Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm sự của bác sĩ sản khoa

12:10, 19/10/2019

Không điều gì có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi đứa con mình mang nặng suốt 9 tháng 10 ngày chào đời.

Không điều gì có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi đứa con mình mang nặng suốt 9 tháng 10 ngày chào đời.

Ê-kíp bác sĩ sản khoa của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh mổ sinh cho một sản phụ. Ảnh: H. Dung
Ê-kíp bác sĩ sản khoa của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh mổ sinh cho một sản phụ. Ảnh: H. Dung

Tuy nhiên, các bà mẹ lại không phải là người đầu tiên được chạm tay vào những sinh linh bé nhỏ ấy. Diễm phúc đó thuộc về các bác sĩ sản khoa.

* Ranh giới mong manh

Cách đây ít lâu, khi tiếp nhận một sản phụ mang thai ở tuần thứ 39, có tiền sử mổ u xơ tử cung bỗng đột ngột lên cơn đau bụng dữ dội vào nửa đêm, bác sĩ Nguyễn Đức Toản (Khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh) cùng ê-kíp trực đã dốc toàn lực để cứu sống 2 mẹ con sản phụ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Toản, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tâm sự: “Trong sản khoa, có nhiều chuyện xảy đến rất bất ngờ và không ai có thể lường trước được. Có những khoảng thời gian tôi khóc vì không thể cứu được một sản phụ bị thuyên tắc ối. Hay khi cứu thành công được sản phụ sinh non mới 6 tháng tuổi thai nhưng sau khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên được 2 tuần thì em bé mất…”.

Nhớ lại khoảnh khắc sinh tử ấy, bác sĩ Toản kể: “Qua siêu âm, chúng tôi thấy tim thai rất yếu, nếu không mổ nhanh em bé sẽ bị chết ngạt trong bụng mẹ. Thế là mặc dù chưa làm thủ tục giấy tờ gì, chúng tôi quyết định mổ bắt em bé ngay”.

Sau khi mổ bắt em bé ra ngoài, bác sĩ sản khoa đã nhanh chóng chuyển em bé cho đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức để cấp cứu. Riêng người mẹ, máu tràn ngập hoàn toàn ổ bụng, bị vỡ đáy tử cung. Các bác sĩ sản khoa lại hội ý chớp nhoáng lần 2 và quyết định cắt tử cung cấp cứu để cứu người mẹ. Hạnh phúc vỡ òa cho cả bác sĩ và gia đình sản phụ khi sau đó cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh.

Còn bác sĩ Đinh Văn Sức, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đại học y dược Shingmark thì nhớ như in kỷ niệm đỡ sinh cho một cô gái mới 13 tuổi. “Cô gái 13 tuổi nhưng thân hình phổng phao, sinh thường ra một em bé nặng 3,3kg nên ê-kíp đỡ đẻ rất yên tâm. Tuy nhiên, do còn quá trẻ, cơ địa chưa hoàn thiện nên 2 tiếng sau sinh, cô gái bị tụ máu ở thành âm đạo, là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Chúng tôi phải phẫu thuật thành âm đạo mới cứu được tính mạng cô gái” - bác sĩ Sức kể.

Không chỉ mổ, đỡ sinh cho những sản phụ có sức khỏe bình thường, các bác sĩ sản khoa còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi đỡ sinh cho sản phụ bị nhiễm HIV. Nếu chẳng may trong quá trình phẫu thuật bị kim tiêm đâm vào tay hay chảy máu, bị phơi nhiễm, cả ê-kíp trực đều phải uống thuốc ARV, AZT (loại thuốc kháng virus HIV) trong cả tháng trời.

* Những tình huống “dở khóc dở cười”

Không chỉ tại phòng mổ, đỡ sinh mới có những câu chuyện đặc biệt mà khi ngồi ở phòng khám, các bác sĩ sản khoa cũng bắt gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười.

Đó là chuyện hai vợ chồng đã có 2 con gái, người vợ vào bệnh viện để sinh mổ lần thứ 3 nhưng khi nữ hộ sinh trao bé gái sơ sinh cho anh chồng thì anh này nhất quyết không chịu nhận. Anh chồng cho rằng con anh ta phải là con trai vì trước đó bác sĩ siêu âm nói đứa bé đang nằm trong bụng mẹ là con trai. Bác sĩ sản khoa phải giải thích cặn kẽ, tận tình rằng đó là do bác sĩ siêu âm chẩn đoán sai và siêu âm chỉ có tính chất tham khảo chứ không phải đúng 100%, người cha mới chịu nhận con.

Với bác sĩ trẻ Nguyễn Lan Hương, Khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, có lẽ sẽ không thể nào quên câu chuyện buồn khi bị chồng của sản phụ đang chờ sanh hành hung vì một lý do không đâu hồi cuối tháng 6-2019. Theo đó, chồng sản phụ vào chờ vợ sinh trong tình trạng say rượu, khi nghe thấy tiếng loa phát thanh, anh này tỏ ra khó chịu. Thay vì chờ nhân viên kỹ thuật lên sửa chữa loa, anh này lại lao vào phòng, trút giận lên bác sĩ Hương bằng những cú đấm. Bác sĩ Hương sau đó phải cấp cứu với chẩn đoán chấn thương hàm mặt, mắt, đau đầu…

Có thể nói, nghề nghiệp nào cũng phải đối mặt với những thăng trầm, nhưng với bác sĩ sản khoa, điều đó diễn ra hằng ngày. Do vậy, họ rất cần sự cảm thông, hợp tác của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân để mọi việc được diễn ra thuận lợi và trọn vẹn hơn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều