Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến trường học an toàn và thân thiện

10:05, 13/05/2019

Đến thăm và làm việc với Sở GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phải chú ý nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc...

Trong buổi đến thăm và làm việc với Sở GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh với ngành nhiệm vụ quan trọng đó là: “Phải chú ý nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc thì ở đó giáo viên và học sinh phải có hành vi ứng xử văn hóa, chuẩn mực. Các chuẩn mực này dựa trên 3 tiêu chí cốt lõi: yêu thương - an toàn và tôn trọng”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi cán bộ, nhân viên Sở GD-ĐT trong lần đến thăm ngày 6-5
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi cán bộ, nhân viên Sở GD-ĐT trong lần đến thăm ngày 6-5

* Khơi dậy giá trị yêu thương

Từng công tác thời gian dài tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT), đến tuổi về hưu cô Lê Thị Hiếu tiếp tục về gắn bó với công tác quản lý sinh viên tại ký túc xá Trường đại học Lạc Hồng. Tuy về hưu nhưng cô Hiếu vẫn thường xuyên trở lại thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai để thăm học sinh và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho trẻ khuyết tật.

Cô Hiếu cho biết: “Tôi không có “bí quyết” nào ngoài sự tận tụy và tình thương dành cho học sinh, sinh viên như cho chính con mình để các em biết nghe lời và trở nên ngoan ngoãn hơn”. Cô Hiếu lấy dẫn chứng: “Khi phòng sinh viên bề bộn, mất vệ sinh, tôi vào tận nơi kiểm tra, hướng dẫn, thậm chí tận tay dọn dẹp. Những lần sau tôi quay lại kiểm tra thì các em đã có ý thức tự giác hơn hẳn”.

Tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Sáng 14-5 tại Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (IPS Đồng Nai) diễn ra chương trình tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học do UBND tỉnh chủ trì, Sở GD-ĐT và Báo Đồng Nai phối hợp thực hiện. Buổi tọa đàm nhằm mục đích tìm thêm các giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Còn tại Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), những hoạt động ngoại khóa như Ngày hội đọc sách, Ngày hội kỹ năng, Ngày hội khui heo đất chia sẻ yêu thương, Ngày hội Biển đảo quê hương hay phong trào 30 ngày tiết kiệm mừng sinh nhật Bác… liên tục được triển khai trong năm học.

Những hoạt động trên được Ban giám hiệu giao cho Đoàn thanh niên tổ chức nhưng giáo viên của trường tham gia đông đủ, nhiệt tình cùng học sinh. Có nhiều hoạt động giáo viên còn đóng vai trò dẫn dắt, tạo sự gần gũi, gắn bó với học trò.

Bí thư Đoàn trường THPT Nhơn Trạch Huỳnh Thành Phương cho biết, học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực học tập, thi cử, tác động tiêu cực của nhiều vấn đề, trong đó có mạng xã hội. Chính những điều này có thể khiến các em trở nên ích kỷ hơn, hành động thiếu suy nghĩ hơn, dễ dàng tạo ra những hiện tượng xấu. Do đó, những hoạt động kỹ năng bổ ích luôn tạo kết nối giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau. Qua đó nhiều em nhận ra những giá trị sống tích cực khi được chia sẻ với mọi người sống quanh mình.

Trường THPT Đắc Lua (xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) là ngôi trường nằm ở xã vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh. Ở đây có những thầy cô giáo hằng ngày phải đi xa vài chục cây số từ nhà đến trường, dẫu vậy tinh thần và trách nhiệm với nghề, với học sinh không hề giảm sút. Một trong những người hết lòng vì học sinh thân yêu đó là Phó hiệu trưởng Trường THPT Đắc Lua Nguyễn Văn Lượng.

Trở thành lãnh đạo của trường từ một người thầy đứng lớp nên thầy Lượng luôn gần gũi và nắm được tâm lý học sinh. Mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12, thầy đều dành hết tâm trí và thời gian cho học trò. Thầy Lượng cho biết: “Tôi đã 10 lần liên tiếp đảm nhận vai trò người thầy kiêm luôn cha mẹ dẫn các em từ trường ra thị trấn Tân Phú dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tôi hạnh phúc vì nhiều em không chỉ xem tôi là thầy mà còn gọi tôi là cha”.

* Còn đó nhiều trăn trở

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (KP.1, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hiện là mẹ của 3 người con đang ở tuổi ăn tuổi học. Những vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo, an toàn học đường, nhất là bạo lực học đường, trẻ bị xâm hại ngay trong môi trường giáo dục ở nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua khiến chị Loan không khỏi lo lắng.

Chị Loan chia sẻ: “Tôi cảm thấy buồn lòng và có lỗi khi thấy con mình về nhà gọi thầy cô của mình là ông này, bà kia. Chúng tôi cũng lo lắng khi những vấn đề xảy ra trong trường học có thể tác động đến con em mình và tôi mong sớm được ngăn chặn”.

Học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) góp tiền tiết kiệm để tổ chức các hoạt động phong trào
Học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) góp tiền tiết kiệm để tổ chức các hoạt động phong trào

Theo Công an tỉnh, tình hình an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề phức tạp. Nhiều vụ việc xảy ra có đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên. Chỉ tính từ năm 2011-2017 có 52 vụ với 113 đối tượng thực hiện các hành vi mang tính chất bạo lực học đường, xâm hại 46 nạn nhân, làm 3 người chết và 23 người bị thương.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có số lượng thầy cô giáo, học sinh, sinh viên đông đứng tốp đầu cả nước. Tỉnh lại có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm ngàn công nhân ngoại tỉnh. Điều này tạo cho ngành những áp lực về nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trường học, nhất là phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Bộ GD-ĐT chia sẻ với tỉnh những khó khăn này, đồng thời mong được sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là từ phía phụ huynh”.

Cũng theo Công an tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đang có xu hướng gia tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân chính vẫn là các em chưa nhận thức được hành vi của bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động thông qua bạn bè, mạng xã hội. Nhiều gia đình chưa thực sự chú trọng việc giáo dục con em, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, còn có tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường. Có trường hợp con em mình vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ không hay biết.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, không phải đến khi ở một số địa phương trong cả nước xảy ra những vụ việc nổi cộm liên quan tới đạo đức, hành vi ứng xử của một số thầy cô giáo, bạo lực trong học đường hay tình trạng xâm hại học sinh thì ngành mới quan tâm đến vấn đề này.

Lãnh đạo ngành xác định, với địa bàn rộng, số lượng giáo viên và học sinh rất đông nên việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường cần phải đặc biệt coi trọng; không né tránh mà luôn nhìn thẳng vào những vụ việc cụ thể, lắng nghe và cầu thị để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt, hạn chế tối đa những vụ việc nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết đã có nhiều phong trào, cuộc vận động được triển khai như phong trào Dạy tốt - học tốt, Trường học thân thiện - học sinh tích cực, Mỗi ngày đến trường là một ngày vui...  Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT còn ký phối hợp với nhiều sở, ngành trước mỗi năm học mới để cùng chia sẻ trách nhiệm với ngành.

Hiện nay, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2018-2025). Trước mắt trong giai đoạn 2018-2020 sẽ phấn đấu có 100% trường xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của các cơ sở giáo dục hằng năm được tuyên truyền nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng.

Đề án cũng đặt ra mục đến năm 2020, 90% số cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn - lành mạnh và thân thiện; đến giai đoạn 2020-2025, số cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn - lành mạnh và thân thiện được nâng lên 95%.

TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai:

Nâng cao năng lực, đạo đức sinh viên ngành sư phạm

Trường đại học Đồng Nai đang đào tạo nguồn nhân lực sư phạm cho tỉnh. Chúng tôi ý thức được chất lượng đào tạo của nhà trường sẽ có tác động không nhỏ đến chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục của tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, cùng với đào tạo nâng cao về chất lượng chuyên môn, chúng tôi đang đổi mới phương pháp giúp sinh viên ngành sư phạm nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đặc biệt là phải trau dồi đạo đức nhà giáo. Khi sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp và trở thành những thầy cô giáo thực thụ thì không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn phải có các kỹ năng để vận dụng xử lý trong từng tình huống. Bên cạnh đó, mỗi thầy cô giáo trẻ phải thắp lên ngọn lửa về tình yêu nghề, trách nhiệm với học sinh…

Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai: Cần nhiều sân chơi kỹ năng mới cho học sinh

Chúng tôi đang tích cực phối hợp với ngành GD-ĐT tăng cường thêm các hoạt động, sân chơi kỹ năng mới cho học sinh khối các trường học. Qua những sân chơi này không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng và sự tự tin mà còn giúp các em nhận thức được những giá trị sống tốt đẹp, hành vi ứng xử chuẩn mực, tránh xa được các tệ nạn xã hội.

Chúng tôi cũng mong muốn rằng nhà trường nên dành nhiều thời gian lẫn kinh phí hơn để tổ chức Đoàn - Hội có điều kiện hoạt động, tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh trong trường mình.

Bà Giang Thị Chuốt, Hiệu trưởng Trường mầm non Bé Ngoan (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Tạo môi trường an toàn cho trẻ

Các cơ sở giáo dục mầm non luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và mất an toàn cho trẻ vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, phải thắt chặt ngay từ đầu công tác tuyển dụng giáo viên, đảm bảo giáo viên phải đủ trình độ, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, không gian học tập và sinh hoạt của trẻ không chỉ đòi hỏi là xanh - sạch - đẹp mà yếu tố đầu tiên là phải an toàn. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện đại, nhà trường cần nỗ lực tăng cường các thiết bị giám sát như gắn các camera ở sân trường, trong lớp học… Điều này không chỉ giúp nhà trường quản lý được an toàn cho trẻ mà có thể giúp phụ huynh kết nối và cùng giám sát sự an toàn của trẻ với nhà trường.

TS.Lê Minh Công, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai: Gia đình đóng vai trò quan trọng

Khi xảy ra những vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử trong trường học, nhất là bạo lực học đường thì người đứng đầu và giáo viên có học sinh tham gia bạo lực học đường bị xử lý, thậm chí xử lý rất nghiêm khắc. Nhưng phải thực sự chia sẻ với thầy cô giáo vì tuổi học trò vốn rất hiếu động và hay có hành động bộc phát, thầy cô khó lòng mà quản lý được hết. Chúng ta cần có những quy định để ràng buộc trách nhiệm của phụ huynh trong việc cùng nhà trường giáo dục con em của họ. Một điều rõ ràng là thời gian các em ở nhà nhiều hơn ở trường, chịu nhiều tác động từ văn hóa ứng xử gia đình từ nhỏ, nên khi đến trường các em sẽ thể hiện cách ứng xử từ nhỏ trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Sẽ là không công bằng khi xảy ra bạo lực học đường thì thầy cô phải chịu trách nhiệm, còn cha mẹ thì không phải chịu hình thức xử lý nào.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa):

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với nhà trường

Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ những áp lực của các thầy cô giáo khi phải quản lý một lớp 40-50 học sinh như hiện nay, trong khi đó mỗi em một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau. Hơn nữa các em đang chịu nhiều áp lực từ học hành, thi cử, tác động của mạng xã hội... dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng tất cả phụ huynh đều phải có trách nhiệm, hiểu được tính cách con mình, những nguy cơ con mình có thể gặp phải trong quan hệ bạn bè hằng ngày ở trường cũng như ngoài xã hội. Chúng tôi mong giáo viên kịp thời chia sẻ thông tin để phụ huynh có phương pháp giáo dục con em mình kịp thời, tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Thành Nam (ghi)

Công Nghĩa

Tin xem nhiều