Ngành GD-ĐT đang tích cực rà soát các điều kiện cơ bản để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 sắp tới. Chương trình được triển khai theo hình thức cuốn chiếu,...
Ngành GD-ĐT đang tích cực rà soát các điều kiện cơ bản để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 sắp tới. Chương trình được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ học sinh lớp 1, năm tiếp theo đối với lớp 2, và đến năm 2024 chương trình sẽ phủ kín các lớp còn lại ở khối tiểu học.
Giáo viên Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành năm cuối cùng cho học sinh lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc dạy 2 buổi/ngày, thực hiện chương trình sách giáo khoa mới...
* “Đối mặt” với khó khăn
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đang rất lo lắng vì thiếu trường lớp và thiếu giáo viên. Riêng cơ sở vật chất như: sân chơi, bãi tập, thư viện đều khó đáp ứng yêu cầu và cần được bổ sung thêm bởi với điều kiện trường lớp hiện nay, nhiều khả năng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhà trường sẽ phải bố trí cho học sinh lớp 1 học cả vào thứ bảy mới đảm bảo đủ số tiết theo quy định.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch: Phải nắm bắt lượng học sinh sẽ tăng trong những năm tới Từ năm học 2020-2021 trở đi, mỗi năm học của bậc tiểu học sẽ có thêm một khối lớp tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, các trường phải phối hợp tốt với chính quyền địa phương nắm danh sách của từng trẻ năm học tới sẽ vào lớp 1, từ đó báo cáo chính xác cho Phòng GD-ĐT chuẩn bị đáp ứng về trường lớp. Nếu không nắm được số lượng học sinh hằng năm sẽ vào lớp 1 thì không thể xây dựng được kịch bản ứng phó với tình trạng học sinh tăng, gây áp lực cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) Bùi Thị Mai Xoan chia sẻ, hiện nay nhà trường chỉ dạy 2 buổi/ngày cho một số khối lớp, do không đủ lớp. Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 1, năm học tới sẽ có một trong các khối lớp từ lớp 2 đến lớp 5 sẽ chỉ được học 1 buổi/ngày để nhường phòng học cho học sinh lớp 1. Nhưng khó khăn không chỉ dừng ở năm học 2020-2021, mà từ những năm học tiếp theo trở đi tình hình trường lớp sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn, vì có thêm học sinh lớp 2, rồi lớp 3-4-5 cũng bắt đầu tiếp cận với chương trình mới.
Như nhiều trường tiểu học khác, từ năm học tới Trường tiểu học Phước Thái (xã Phước Thái, huyện Long Thành) sẽ phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên đến giờ này trường đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” do khó khăn về cơ sở vật chất.
Hiệu trưởng nhà trường Bùi Đoàn Trị cho biết, một phần của trường cũ đã xuống cấp không còn an toàn để tổ chức dạy học, điểm học tạm cũng sắp bị giải tỏa để làm đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong khi đó trường mới thì không biết khi nào được xây dựng.
“Nếu huyện không có giải pháp hỗ trợ khẩn trương cơ sở vật chất cho nhà trường thì việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới khó khả thi, hoặc có triển khai sẽ gượng ép, chất lượng không như ý muốn” - thầy Bùi Đoàn Trị bày tỏ.
Trong khi đó, một giáo viên của Trường tiểu học Trần Phú (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bày tỏ băn khoăn: “Khó khăn nhất với tôi là đến giờ chưa biết hình hài nội dung của cuốn sách giáo khoa mới như thế nào? Hơn nữa sĩ số học sinh/lớp năm nào cũng vượt chuẩn từ 15-20 em, liệu có phù hợp khi áp dụng chương trình mới hay không?”.
* Giải bài toán về trường lớp
TP.Biên Hòa là địa phương đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về cơ sở vật chất đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành lẫn chương trình giáo dục phổ thông mới sắp áp dụng. Dự kiến năm học 2020-2021 khu vực các phường Trảng Dài, Long Bình, Tân Hiệp, Tân Hòa, Phước Tân… sẽ tiếp tục là những “điểm nóng” về thiếu trường lớp. Để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong giai đoạn 2020-2024 thành phố cần bổ sung thêm đến 1 ngàn phòng học mới.
Trong số 55 trường tiểu học công lập của TP.Biên Hòa hiện nay, chỉ có 23 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 32 trường còn lại chỉ dạy được 1 buổi/ngày do thiếu lớp học. Dự kiến những trường dạy 1 buổi/ngày khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới học sinh lớp 1 sẽ phải học cả vào thứ bảy thì mới có thể “tải” hết chương trình. Việc học thứ bảy sẽ dẫn đến phát sinh như tăng thêm áp lực cho học sinh, đồng thời cũng phải có những tính toán cả về thu nhập khi giáo viên phải dạy thêm tiết.
UBND tỉnh đã có thông báo gửi UBND các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh về việc chuẩn bị các điều kiện cho chương trình phổ thông mới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện phải rà soát chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên còn thiếu. Với những địa phương khó khăn về trường lớp cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương có kế hoạch xây dựng bổ sung kịp thời. Bố trí tổ chức tập huấn đầy đủ và chuyên sâu chương trình sách giáo khoa phổ thông mới cho đội ngũ giáo viên. |
Bà Lưu Thị Hằng, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, năm học 2020-2021 sẽ áp dụng chương trình mới nhưng thành phố đã dự báo gần như chắc chắn ở phường Trảng Dài sẽ tái diễn lớp học ca ba. Bởi năm học tới Trường THCS Trảng Dài số lượng học sinh lớp 6 sẽ tăng, do đó buộc phải “đòi” lại 5 lớp học hiện tại đang cho Trường tiểu học Nguyễn Thái Học mượn.
Tương tự Trường THCS Trường Sa cũng sẽ phải “đòi” lại 18 phòng học đang cho Trường tiểu học Trảng Dài mượn. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại việc khởi công và hoàn thành Trường tiểu học Trảng Dài 4 trong năm 2020 gần như không khả thi, nên khả năng có thêm phòng học cho các trường là không thể.
Một nguyên nhân khác khiến áp lực trường lớp tại phường Trảng Dài thêm nặng nề hơn, đó là dự kiến năm học 2020-2021 sắp tới toàn phường Trảng Dài sẽ có thêm 30 lớp 1. Nếu theo sĩ số trung bình như những năm học vừa qua thì mỗi lớp sẽ có khoảng
50-57 em/lớp. Việc sĩ số học sinh lớp 1 quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh, nhất là học sinh lớp 1 cần tập trung dạy bảo ngay từ đầu để có nền tảng kiến thức tốt cho những lớp học sau.
Hiện nay Sở GD-ĐT đang tiến hành rà soát điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, Sở đã mời các chuyên viên có kinh nghiệm bậc giáo dục tiểu học ở các huyện về kiểm tra chéo ở các trường tiểu học trong tỉnh. Việc kiểm tra chéo ở các huyện khác còn có tác dụng giúp chuyên viên các phòng GD-ĐT biết được huyện đã chuẩn được những gì, còn thiếu những gì, từ đó tham mưu cho lãnh đạo phòng kịp thời.
Để giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, trong tháng 11 này Sở GD-ĐT sẽ cử nhiều đợt giáo viên cốt cán đi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi tập huấn, đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ là những người triển khai lại cho các giáo viên tại chỗ. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, để việc tập huấn và truyền đạt lại cho giáo viên tại chỗ có hiệu quả, Sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo chọn cử những giáo viên cốt cán có kinh nghiệm, từng qua tập huấn về thay sách giáo khoa.
Một số ưu điểm chương trình giáo dục phổ thông mới: - Chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại. Các phương pháp giáo dục tích cực hóa hoạt động, giúp học sinh phát triển những phẩm chất và năng lực xã hội kỳ vọng. - Phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). - Thực hiện lồng ghép nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp. Thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học, có sự kết nối chương trình giữa các cấp học trong một môn học. - Bảo đảm định hướng thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục. |
Công Nghĩa