Báo Đồng Nai điện tử
En

Các bệnh lão khoa thường gặp

09:08, 26/08/2019

Theo PGS-TS.Nguyễn Văn Trí, Phó chủ tịch Hội Lão Khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Lão khoa TP.Hồ Chí Minh thì khi về già, sức khỏe yếu dần, chức năng cơ thể suy yếu nên các bệnh chuyên khoa cũng vì thế mà thường xuyên "ghé thăm" người già như: bệnh về hệ hô hấp...

Theo PGS-TS.Nguyễn Văn Trí, Phó chủ tịch Hội Lão Khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Lão khoa TP.Hồ Chí Minh thì khi về già, sức khỏe yếu dần, chức năng cơ thể suy yếu nên các bệnh chuyên khoa cũng vì thế mà thường xuyên “ghé thăm” người già như: bệnh về hệ hô hấp (viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, viêm họng, hen phế quản, bệnh tắc phổi mạn tính…) là những bệnh người cao tuổi thường gặp. Đặc biệt những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào, người sống trong môi trường thiếu dưỡng khí như nhà chật, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều… thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao hơn.

Hoặc là bệnh về hệ thần kinh: đa phần người già đều bị lão hóa hệ thần kinh trung ương khiến trí nhớ kém, hay quên. Trường hợp cá biệt như Parkinson hoặc Alzheimer. Một trong những bệnh người cao tuổi thường gặp hiện nay là về hệ tiết niệu - sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến. Căn bệnh này thường gây nhiều phiền toái cho người già với hiện tượng tiểu nhiều, tiểu són, tiểu rắt, nhất là vào ban đêm…

Trước xu thế bệnh lão khoa ở người cao tuổi ngày càng nhiều, năm 2018, Bộ Y tế có công văn số 2248/BYT-KCB ngày 24-4-2018 yêu cầu các Bệnh viện hạng I thành lập khoa lão. Đối tượng điều trị tại các khoa lão là người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính cần điều trị cùng lúc, có các hội chứng lão khoa đặc trưng như: hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn dáng đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, dùng nhiều thuốc, nguy cơ tai biến điều trị cao.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% dân số và năm 2050 là 26%. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, do đó nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng gia tăng.

Mai Liên

Tin xem nhiều