Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhận định, nếu người dân biết và hiểu rõ về chính sách, lợi ích của BHXH tự nguyện đối với bản thân và người thân trong gia đình thì sẽ rất tích cực tham gia loại hình này.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhận định, nếu người dân biết và hiểu rõ về chính sách, lợi ích của BHXH tự nguyện đối với bản thân và người thân trong gia đình thì sẽ rất tích cực tham gia loại hình này. Do vậy, BHXH tỉnh xác định công tác tuyên truyền, vận động để chính sách BHXH tự nguyện đến gần dân, giúp người dân hiểu và tham gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Chị Lê Thị Thương đến tận nhà dân ở KP.2, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) để tuyên truyền, giải thích về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước |
[links()]Mới đây, BHXH tỉnh đã phối hợp với Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng, phương pháp truyền thông cho 400 học viên là cán bộ quản lý, viên chức làm công tác truyền thông tại BHXH các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh cùng mạng lưới nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế của hệ thống Bưu điện tỉnh và xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam cho rằng, để người dân hiểu và tham gia bảo hiểm, bản thân người đi tuyên truyền phải nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững những quy định của chính sách pháp luật về bảo hiểm. Đồng thời phải có kỹ năng tuyên truyền lôi cuốn người nghe, truyền đạt kiến thức để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm.
Một trong những điển hình trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện là chị Lê Thị Thương, nhân viên Văn phòng BHXH tỉnh. Chị Thương chia sẻ, do làm tổ trưởng dân phố nơi sinh sống nên chị có nhiều cơ hội để tiếp xúc với người dân trong khu phố, nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng người dân. Nếu người dân trong khu phố có bất kỳ trục trặc gì về thẻ bảo hiểm y tế hay thắc mắc liên quan đến việc tham gia BHXH, chị đều nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn tận tình. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chị Thương đã tạo được sự tin tưởng của người dân trong và ngoài khu phố.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, chị Thương đã tuyên truyền, vận động được 14 người với nhiều thành phần, đối tượng, hoàn cảnh gia đình khác nhau tham gia BHXH tự nguyện. Có những người tham gia đóng bảo hiểm ở mức khá cao, chọn cách đóng 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm/lần. Có những người do bận công việc đã tin tưởng giao số tiền hàng chục triệu đồng nhờ chị Thương đóng giùm cho cơ quan bảo hiểm.
Ngoài việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện ở khu phố, địa phương mình sinh sống, nhiều tuyên truyền viên của BHXH tỉnh, BHXH huyện còn đến các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, những người có hoàn cảnh khó khăn, người thu nhập thấp.
“Có những hội nghị, nhiều người dân đặt rất nhiều câu hỏi vừa xoáy vừa xoay. Với những câu hỏi này, chúng tôi tay thì ghi chép, tai nghe, mắt thì nhìn người dân đang phát biểu nhưng trong đầu phải suy nghĩ để đưa ra câu trả lời chính xác nhất, giải thích làm sao cho hợp tình, hợp lý, để người dân hiểu được mục đích cuối cùng của việc tham gia các loại hình BHXH tự nguyện là nhằm bảo vệ quyền lợi cho chính họ, đặc biệt những lúc họ không còn khả năng lao động hay ốm đau, bệnh tật. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương và đất nước” - chị Thương bộc bạch.
An Yên