm nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. |
Tối ấy, ông Trần Vinh Đạo (ngụ tổ 9B, ấp 3, xã Thanh Sơn) cùng hai con là Trần Thị Thúy Hằng (15 tuổi) và Trần Thái Phong (13 tuổi) đã chọn theo nhóm đi về hướng hạ nguồn dòng suối Đá để bắt cua, vì nơi đây có nhiều lùm cây cỏ và ngóc ngách để cua trú ẩn. Cách mà ông Đạo và người dân trong vùng thường sử dụng để bắt cua trông khá đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả là dùng những củ mì tươi đã chặt sẵn ra từng khúc rồi cắm vào các cành cây, sau đó tìm chọn những vùng nước có lùm cỏ hoặc hang đá rồi cắm xuống, chờ cua bò đến ăn để bắt.
Trong khi đó, em Phùng Thị Hạnh (12 tuổi, tổ 7, ấp 3, xã Thanh Sơn) cùng các chị em của mình lội nước ngược về phía đầu nguồn con suối để đặt bẫy cua với hy vọng “thu hoạch” được nhiều “sản phẩm”. Bởi nơi đây có nhiều ngóc ngách đá ngầm và là môi trường tốt cho cua sinh sống. Không chỉ chăm bẵm vào bắt cua, chị em Hạnh còn tranh thủ bắt thêm cá, ốc, hái rau rừng... để kiếm thêm thu nhập.
Em Phùng Thị Hạnh chia sẻ, gia đình em khó khăn, có đông anh chị em. Thu nhập từ 2 sào rẫy điều không ổn định, cha mẹ của em phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi cả gia đình 9 miệng ăn. Thương cha mẹ vất vả, Hạnh thường cùng các chị em đi bắt cua đêm đem bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hôm nào cua nhiều, các chị em Hạnh bắt được từ 2-3kg, hôm nào cua ít bắt được khoảng 1kg. Mỗi kg cua bán với giá 30 ngàn đồng, mỗi đêm chị em Hạnh kiếm được từ 30-90 ngàn đồng.
“Con cua chạy nhanh lắm, nếu em không lanh tay bắt là nó lặn sâu xuống nước hoặc trốn sâu vào hang. Nhiều lần em đã khóc vì bị cua kẹp đến chảy máu, vết thương sau đó bị sưng mủ và gây đau nhức... Nhưng rồi nghĩ đến gia đình khó khăn, cha mẹ vất vả nên tiếp tục cùng các chị đi bắt cua” - em Hạnh tâm sự.
Đến 20 giờ, nhiều em nhỏ đã run lên vì lạnh sau nhiều giờ ngâm dưới nước. Các em lần lượt lên bờ về nhà vệ sinh, ăn cơm và học bài. Dòng suối Đá giờ đây chỉ còn người lớn và họ vẫn tiếp tục đi bắt cua cho đến tận 23 giờ.
* Mưu sinh vì cuộc sống
Nói về nghề bắt cua đêm, ông Đạo chia sẻ, hằng năm vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch), nước ở thượng nguồn bắt đầu đổ về dòng suối Đá, từ đó các loài tôm, cua, cá, ốc... cũng theo dòng nước về đây sinh sôi nảy nở. Theo đó, việc đánh bắt thủy sản diễn ra xuyên suốt mùa mưa cho đến khi nào dòng suối Đá cạn nước mới thôi. Tuy nhiên, người dân đi bắt cua chỉ “rộ” vào khoảng tháng 10 năm trước đến khoảng tháng 1 của năm sau, vì lúc này dòng suối Đá trở nên khô cạn và màu nước trong, giúp cho việc phát hiện con cua được dễ dàng hơn.
Một số trẻ em ở ấp 3, xã Thanh Sơn ban ngày đến trường học chữ, đêm đến đi mò cua, bắt ốc phụ giúp cha mẹ |
Cũng theo ông Đạo, trước đây, người dân trong vùng chủ yếu đi bắt cua để cải thiện bữa ăn trong gia đình, chứ chưa phải là nghề để kiếm tiền. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người tiêu dùng sử dụng cua đồng ngày càng nhiều vì đây là loài sinh sống ngoài tự nhiên và có nhiều chất bổ dưỡng. Nhờ đó, nhiều người dân địa phương xem đây là cái nghề và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi bắt cua về bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập.
Điển hình là anh Lý Phúc Mai (32 tuổi, ngụ tổ 15, ấp 3, xã Thanh Sơn), người có hơn 10 năm gắn bó với nghề bắt cua đêm. Anh Mai chia sẻ, vợ chồng anh có 4 sào rẫy trồng điều, nhưng vì đất đai khô cằn, toàn đá nên thu nhập cũng bấp bênh. Vì vậy, ban ngày anh đi làm thuê, làm mướn, còn ban đêm ra suối lặn lội mò cua, bắt ốc đem bán kiếm tiền để nuôi vợ bị bệnh và 3 con nhỏ ăn học.
“Hôm nào tôi bắt cua nhiều thì được từ 3-4 kg và bán được khoảng 100 ngàn đồng, còn hôm bắt ít hơn thì khoảng 2kg và bán cũng được 60 ngàn đồng. Nhờ có thêm thu nhập từ nghề bắt cua mà cuộc sống gia đình tôi cũng tạm ổn” - anh Mai tâm sự.
Nghề bắt cua đêm rất vất vả và nếu ai không đảm bảo sức khỏe thì khó gắn bó lâu dài được. Bởi nghề này đòi hỏi phải thức khuya, đi xa và ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, người làm nghề này đôi khi cũng gặp nguy hiểm vì thường tiếp xúc với rắn, rết, bọ cạp... Có những loài rắn, rít, bọ cạp ẩn nấp trong các thảm cỏ cây rậm và rất khó phát hiện vào ban đêm, nếu người dân mải bắt cua và không để ý và đụng phải thì sẽ bị chúng tấn công. Dưới dòng suối còn có nhiều đá lởm chởm, cạnh sắt nhọn và dễ gây thương tích cho người đi bắt cua... Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người vẫn xem đó là một cái nghề và đã gắn bó với nó từ nhiều năm qua.
Nhân An