Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa triển khai ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt (NFC) nhằm giảm thủ tục cho bệnh nhân tại các cơ sở điều trị methadone.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa triển khai ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt (NFC) nhằm giảm thủ tục cho bệnh nhân tại các cơ sở điều trị methadone.
Sử dụng thẻ NFC giúp giảm thời gian tiếp đón và cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại Cơ sở điều trị nghiện bằng methadone số 1 (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) |
Bệnh nhân khi đến các cơ sở điều trị methadone chỉ cần xuất trình thẻ NFC tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt là được điều trị, uống thuốc mà không cần làm thủ tục khác khi tham gia.
Từ khi triển khai chương trình (tháng 8-2014) đến nay, toàn tỉnh đã có 7 cơ sở điều trị nghiện bằng methadone trên toàn tỉnh với 1.322 bệnh nhân đang điều trị. Kết quả này mới đạt 94% so với Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20-6-2014 về giao chỉ tiêu điều trị methadone của Chính phủ tại Đồng Nai là 1.404 bệnh nhân. |
Với việc ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch, mỗi bệnh nhân đều được cấp 1 mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị bằng hệ thống phần mềm. Hệ thống nhận diện có 120 tính năng áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh, nhất là quản lý và tiếp đón bệnh nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng bằng mã vạch tích hợp trên thẻ NFC và công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hơn nữa khi sử dụng thẻ thì tất cả các thông tin của bệnh nhân đều được thể hiện trên máy tính.
Chia sẻ về việc sử dụng thẻ nhận diện, anh T.V.G. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang điều trị tại Cơ sở điều trị nghiện bằng methadone số 1 (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Trước đây, mỗi lần muốn đến cơ sở khác để uống thuốc là phải chuyển hồ sơ, làm thủ tục mất nhiều thời gian do quy định phải uống thuốc đúng nơi đăng ký. Nay tôi có thể đến cơ sở khác, chỉ cần xuất trình thẻ là có thể sử dụng thuốc”.
Sau một thời gian triển khai, hệ thống đã đem lại những lợi ích thiết thực như: giảm thời gian tiếp đón và cấp thuốc cho bệnh nhân. Cán bộ cấp thuốc, quản lý kho dược, cán bộ báo cáo để tổng hợp có thể xem và in ngay từ hệ thống phần mềm chỉ trong một cái nhấp chuột. Dược sĩ Đinh Thị Hòa, công tác tại Cơ sở điều trị nghiện bằng methadone số 1 cho biết: “Đến cuối ngày, người làm báo cáo số liệu và báo cáo dược sẽ biết được hôm đó bao nhiêu bệnh nhân đến uống thuốc và bao nhiêu bệnh nhân bỏ lượt uống thuốc”.
“Sử dụng thẻ NFC tiết kiệm thời gian bởi khi bệnh nhân tới chỉ cần quét thẻ là toàn bộ thông tin hiện lên như: tên, tuổi, mã số, hàm lượng mà bệnh nhân đang sử dụng. Trước đây, mỗi lần bệnh nhân tới là phải đọc mã số, họ tên và nhân viên y tế phải dò hồ sơ xem thông tin” - bác sĩ Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính mà sử dụng thẻ NFC còn giúp các cơ sở điều trị cai nghiện bằng methadone có thể quản lý và điều trị tốt hơn cho người bệnh. Trong thời gian tới, hệ thống phần mềm quản lý, điều trị methadone được đồng bộ trên toàn quốc, thì bệnh nhân chỉ cần trình thẻ có thể đăng ký thời gian, địa điểm uống thuốc. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm cấp ID cho bệnh nhân toàn tỉnh. Các cơ sở điều trị nghiện bằng methadone tại các huyện và thành phố khi có bệnh nhân tham gia đăng ký điều trị sẽ chuyển hồ sơ về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bên cạnh những lợi ích, việc triển khai sử dụng thẻ NFC vẫn còn hạn chế nhất định như bệnh nhân quên thẻ, hoặc làm mất thẻ thì quá trình uống thuốc có thể bị ngưng lại, vì tất cả thông tin đều được lưu trên hệ thống trong đó có cả thuốc điều trị.
Mai Liên