Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu hụt lao động ngành dệt may

09:07, 08/07/2019

Thông tin từ các doanh nghiệp chuyên ngành dệt may trên địa bàn Đồng Nai cho hay những doanh nghiệp này đang phải loay hoay tuyển dụng và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Thông tin từ các doanh nghiệp chuyên ngành dệt may trên địa bàn Đồng Nai cho hay những doanh nghiệp này đang phải loay hoay tuyển dụng và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Công nhân lao động Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG
Công nhân lao động Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG

Việc thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là vào những thời điểm đơn hàng nhiều.

* Giảm đáng kể lao động

Đại diện Công ty TNHH NamYang International Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa) cho biết, 3 năm trở lại đây công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động. Việc các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung mở nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da đã tạo nên dòng dịch chuyển lao động từ các tỉnh miền Nam ra. Do đó, cứ sau mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhiều người lao động về quê ăn Tết không trở lại làm việc mà chọn những doanh nghiệp ở quê nhà để “đầu quân”. Chính vì thế mà từ 3 ngàn lao động ở những thời điểm ổn định lao động, đến nay Công ty TNHH NamYang International Việt Nam chỉ còn khoảng 1,2 ngàn lao động.

Công nhân Nguyễn Văn Ước, Công ty TNHH Jangsu Jingmeng (KCN Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm việc ở công ty chuyên về may mặc. Điều mà công nhân chúng tôi mong muốn là được công ty quan tâm hơn về các chế độ phúc lợi, có chính sách về nhà ở hay ký túc xá cho công nhân ngoại tỉnh để chúng tôi không phải đi ở trọ. Chỉ khi ổn định cuộc sống và chỗ ở, công nhân mới an tâm làm việc, gắn bó lâu dài”.

Tương tự là Công ty dệt may Eclat Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch). Mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp để tuyển dụng lao động như tuyển dụng trực tiếp tại công ty, tuyển dụng qua mạng, treo băng-rôn, phát tờ rơi... nhưng số lao động tuyển được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn khi vào những đợt cao điểm nhận nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài mà không có đủ lao động để sản xuất.

Hay mới đây nhất, khi cùng các doanh nghiệp khác trong tỉnh tham gia sàn giao dịch việc làm lần thứ 170 do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức, Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (KCN Amata, TP.Biên Hòa) có nhu cầu tuyển 100 lao động có trình độ sơ cấp nghề. Tuy nhiên sau một buổi tuyển dụng, công ty chỉ nhận được 25 hồ sơ xin việc của người lao động.

* Tìm cách giữ chân lao động

Theo ông Phú Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động, tiền lương Sở Lao động - thương binh và xã hội, tình trạng các doanh nghiệp may mặc, giày da thiếu hụt lao động đã diễn ra một vài năm gần đây. Nhưng đến thời điểm này, khi thị trường lao động bão hòa giữa các vùng, miền trong cả nước thì nhiều doanh nghiệp trước nay sử dụng nhiều lao động phổ thông đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động nhiều nhất.

Điều này được thể hiện rõ qua các sàn giao dịch việc làm được tổ chức hằng tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Mặc dù số lượng lao động phổ thông và lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp nghề mà các doanh nghiệp cần tuyển luôn ở mức cao nhưng số lượng hồ sơ xin việc mà các doanh nghiệp nhận được lại rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty hiện có hơn 2 ngàn lao động. Trong suốt 25 năm phát triển, năm nay là năm đầu tiên công ty rơi vào tình trạng thiếu nhiều lao động, chủ yếu là lao động có tay nghề may (trình độ sơ cấp nghề). Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cần khoảng 150 lao động có tay nghề nhưng rất khó tuyển dụng.

Đứng trước khó khăn về lao động ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể để giữ chân người lao động. Trong đó, cần quan tâm đến việc chăm lo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động về các vấn đề lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thâm niên... Ngoài ra, các doanh nghiệp và các Công đoàn cơ sở cũng cần chú ý đến việc tạo điều kiện để người lao động được học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn; xây dựng môi trường làm việc tốt.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về may mặc và giày da quan tâm rất tốt đến người lao động. Vào các dịp lễ, tết, người lao động được tặng quà, tổ chức đi du lịch nghỉ mát, được tạo điều kiện để sau giờ làm ca được đến các lớp học ngoại ngữ, chuyên môn để nâng cao trình độ. Nhiều doanh nghiệp còn xây dựng nhà trẻ cho con của công nhân, hỗ trợ tiền giữ trẻ hằng tháng cho người lao động. Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở còn thương lượng với chủ doanh nghiệp để ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động an tâm gắn bó, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp” - bà Như Ý cho hay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích