Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện sớm và phòng ngừa sa sút trí tuệ

09:08, 26/08/2019

Sa sút trí tuệ là một bệnh của não bộ do tế bào não bị thương tổn từ từ gây ra suy giảm và mất trí nhớ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như mất dần sự chăm sóc bản thân, quên hết người thân, thậm chí tàn phế và tử vong.

Sa sút trí tuệ là một bệnh của não bộ do tế bào não bị thương tổn từ từ gây ra suy giảm và mất trí nhớ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như mất dần sự chăm sóc bản thân, quên hết người thân, thậm chí tàn phế và tử vong.

TS-BS.Trần Công Thắng hướng dẫn cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh về cách đánh giá, chẩn đoán bệnh nhân bị sa sút trí tuệ
TS-BS.Trần Công Thắng hướng dẫn cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh về cách đánh giá, chẩn đoán bệnh nhân bị sa sút trí tuệ. Ảnh:G.Nhi

TS-BS.Trần Công Thắng, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh, Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh cho hay, sa sút trí tuệ đứng vào hàng thứ 4 sau các bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư.

* Nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ

Nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80%), bệnh tai biến mạch máu não, Parkinson, chấn thương đầu, u não, bệnh lý nội tiết, bệnh nhiễm trùng: giang mai, AIDS, trầm cảm, nghiện rượu, ngộ độc kim loại, do thuốc, yếu tố di truyền...

Các biểu hiện của sa sút trí tuệ:

- Mất trí nhớ gần: Người bị sa sút trí tuệ thường quên và không nhớ lại được. Họ có thể hỏi bạn lặp đi lặp lại một câu hỏi, mỗi lần họ đều quên rằng bạn vừa mới trả lời rồi, thậm chí họ không thể nhớ rằng họ vừa hỏi câu hỏi đó.

- Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc: Người bệnh sa sút trí tuệ có thể nấu ăn được nhưng quên đem ra ăn và thậm chí có thể quên là họ đã nấu món ăn đó.

- Có các vấn đề về ngôn ngữ: Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng, khó khăn trong việc tìm từ, diễn đạt, rối loạn phát âm như: nói lắp, khó gọi tên đồ vật… Điều này làm cho người khác khó hiểu được ý họ muốn nói.

- Rối loạn định hướng: Trí nhớ là một nhân tố quan trọng trong việc định hướng, do vậy khi bị sa sút trí tuệ thì khả năng định hướng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó làm cho người bệnh bị lạc đường, hoặc không nhớ được làm sao họ đến được nơi đó hoặc làm sao quay trở về nhà. 

- Rối loạn hoạt động: Người bệnh có thể không còn nhớ cách ăn uống hoặc không thể tự ăn uống được, nặng hơn là người bệnh không thể tự vệ sinh cá nhân mà cần phải có sự giúp đỡ của gia đình, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình trong các công việc, sinh hoạt. Ở giai đoạn bệnh nặng, người bệnh không biết cách ăn uống, vệ sinh cá nhân…

- Giảm khả năng đánh giá: Người bệnh sa sút trí tuệ có thể khó hiểu thế nào là hợp lý. Bởi vậy đôi khi họ chọn quần áo không phù hợp với thời tiết hoặc với hoàn cảnh. 

- Có các vấn đề về tư duy: Có thể không nhận ra được các con số hoặc không thực hiện được các phép tính đơn giản.

- Quên vị trí đồ vật: Người bệnh có thể để đồ vật vào chỗ hoàn toàn không thích hợp. Họ có thể cho bàn ủi vào trong tủ lạnh hoặc đồng hồ đeo tay vào chén đường. Họ không nhớ gì về nơi họ đặt đồ vật.

- Thay đổi khí sắc, tính cách: Cùng với tình trạng quên, người bệnh sa sút trí tuệ có thể thay đổi khí sắc một cách nhanh chóng, từ bình tĩnh sang khóc lóc, âu sầu sang giận giữ trong vòng vài phút. Tính cách người bệnh cũng thay đổi kỳ quặc, họ có thể trở nên dễ kích động, nghi ngờ hoặc sợ sệt. Người bệnh trở nên thụ động, họ có thể mất đi sự say mê công việc, không quan tâm đến thú vui của mình và có thể không muốn đi đến các nơi khác hoặc gặp những người khác…

* Phòng ngừa sa sút trí tuệ

TS-BS.Trần Công Thắng cho biết, sa sút trí tuệ diễn tiến theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn sớm người bệnh giảm trí nhớ gần, rối loạn ngôn ngữ và giảm khả năng nhận xét, đánh giá, người bệnh trở nên thay đổi khí sắc và hành vi nhẹ.

Sa sút trí tuệ tăng dần theo tuổi. Vào khoảng 40 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ chỉ chiếm 0,1% dân số; đến trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 5-8%; sau 75 tuổi tăng lên 15-20% và trên 85 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm đến 25-50% dân số.

Ở giai đoạn trung bình, người bệnh thay đổi tính tình và hành vi, bắt đầu khó hoặc không làm được công việc hằng ngày như: tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân..., mất khả năng thu nhận thông tin nên bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian. Người bệnh có thể bị lạc ngay cả khi ở trong nhà mình, nặng hơn có thể bị hoang tưởng.

Còn ở giai đoạn nặng, người bệnh không tự chăm sóc được bản thân, hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày như: ăn uống, đại tiểu tiện, tắm rửa và đi lại, người bệnh không còn nhận biết được người thân trong gia đình, không đi lại được nên phải nằm một chỗ và thường tử vong do các bệnh nhiễm trùng.

“Tỷ lệ bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ngày càng cao, tại Việt Nam có khoảng 500 ngàn người bị sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tiếp cận, chẩn đoán và điều trị sớm nên thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, do đó tỷ lệ bệnh nhân không chăm sóc được bản thân rất cao, gây ra gánh nặng lớn cho bản thân, gia đình và xã hội” - TS-BS.Trần Công Thắng cho hay.

Chính vì thế, khi nghi ngờ mình hay người thân có những dấu hiệu của sa sút trí tuệ thì nên đến các phòng khám trí nhớ, bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa tham vấn. Đừng nghĩ đó là các dấu hiệu bình thường rồi để bệnh tiến triển nặng thêm. Chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ là một bước quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc, tập nhận thức và trí nhớ, thể dục trị liệu và chăm sóc toàn diện không những có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện trí nhớ mà còn làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Cũng theo TS-BS.Trần Công Thắng, để phòng ngừa tốt bệnh suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ, cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu... Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, bia, sống lành mạnh; ăn uống cân bằng, khoa học và tránh những thực phẩm không có lợi, chứa nhiều mỡ xấu, đường, muối; tập thể dục thường xuyên, duy trì cuộc sống hoạt động, hạn chế cuộc sống tĩnh tại; hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại, nhất là độc hại không khí, hóa chất; duy trì cuộc sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tránh lối suy nghĩ tiêu cực…

Gia Nhi (ghi)

Tin xem nhiều