Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề vừa sức, thí sinh tự tin

10:06, 26/06/2019

Sáng ngày 27-6, các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bước vào ngày thi thứ 3 với các bài thi tự chọn khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.   

Sáng ngày 27-6, các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bước vào ngày thi thứ 3 với các bài thi tự chọn khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.    

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền trao đổi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền trao đổi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên

Trong 2 ngày đầu của kỳ thi, công tác tổ chức thi tại 60 điểm thi trong tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có bất cứ trường hợp cán bộ coi thi hay thí sinh nào vi phạm quy chế thi.

* Đồng hành cùng thí sinh

Trong những ngày quan mọi sự quan tâm chú ý đều đổ dồn về diễn biến của kỳ thi THPT quốc gia, do đó không chỉ những người có trách nhiệm tổ chức kỳ thi, thí sinh, phụ huynh cảm thấy căng thẳng mà nhiều thầy cô giáo có học trò tham dự kỳ thi cũng chung tâm trạng. Nhiều thầy cô giáo không được phân công trực tiếp nhiệm vụ coi thi nhưng đã tự nguyện đồng hành theo sát học sinh của mình tại cổng ra vào các điểm thi để động viên tinh thần thí sinh trước và sau mỗi buổi thi. Dường như sự có mặt của các thầy cô đã khiến thí sinh cảm thấy an tâm hơn, thêm động lực để làm bài thi tốt hơn.

Giám đốc Sở  GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, tính đến chiều 26-6 đã có rất nhiều thí sinh hoàn thành thi tốt nghiệp, do không chọn bài thi tự chọn khoa học xã hội vào sáng 27-6. Tuy nhiên các thí sinh phải lưu ý, nếu đăng ký cả 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì buộc phải thi đủ cả 2 bài, nếu không sẽ không được xét tốt nghiệp.

 

Tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), từ 6 giờ sáng 25-6, khi chưa thí sinh nào đến điểm thi, khá đông giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của các trường THPT có thí sinh thi tại đây đã đến để hỗ trợ, động viên tinh thần thí sinh. Trong số này có cô Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C11 Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai). Cô Nga cầm danh sách điểm danh từng học sinh của mình, em nào chưa có mặt cô liền lấy điện thoại ra gọi. Nhìn thấy học trò đến, cô Nga ân cần hỏi xem học trò đã ăn sáng chưa, thẻ dự thi đâu… Có học trò không mang theo nước uống, cũng không mang theo tiền cô liền lấy tiền đưa cho học trò chạy mua kèm theo lời dặn dò: “Thi Ngữ văn kéo dài 2 giờ đồng hồ, em phải mua nước uống khỏi bị khát, ráng làm hết giờ rồi hãy ra, đừng vội vàng ra sớm”.

Còn với thí sinh Nguyễn Phú Thịnh, học sinh của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, kỳ thi THPT quốc gia này trở nên rất đặc biệt với em. Trước khi kỳ thi diễn ra 12 ngày em bị tai nạn, phải bó bột tay phải, không thể cầm viết. Sau khi Sở GD-ĐT xin chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về trường hợp của Thịnh, em được bố trí một phòng thi riêng ở môn thi Ngữ văn với “chế độ” coi thi đầy đủ nhất gồm 2 giám thị trong phòng và 1 giám thị phía ngoài hành lang. Quá trình làm bài thi tự luận môn Ngữ văn, Thịnh là người đọc nội dung, còn giáo viên là người nghe và chép ra bài thi giúp em. Những môn thi còn lại làm bài bằng hình thức trắc nghiệm nên Thịnh có thể dùng tay trái tô đáp án đúng.

Trong khi đó, ở môn thi Toán chiều 25-6, nữ thí sinh N.L.T.A.V. thi tại điểm thi Trường cao đẳng nghề Đồng Nai (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị ngất xỉu sau 2/3 thời gian làm bài và được nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần đó cấp cứu. Giáo viên của em V. cho biết: “Những ngày qua V. đã cố sức, thời tiết lại nóng và tâm lý có phần căng thẳng nên em bị sốt cao”. Tuy nhiên, sáng 26-6 V. vẫn quyết tâm trở lại điểm thi để hoàn thành bài thi tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên, vì đây là một trong 2 bài thi quan trọng em sẽ xét tuyển vào đại học sắp tới.

Em V. cho biết: “Em rất cảm động vì khi nằm viện cha mẹ, thầy cô đã quan tâm hết lòng. Khi em trở lại trường thi vào sáng 26-6 trường còn mời bác sĩ đi theo để hỗ trợ sức khỏe, đề phòng sức khỏe của em lại có vấn đề”.

* Thí sinh tự tin với bài thi

Trái ngược với tâm lý có phần căng thẳng của thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia vì nhiều quy định mới siết chặt kỷ luật phòng thi nhằm tránh sai sót và gian lận, sau mỗi buổi thi, thí sinh bước ra khỏi phòng thi với gương mặt phấn khởi và tự tin vì đề thi vừa sức. Em Nguyễn Công Cảnh, học sinh Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.Biên Hòa) cho biết: “Các đề thi năm nay đều vừa sức, học sinh trung bình có thể làm được 5-6 điểm, hoàn toàn đảm bảo cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT như em”.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường thăm đội hình sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Ảnh: C.NGHĨA
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường thăm đội hình sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Ảnh: C.NGHĨA

Đề thi Ngữ văn năm nay có 2 tác phẩm được đưa vào, đó là tác phẩm Trước biển của nhà thơ Vũ Quần Phương và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Em Nguyễn Thị Ngọc Diệu, thí sinh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho biết: “Em không học chuyên Văn nhưng cảm nhận đề thi Ngữ văn năm nay tương đồng với cấu trúc đề thi của năm trước. Phần đọc hiểu khá dễ vì chỉ cần hiểu và vận dụng là đủ. Ở phần làm văn phải có am hiểu về tác giả và văn hóa xứ Huế mới có thể làm tốt phần này”. Diệu cho hay ở bài thi môn Ngữ văn em có thể đạt từ điểm 6 trở lên.

Trong khi ở môn Toán, môn thi mà nhiều thí sinh không chỉ dùng để xét tốt nghiệp mà còn xét tuyển đại học, nhiều thí sinh cho biết cũng không quá khó, có sự phân loại cao, những câu hỏi khó thường tập trung ở phần cuối của đề thi và dành cho học sinh khá giỏi.

24 ngàn lượt thí sinh được tiếp sức mùa thi

Theo Tỉnh đoàn, trong 3 ngày đầu của kỳ thi THPT quốc gia (từ ngày 24 đến 26-6), các đội hình sinh viên tình nguyện của Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh đã tiếp sức cho khoảng 24 ngàn lượt thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh. Sinh viên tình nguyện đã tặng thí sinh vật phẩm viết, chì, nước uống, sữa, bánh ngọt. Sinh viên tình nguyện còn tặng cho phụ huynh 3 ngàn tờ Báo Đồng Nai có thông tin về kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian chờ thí sinh dự thi.

Ở bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, cả 3 đề thi ở môn Vật lý, Hóa học và Sinh học cũng được đánh giá vừa tầm cho những học sinh có học lực trung bình, muốn đạt từ 5-6 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt được từ điểm 7-8 trở lên. Tuy nhiên để có điểm 9-10 không dễ dàng.

Riêng với môn Sinh học, em Nguyễn Thị Thuận, học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (huyện Trảng Bom) cho hay đề thi có 40 câu nhưng nhiều chữ, đọc khá mất thời gian, từ câu 35 trở đi em “bó tay” đành chọn đáp án theo kiểu “ăn may”.

Trong khi đó ở môn thi Ngoại ngữ chiều 26-6, thí sinh các trường ở khu vực Biên Hòa cho rằng đề thi “hấp dẫn” nhưng có tính phân loại cao, học sinh trung bình vẫn có cơ hội đủ điểm xét tốt nghiệp, trong khi muốn có điểm cao 7-8 phải học khá, giỏi ở môn này.

Theo Sở GD-ĐT, trong suốt 2 ngày đầu của Kỳ thi THPT quốc gia 2019, tỷ lệ học sinh đến các điểm thi dự thi cao, trong đó ngày đầu đạt 99,3%. Không có cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các đoàn thanh tra thi của Sở GD-ĐT đã tiến hành thanh tra đột xuất ở tất cả các điểm thi và nhận thấy kỷ luật phòng thi được chấp hành tốt. Mặt khác, các địa phương đã hỗ trợ khá nhịp nhàng cho công tác đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.               

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích