Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cơ sở hạ tầng về GD-ĐT ở Đồng Nai không những ít ỏi mà còn rất nghèo nàn lạc hậu, đặc biệt là ở các huyện.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cơ sở hạ tầng về GD-ĐT ở Đồng Nai không những ít ỏi mà còn rất nghèo nàn lạc hậu, đặc biệt là ở các huyện.
Cụm trường Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường song ngữ Á Châu và Trường quốc tế Thái Bình Dương được xây dựng tại phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) |
Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch (Sở GD-ĐT), cho biết đến nay tỉnh đã có hệ thống trường lớp đảm bảo đủ các cấp học với số lượng lên đến 881 trường từ mầm non đến đại học, trong đó trường công lập chiếm trên 80%. Hệ thống trường lớp của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu cho con em đến trường của người dân cũng như công tác đào tạo nghề ở các trình độ khác nhau.
* Đi lên từ khó khăn
NGND-TS.Đỗ Hữu Tài, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT là người đã dành nhiều công sức và tâm huyết cho sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh. Ông cho biết hệ thống trường lớp của Đồng Nai những năm sau ngày giải phóng hết sức thiếu và lạc hậu, ở các huyện vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nhiều hơn. Thậm chí học sinh từ xã này phải sang xã khác mới có trường cấp II để học. Nhiều nơi lớp học được tổ chức ngay trong các đình, chùa, nhà thờ, nhà kho của hợp tác xã...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: Để có được hệ thống giáo dục hoàn thiện từ mầm non tới đại học như ngày hôm nay là một nỗ lực rất lớn của tỉnh qua nhiều thời kỳ. Với địa bàn rộng, nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng lại có hạn, nếu như nhiều năm qua tỉnh không có sự nỗ lực quyết liệt, sáng tạo trong việc đầu tư kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là huy động xã hội hóa giáo dục thì khó lòng có được diện mạo mới cho giáo dục như hôm nay. |
Khi đó cả TP.Biên Hòa mới chỉ có 1 trường cấp III là Trường THPT Ngô Quyền ngày nay. Năm 1976 tỉnh mới có Trường trung cấp sư phạm, đây là một trong 4 phân hiệu của Trường cao đẳng sư phạm TP.Hồ Chí Minh, sau này được tách ra thành Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai và nay là Trường đại học Đồng Nai. Những năm đầu giải phóng, Đồng Nai cũng chưa có trường đại học, con em khi đó muốn học lên đại học phải đến TP.Hồ Chí Minh để thi.
Những năm sau đó, nhu cầu về trường lớp của tỉnh càng trở nên cấp thiết hơn, bởi mỗi năm lại có hàng ngàn người dân trên khắp cả nước đến Đồng Nai lập nghiệp. Trong số các địa phương thì địa bàn TP.Biên Hòa chịu nhiều áp lực nhất về trường lớp.
Đứng trước những khó khăn rất lớn về trường lớp, cuối những năm 1980 tỉnh chỉ đạo khảo sát lại tình hình và nhu cầu trường lớp trong toàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư kiên cố hóa. NGND Đỗ Hữu Tài nhớ lại: “Có những nơi chúng tôi phải rất vất vả mới đến được như xã Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu); xã Nam Cát Tiên, Đắc Lua (huyện Tân Phú) hay xã Thanh Sơn (huyện Định Quán)… Những nơi này khi đó trường lớp rất tạm bợ, chỉ là những căn nhà gỗ tuềnh toàng, bàn ghế tạm bợ. Tôi không dám chắc khi nào những nơi này mới có trường lớp kiên cố vì địa bàn ở quá xa, đi lại rất khó khăn trong khi nguồn vốn xây dựng còn hạn chế”.
Sau khi tiến hành khảo sát, một danh sách hàng trăm trường cần xây dựng kiên cố với số vốn đầu tư lên đến trăm tỷ đồng đã được trình UBND tỉnh. Bước sang những năm 1990, tỉnh bắt đầu triển khai kiên cố hóa hàng loạt trường cấp II, cấp III tại TP.Biên Hòa và các huyện bằng ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó là việc huy động xã hội hóa, kêu gọi tư nhân vào xây dựng các trường phổ thông nhiều cấp để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Quá trình xây dựng kiên cố hóa trường lớp diễn ra rất nhanh. Ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, những lớp học tạm bợ đã được thay bằng những lớp học kiên cố.
* Diện mạo mới
TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai cho biết: “Sau nhiều suy nghĩ tôi quyết định đầu tư vào xây dựng Trường THPT Nguyễn Khuyến tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Tiếp đó tôi thành lập một ngôi trường cao đẳng tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), nay là Trường đại học công nghệ Đồng Nai. Điều may mắn là quá trình xin chủ trương xây dựng trường học của tôi được tỉnh rất ủng hộ, vì đây là chủ trương được khuyến khích, góp phần san sẻ nguồn vốn đầu tư cho giáo dục với Nhà nước”.
Đến nay, hầu hết các xã trong tỉnh đều đã có đủ hệ thống trường mầm non tới THCS được xây dựng kiên cố, mỗi huyện đều có từ 1-2 trường THPT, trong đó riêng tại TP.Biên Hòa đã có đến 24 trường THPT công lập và trường phổ thông nhiều cấp học. Những huyện miền núi như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc cũng đã thu thu hút được tư nhân tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục bằng việc xây dựng các trường THPT tư thục. Hay tại TP.Biên Hòa, trong những năm qua đã huy động hàng ngàn tỷ đồng của tư nhân tham gia xây dựng hàng loạt các trường tư thục từ mầm non tới THPT.
Trên địa bàn tỉnh hiện còn có 7 trường đại học công lập và ngoài công lập, 12 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề và 45 cơ sở đào tạo nghề. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và đại học của tỉnh đang có những đóng góp rất tích cực vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh trong quá trình phát triển.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, năm 2018 đã có 2 trường đại học của Đồng Nai được cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, một trường đã chuẩn bị kiểm định chất lượng của hệ thống các trường đại học khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tỉnh có 1 trường cao đẳng, đó là Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) mà các ngành đào tạo đã đạt trình độ quốc tế.
Công Nghĩa