Theo dự kiến, ngày 19-9, Đồng Nai sẽ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hoạt động diễn tập này.
Theo dự kiến, ngày 19-9, Đồng Nai sẽ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hoạt động diễn tập này.
Nguồn phóng xạ trong y tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong ảnh: Bác sĩ của Khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị chụp X-quang cho bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG |
Việc diễn tập nhằm nâng cao năng lực của cơ quan chuyên môn, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác ứng phó sự cố; đồng thời nâng cao năng lực đánh giá tình trạng nhiễm bẩn phóng xạ và tẩy xạ của lực lượng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
* Những nguy cơ tiềm ẩn
Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các hoạt động công nghiệp, sản xuất, dịch vụ và chẩn đoán, điều trị bệnh. Tính đến năm 2018, trong lĩnh vực y tế có trên 200 thiết bị bức xạ; trong lĩnh vực công nghiệp có trên 100 thiết bị bức xạ và trên 85 nguồn phóng xạ.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 thì sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (gọi chung là sự cố) được phân thành 5 nhóm tình huống có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch ứng phó. Trong đó, nhóm 3 là nhóm tình huống sự cố nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người trong cơ sở tiến hành công việc bức xạ. |
Tại Đồng Nai, các nguồn bức xạ và phóng xạ có khả năng gây ra các sự cố bức xạ thuộc nhóm 3: cơ sở chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, xạ trị trong y tế, chẩn đoán X-quang ở các cơ sở y tế; đo độ dày vật liệu; xạ trị, nghiên cứu, đào tạo. Bên cạnh đó còn có những nguy cơ đến từ việc vận chuyển các nguồn phóng xạ qua địa bàn tỉnh (chẳng hạn, hằng tháng các đồng vị phóng xạ hở được vận chuyển từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngang qua Đồng Nai về TP.Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhận thức được những mối nguy cơ tiềm tàng đó, năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh và đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Chúng ta không thể phủ nhận những lợi thế và hiệu quả của việc ứng dụng nguồn phóng xạ trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng mà không quan tâm, xem xét an toàn bức xạ và hạt nhân một cách thận trọng thì sẽ dẫn đến những hậu quả gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cộng đồng và cuộc sống của người dân. Điều này có nghĩa là cần phải đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân cũng như công tác ứng phó khi xảy ra sự cố, nhất là trong lĩnh vực xạ trị và trong công nghiệp”.
* Chuẩn bị kỹ cho diễn tập
Theo dự kiến, đợt diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân sẽ diễn ra vào ngày 19-9 tới đây tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Nội dung chủ đề của đợt diễn tập là ứng phó sự cố đối với tình huống nguồn phóng xạ hở bị đổ vỡ và phát tán ra ngoài môi trường. Kịch bản tình huống được thực hiện với sự tư vấn, phối hợp của Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố (VARANS-TSC) thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Đây là đơn vị đã tư vấn, hỗ trợ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.
Để hoạt động diễn tập được diễn ra hiệu quả, Ban chỉ huy cùng với các thành viên và đơn vị liên quan đã có cuộc họp góp ý xây dựng kịch bản diễn tập và công tác tổ chức. Vì đây là lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức hoạt động diễn tập này nên tất cả các thành viên, đơn vị liên quan đều chưa có kinh nghiệm. Đặc biệt, việc ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân lại là lĩnh vực khó, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, quy trình xử lý chặt chẽ.
Nguồn phóng xạ có thể ở… vựa phế liệu Không chỉ có mặt trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, đào tạo… với quy trình kiểm soát, sử dụng chặt chẽ, thiết bị chứa nguồn phóng xạ còn có thể có mặt ở… vựa phế liệu. Đó là sắt, thép và các phế liệu có nhiễm xạ, thậm chí là thiết bị phóng xạ bị đem bán làm phế liệu. |
Do vậy, cùng với việc xây dựng kịch bản chi tiết, Sở Khoa học - công nghệ và VARANS-TSC sẽ phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cho Ban chỉ huy, tổ chuyên viên giúp việc, các thành viên tham gia diễn tập, các đơn vị tham gia ứng phó diễn tập, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Sau khi được bồi dưỡng kiến thức, các thành viên, đơn vị liên quan sẽ tổ chức luyện tập và tổng duyệt trước khi diễn tập chính thức.
“Việc diễn tập sự cố bức xạ và hạt nhân diễn ra trong thời điểm này càng có ý nghĩa quan trọng bởi tỉnh Đồng Nai đã được chọn để xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng công suất 10 - 15MW. Mục tiêu của đợt diễn tập này là thiết lập khả năng ứng phó kịp thời, có tổ chức giữa Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; tổ chuyên viên giúp việc với các tổ chức và cá nhân trong việc ứng phó với sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là kinh nghiệm để tỉnh tiếp tục thực hiện các đợt diễn tập sau” - bà Nguyễn Hòa Hiệp cho biết.
Hải Yến