Chỉ với một mô hình dạy nghề tự tạo, giáo viên có thể sử dụng để giảng dạy cho nhiều bài học ở các môn học/module khác nhau. Đây là "điểm cộng" giúp cho mô hình hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động đoạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019.
Chỉ với một mô hình dạy nghề tự tạo, giáo viên có thể sử dụng để giảng dạy cho nhiều bài học ở các môn học/module khác nhau. Đây là “điểm cộng” giúp cho mô hình hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động đoạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019.
Giảng viên Lê Trọng Cơ đang hướng dẫn sinh viên tìm hiểu hệ thống máy phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động. Ảnh: H.Yến |
Mô hình này do nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (Khoa Điện công nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai) thực hiện.
* Thiết bị đào tạo đa năng
Trước đây, khi giới thiệu cho sinh viên về hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động, Giảng viên Lê Trọng Cơ và các đồng nghiệp thường miêu tả để sinh viên… tưởng tượng hoặc đưa sinh viên đến tận các công ty để quan sát. Nhưng kể từ năm học 2019-2020, bài học này sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Các sinh viên chỉ cần ngồi trong phòng học cũng có thể tận mắt quan sát hệ thống này và thậm chí còn trực tiếp làm thao tác điều khiển. Giải quyết được vấn đề này là nhờ thầy Cơ cùng 2 đồng nghiệp Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong đã mày mò nghiên cứu và lắp ráp thành công mô hình hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động.
Theo đó, mô hình gồm 2 phần: tủ điện điều khiển; hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm. Trong đó, tủ điện điều khiển được trang bị riêng cho mỗi nhóm, còn hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm thì sử dụng chung. Các thiết bị được cấu trúc theo dạng module để có thể thay đổi linh hoạt theo từng bài giảng nhưng được lắp đặt thuận tiện cho việc quan sát và thao tác huấn luyện. Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm được lắp đặt trên mặt bàn để sinh viên dễ quan sát, đồng thời cấu trúc của hệ thống này được làm theo module để có thể linh hoạt thay đổi vị trí lắp đặt, chức năng…
Với cách làm như trên, mô hình này được áp dụng giảng dạy cho nhiều bài học ở 4 module khác nhau, gồm: trang bị điện cơ bản, trang bị điện công nghiệp, thiết bị điều khiển trong công nghiệp, lập trình PLC (Programmable Logic Controller - thiết bị điều khiển cho phép người dùng lập trình).
Không chỉ được dùng để dạy trong nhiều module khác nhau, mô hình này còn giúp sinh viên quan sát một cách trực quan, nhờ đó mà tiếp thu bài dễ hơn. Việc thực hành thao tác điều khiển máy giúp sinh viên nắm chắc kiến thức, không bị bỡ ngỡ khi đi vào thực tế sản xuất ở doanh nghiệp.
Tống Bá Hùng, sinh viên năm 3 ngành điện công nghiệp nhận xét: “Khi được học với mô hình này, sinh viên cảm thấy hứng thú hơn và có thể nắm chắc quy trình vận hành hệ thống phân loại và vận chuyển hàng hóa tự động ở các công ty. Vì thế, chúng tôi có thể tự tin làm tốt công việc này trong thực tế sản xuất”.
* Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng
Thể hiện rõ xu hướng tích hợp Một mô hình có thể dạy cho 4 module đã thể hiện rõ xu hướng tích hợp trong sáng tạo thiết bị dạy nghề của nhóm tác giả. Đây cũng chính là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới. Xu hướng này đã làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị thông qua việc có thể áp dụng cho nhiều bài giảng khác nhau, nhiều module khác nhau, nhiều nghề trên một “mô hình”. |
Một trong những yêu cầu cơ bản của đào tạo nghề là phải tăng cường thực hành. Trong khi đó, hệ thống máy móc dùng trong đào tạo nghề khá đắt tiền và phần lớn là máy ngoại nhập, song nhiều thiết bị lại không đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Vì vậy, tự sáng tạo thiết bị dạy nghề đã trở thành yêu cầu tất yếu của các trường nghề.
“Thiết bị đào tạo phải phù hợp với chương trình đào tạo, giá thành rẻ, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đó là những yêu cầu đặt ra khi chúng tôi bắt tay vào làm mô hình này” - thầy Lê Trọng Cơ chia sẻ.
Mô hình hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động được làm từ các vật liệu phổ biến và hiện có trên thị trường trong nước: sắt, nhôm, nhựa và mi ca. Nhờ đó, chi phí làm mô hình giảm nhiều so với thiết bị ngoại nhập nhưng vẫn đảm bảo được các đặc tính kỹ thuật và thẩm mỹ. Đặc biệt, thiết bị có kết cấu vững chắc, độ bền cao và không gây ô nhiễm môi trường. Nhóm tác giả cho biết, tổng kinh phí để hoàn thành mô hình là hơn 90 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 các thiết bị cùng loại nếu đi mua.
Mặc dù đã phục vụ rất tốt cho thực tế dạy học nhưng nhóm tác giả cho biết mô hình này vẫn có thể phát triển thêm nhiều hướng. Chẳng hạn như ứng dụng xây dựng hệ thống phân loại rác. Ngoài phân loại các sản phẩm sắt, nhôm, nhựa, hệ thống máy này có thể nâng cấp để phân loại thêm các sản phẩm bằng vật liệu khác, hoặc có thể phân loại được theo màu sắc, kích thước.
Khi được trang bị thêm bộ mã hóa vòng quay (encoder), hệ thống máy này sẽ có khả năng đo chiều dài của một sản phẩm trên hành trình của băng tải. Đặc biệt, nhóm có thể lập trình để điều khiển và giám sát hệ thống máy móc thông qua internet, cụ thể là điều khiển qua smartphone.
Hải Yến