Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

05:10, 14/10/2019

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thường được xem là  hoạt động bảo vệ "trái tim" của bệnh viện, bởi khi để xảy ra nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thường được xem là  hoạt động bảo vệ “trái tim” của bệnh viện, bởi khi để xảy ra nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện xử lý dụng cụ. Ảnh: H.Dung
Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện xử lý dụng cụ. Ảnh: H.Dung

Ý thức được điều này, thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

* Quy trình một chiều nghiêm ngặt

Bác sĩ Trần Thị Hà Phương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, quy trình xử lý, giao nhận dụng cụ điều trị, phẫu thuật tại các khoa, phòng được thực hiện nghiêm ngặt, tránh tình trạng nhiễm khuẩn dụng cụ.

Tại hội nghị khoa học kỹ thuật ngành Y tế tỉnh Đồng Nai năm 2019 tổ chức mới đây, PGS-TS.Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng gấp 2-3 lần thời gian nằm viện, phải sử dụng nhiều kháng sinh, gây gánh nặng về chi phí điều trị và tăng nguy cơ tử vong. Thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn giúp người bệnh được chăm sóc hiệu quả hơn, giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.

Theo đó, sau khi sử dụng xong dụng cụ, các khoa, phòng sẽ thực hiện làm sạch trước một bước rồi chuyển về đơn vị tiệt khuẩn trung tâm để phân loại, xử lý, khử khuẩn, tiệt khuẩn bằng hóa chất và các loại máy móc hiện đại. Dụng cụ sau khi làm sạch sẽ được kiểm tra, đánh giá chức năng và bảo dưỡng trước khi đóng gói. Hộp dụng cụ sau khi tiệt khuẩn được đánh giá bằng các test nhiệt độ, hóa học, sinh học, nếu đạt chuẩn chất lượng mới được chuyển vào lưu trữ ở kho vô khuẩn qua hệ thống một chiều, rồi chuyển giao cho các khoa, phòng theo đúng quy định. Những hộp dụng cụ nào sau khi test không đạt chất lượng sẽ phải thực hiện xử lý, khử khuẩn, tiệt khuẩn lại.

Vì là công việc rất quan trọng nên nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn phải rất cẩn trọng, kỹ lưỡng từ khâu làm sạch đến kiểm tra, đánh giá chất lượng, lưu trữ, đảm bảo độ vô khuẩn cũng như độ bền của dụng cụ.

Bà Đồng Thị Lan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, việc giao nhận đồ vải, dụng cụ từ nhân viên của Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn với nhân viên các khoa, phòng trong bệnh viện cũng phải thực hiện đúng. Trước mỗi xe cấp phát dụng cụ đều có một chai sát khuẩn tay nhanh, yêu cầu cả người nhận và người giao dụng cụ đều phải sát khuẩn tay. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thường xuyên kiểm tra nhiệm vụ đột xuất tại các khoa, phòng xem các khoa, phòng lưu giữ đồ dùng, dụng cụ có đạt yêu cầu không, nếu không đạt phải khắc phục ngay.

* Đảm bảo tuyệt đối an toàn phẫu thuật

An toàn phẫu thuật luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Để chuẩn bị cho một ca phẫu thuật, nhân viên khoa kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ chuẩn bị kỹ càng những đồ dùng, vật dụng liên quan.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 người bệnh thì có 1 người bị tổn hại trong khi đi khám, chữa bệnh. Những tổn hại đó có thể là nhiễm khuẩn bệnh viện, tai biến phẫu thuật, nhiễm trùng phẫu thuật, chẩn đoán nhầm…

Bác sĩ Trần Thị Hà Phương chia sẻ, đồ dùng vải được xử lý và đóng gói, phân loại theo từng cuộc mổ. Dụng cụ sau khi tiệt khuẩn sẽ được lưu trữ tại phòng tiếp liệu thanh trùng của phòng mổ. Ở đây, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ kiểm soát và cấp phát đúng cho từng ca mổ. Kết thúc ca mổ, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ ở lại thu dọn, xử lý các dụng cụ phẫu thuật với hóa chất nhằm loại bỏ máu và dịch tiết, giảm lượng mầm bệnh. Sau đó sắp xếp gọn gàng lên xe chuyên dụng chuyển về đơn vị khử khuẩn, tiệt khuẩn trung tâm bằng thang máy riêng.

Một vấn đề trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cũng rất quan trọng là giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. Theo bà Đồng Thị Lan, nếu nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn nghi ngờ có ca nhiễm khuẩn trong bệnh viện sẽ nhanh chóng báo với bác sĩ lâm sàng, Trưởng khoa để trao đổi, đưa ra biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

“Những khoa trọng điểm có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao là cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, hồi sức sơ sinh, phòng mổ. Đối tượng có khả năng nhiễm khuẩn cao là bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân viêm phổi, đang phải thở máy… Những bệnh có khả năng lây nhiễm chéo trong bệnh viện cao là tay chân miệng, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy, sởi. Với những trường hợp nghi mắc những bệnh này, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện sẽ phát khẩu trang, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà sử dụng lối đi riêng, nằm phòng cách ly để hạn chế lây nhiễm” - bà Đồng Thị Lan nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành Y tế Đồng Nai mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, các bệnh viện là nơi điều trị bệnh nhưng các bệnh viện cũng phải xác định đây là một ổ lây nhiễm. Do đó, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, nhất là khi tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, cần phải được quan tâm đúng mức, không được chủ quan, lơ là.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều