Báo Đồng Nai điện tử
En

Vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc

09:06, 26/06/2019

Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả 2 điều ấy, đó là hạnh phúc.

Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả 2 điều ấy, đó là hạnh phúc.

Gia đình anh Nguyễn Đức Anh (phường Suối Tre, TP.Long Khánh) tham gia trò chơi vận động trong Chương trình Giao lưu và liên hoan các gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai vào tháng 6-2019
Gia đình anh Nguyễn Đức Anh (phường Suối Tre, TP.Long Khánh) tham gia trò chơi vận động trong Chương trình Giao lưu và liên hoan các gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai vào tháng 6-2019

Theo TS.Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMI TP.Hồ Chí Minh, chính gia đình chứ không phải nơi nào khác là cái nôi để hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của một con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành và mất đi. Do vậy, xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc để xây dựng nên những con người có nhân cách tốt đẹp.

* Chia sẻ và yêu thương

Hơn 13 năm chung sống, vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh, chị Lâm Thị Hồng (phường Suối Tre, TP.Long Khánh) luôn biết yêu thương, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn. Anh Đức Anh hiện đang công tác tại Sư đoàn 302, Quân khu 7. Còn chị Lâm Thị Hồng hiện là giáo viên của Trường mầm non Sao Mai, phường Suối Tre. Do đặc thù công việc nên lâu lâu anh Đức Anh mới được về nhà. Vì thế mà tất cả công việc trong gia đình từ chăm sóc con đến quán xuyến việc nhà đều do một tay chị Hồng lo liệu. Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ nên 2 con của anh chị năm nay lên lớp 6, lớp 7 luôn chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời, phụ mẹ làm những việc đơn giản như: nấu cơm, nhặt rau, quét nhà, rửa chén.

Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), trong 2 ngày 27 và 28-6 tại Trung tâm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) diễn ra Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ 10-2019. Chương trình nhằm tôn vinh, biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu đại diện cho các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ tham gia ngày hội. Qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng về việc cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Khi được hỏi về gia đình mình, anh Đức Anh tâm sự, do phải xa nhà thường xuyên nên anh rất trân trọng khoảng thời gian được ở cùng vợ con. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần hoặc về phép, anh đưa vợ và các con đi chơi xung quanh thành phố, cho các con đi học bơi, trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân; cùng vợ đi chợ nấu những món ăn ngon mà các thành viên trong gia đình cùng thích. Anh Đức Anh cho rằng, để có một gia đình hạnh phúc cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là vợ chồng phải luôn yêu thương, chia sẻ và thông cảm với nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn, trở ngại.

“Tôi cho rằng hạnh phúc không phải là đích đến, đó là một hành trình. Hạnh phúc cũng không phải được đong đếm bởi quãng thời gian ngắn dài chúng ta ở bên nhau, mà là chúng ta đã làm được gì cho nhau trong quãng thời gian ấy. Tôi luôn biết ơn vợ bởi sự đảm đang, thấu hiểu và hy sinh mà cô ấy đã dành cho cha con tôi”- anh Đức Anh bộc bạch.

Trong khi đó, với cô bé Trương Thị Ngọc Ánh, lớp 4 Trường tiểu học Lạc Long Quân (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), hạnh phúc chỉ đơn giản là luôn được ở bên cha mẹ, cùng cha mẹ vui chơi, dạy em gái học bài.

Chị Ngô Thị Cẩm Nhung, mẹ của bé Ngọc Ánh cho hay, mặc dù có 2 con gái, điều kiện gia đình cũng khá nhưng vợ chồng chị không đặt nặng vấn đề phải có con trai bằng bất cứ giá nào. “Chỉ cần vợ chồng luôn yêu thương nhau, cùng nhau nuôi dạy các con thật tốt để các con phát triển toàn diện, lớn lên biết kính trọng ông bà, cha mẹ, biết yêu thương chị em, biết chia sẻ với những người khó khăn hơn mình… đã là hạnh phúc” - chị Nhung cho hay.

* Cha mẹ là gương sáng

Tại Chương trình Giao lưu và liên hoan các gia đình tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2019 mới đây, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi bảo tồn và phát huy những văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến mà không nơi nào có được. Chính vì thế, một mái ấm gia đình hạnh phúc là ước mơ sâu xa nhất của mỗi con người.

Đề cao vai trò của gia đình trong việc góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam và chọn tháng 6 là Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề Giữ gìn truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình với các thông điệp: Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Gia đình là môi trường quan trọng tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu hiếu thảo; Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình; Gia đình là cội nguồn sức mạnh, thành trì quan trọng nhất của mỗi người.

Đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, TS.Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, để mỗi đứa trẻ lớn lên có nhân cách tốt thì bản thân cha mẹ, những người lớn trong gia đình phải biết “sống đẹp” là tấm gương cho con cháu soi rọi và noi theo. Bởi lẽ, trên thực tế có không ít trường hợp con bắt chước hành động, lời nói của cha mẹ, là bản sao của cha mẹ để hành xử ở ngoài xã hội. Nhiều học sinh có xu hướng bạo lực tại trường học là do sống trong môi trường gia đình có bạo lực, cha mẹ không quan tâm, không lắng nghe, không chia sẻ nên các em phải tìm cách giải tỏa cũng như để được người khác chú ý đến mình.

“Khi đó, chỉ một mình giáo viên hay nhà trường không thể giải quyết được vấn đề học trò hư hay bạo lực học đường. Nó cần phải được giải quyết dứt điểm ngay từ phía các gia đình, từ chính cha mẹ của các em. Một gia đình biết yêu thương, chia sẻ, tôn trọng nhau sẽ dễ dàng tạo nên một xã hội an toàn, tốt đẹp hơn” - TS.Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ quan điểm.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích