Qua 3 năm thực hiện đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (từ năm 2016-2019), toàn tỉnh đã thành lập được 73 câu lạc bộ với hơn 4 ngàn thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó hơn 78% là người cao tuổi.
Qua 3 năm thực hiện đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (từ năm 2016-2019), toàn tỉnh đã thành lập được 73 câu lạc bộ với hơn 4 ngàn thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó hơn 78% là người cao tuổi.
Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt qua 3 năm thực hiện đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (2016-2019). Ảnh: V.Truyên |
Những câu lạc bộ này đã chủ động kết nối các thế hệ để thực hiện chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong quá trình hoạt động của các câu lạc bộ.
* Lợi ích từ một mô hình
Ông Lê Tiến Duệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) cho hay, câu lạc bộ ra đời được 2 năm, ban đầu chỉ có 35 thành viên nhưng nay đã lên đến 70 người. Câu lạc bộ có đội văn nghệ riêng, hằng tháng họp nhau lại để tập luyện và biểu diễn văn nghệ ở các hội nghị, chương trình sinh hoạt của ấp, xã. Đây cũng là niềm vui với những người cao tuổi.
3 năm qua, 73 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh đã góp phần hỗ trợ cho 138 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng giải pháp cho vay vốn sản xuất với số tiền trên 960 triệu đồng, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật trong quá trình làm ăn. |
Song song với sinh hoạt văn nghệ, thành viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Phước Thiền còn giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Hằng tháng, mỗi thành viên đóng góp 50 ngàn đồng để làm quỹ của câu lạc bộ, đồng thời, những người có điều kiện về kinh tế tham gia ủng hộ quỹ để giúp vốn cho những thành viên khó khăn có thêm điều kiện chăn nuôi, buôn bán. 2 năm qua đã có 25 lượt hội viên được vay vốn từ 5-10 triệu đồng để mở quán nước giải khát, hàng tạp hóa tại nhà, buôn bán trái cây…
Ông Phạm Đức Hoành, thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau số 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cho biết, phần lớn trong số gần 40 thành viên của câu lạc bộ đều đã cao tuổi nên vấn đề được chú trọng là chăm sóc sức khỏe. Gần 3 năm qua, từ nguồn đóng góp của các thành viên, đã có 8 máy đo huyết áp đã được trao tặng cho những hội viên lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, 10 người cao tuổi sức khỏe yếu còn được các tình nguyện viên trong câu lạc bộ đến chăm sóc tại nhà 1 lần/tuần.
* Không chạy theo số lượng
Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, 3 năm qua, những câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã hỗ trợ 443 người vay vốn với số tiền trên 2 tỷ đồng để làm kinh tế. Tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 5 ngàn người với kinh phí hơn 600 triệu đồng. Các câu lạc bộ đã nhận chăm sóc tại nhà và ở bệnh viện cho 858 người cao tuổi neo đơn, người cao tuổi khó khăn; đồng thời thực hiện giám sát việc chi trả chế độ của Nhà nước ở các địa phương đối với người trên 80 tuổi…
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cho Hội Người cao tuổi các cấp.
Tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Ảnh: V.Truyên |
Theo ông Nguyễn Công Ngôn, Phó trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, hoạt động của các câu lạc bộ vẫn duy trì ở mức thăm hỏi ốm đau, tang ma, chúc thọ - mừng thọ, làm từ thiện với người gặp hoàn cảnh khó khăn, trong khi mục đích ra đời của câu lạc bộ không phải là làm công tác từ thiện, mà là giúp nhau cùng cố gắng để vươn lên. Ngoài ra, việc tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, các hoạt động phát huy giá trị truyền thống dân tộc vẫn chưa được phát huy. Đó là một trong những hạn chế mà câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trong tỉnh đang gặp phải.
Tại buổi làm việc tại Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Sơn cho rằng, sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hiện nay còn bó hẹp trong phạm vi giữa các thành viên câu lạc bộ mà thiếu sự mở rộng, kết nối với các câu lạc bộ, đoàn thể xã hội khác. Do đó, trong thời gian tới, mỗi câu lạc bộ nên có sự chủ động trong lựa chọn hình thức sinh hoạt sao cho phù hợp với tình hình thực tế của hội viên và địa phương.
Ngoài ra, có một thực tế là qua 3 năm thực hiện đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, 73 câu lạc bộ đều nằm ở địa bàn các ấp, khu phố trung tâm xã, phường là nơi có dân cư sống tập trung, điều kiện kinh tế tốt. Trong khi những khu vực dân cư thưa thớt, điều kiện sống còn nhiều khó khăn thì không thể thành lập được câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hay nếu có cũng hoạt động cầm chừng.
Theo ông Nguyễn Công Ngôn, Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh luôn khuyến khích các địa phương thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau song trước khi thành lập cần đánh giá kỹ năng lực các thành viên câu lạc bộ, nhu cầu của bà con ra sao để mang lại hiệu quả tốt nhất; tránh tình trạng ở một số nơi, sau khi thành lập hoạt động không hiệu quả. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực hiện đề án trên địa bàn Đồng Nai.
Võ Tuyên