Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sáng kiến, cải tiến đi vào cuộc sống

09:05, 08/05/2019

Phong trào toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học - công nghệ đang đạt được những kết quả tích cực. Để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp...

Phong trào toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học - công nghệ của tỉnh ngày càng đạt được những kết quả tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhóm tác giả của giải pháp Nghiên cứu thiết kế và chế tạo xe lăn điện hỗ trợ người khuyết tật nhận giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018. Ảnh: H.DUNG
Máy bọc PE thanh V giấy do nhóm tác giả Trường đại học Lạc Hồng nghiên cứu, chế tạo được đưa vào sử dụng tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại Cường Vĩnh Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom).

Để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa rất cần có những chủ trương, chính sách hỗ trợ cùng sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - nhà khoa học - doanh nghiệp để các sáng kiến, cải tiến đi vào cuộc sống.

* Hiệu quả cao

Từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhóm  giảng viên, sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chuyển giao máy bọc PE thanh V giấy cho Công ty TNHH sản xuất, thương mại Cường Vĩnh Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom).

ThS.Phạm Văn Toản, giảng viên Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng cho hay, với yêu cầu của doanh nghiệp là chế tạo máy để quấn bó thanh V giấy và đóng gói sản phẩm nhằm giảm bớt sức lực cho người lao động, nhóm đã đến tận xưởng sản xuất của công ty, theo dõi tình hình vận hành máy và thao tác, hoạt động của công nhân lao động. Sau 3 tháng nghiên cứu, thực hiện, chiếc máy đã được bàn giao cho doanh nghiệp sử dụng.

TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh chia sẻ: “Thông qua cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhằm tìm kiếm những giải pháp mang tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng cao vào thực tế cuộc sống. Qua đó, làm lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị trong việc tăng năng suất, hiệu quả lao động…”.

Ông Đỗ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Cường Vĩnh Phát cho biết: “Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi thấy máy bọc PE thanh V giấy đem lại nhiều lợi ích. Đó là giảm bớt công sức lao động cho công nhân, sản phẩm đẹp hơn, thời gian thực hiện 1 sản phẩm nhanh hơn từ 40 giây/sản phẩm còn 12 giây/sản phẩm, Hiện tại, công ty đang tiếp tục đặt hàng Trường đại học Lạc Hồng thêm một máy tương tự để đưa vào dây chuyền sản xuất”.

Trong khi đó, nhóm giáo viên Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) đã sáng tạo khi sử dụng sơ đồ tư duy và bài tập trắc nghiệm khách quan để củng cố kiến thức môn Toán cho học sinh bậc THCS.

Cô Trần Thị Thu Lan, một trong 3 tác giả của sáng kiến này chia sẻ, thực tế giảng dạy cho thấy một số học sinh dù rất cố gắng nhưng vẫn học yếu môn Toán. Các em thường chỉ học bài nào biết bài đó và không biết liên hệ các kiến thức lại với nhau. Do vậy, nhóm giáo viên đã áp dụng sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như: vấn đáp gợi mở, thuyết trình để học sinh chủ động hơn trong học tập, phát huy tư duy độc lập và khả năng tự học.

Còn 2 cô giáo Đỗ Thị Thùy Dung và Vũ Thanh Hoài, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) lại thực hiện sáng kiến làm nến thơm đuổi muỗi bằng nguyên liệu tự nhiên. Cô Thùy Dung chia sẻ, xuất phát từ thực tế vào mùa mưa, muỗi thường phát triển rất nhanh và gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, nhóm đã quyết định sáng chế ra một loại nến để đuổi muỗi. Nến được làm từ tinh dầu sả, tinh dầu vỏ chanh và sáp ong. Không chỉ đem lại hiệu quả đuổi muỗi, giải pháp này còn được các cô giáo đem vào giảng dạy môn Hóa học tạo hứng thú, khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh trong trường.

* Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Lợi ích của các đề tài, sáng kiến, cải tiến do các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sáng tạo đã được thấy rõ. Có những sáng kiến sau khi hoàn thành được áp dụng ngay vào thực tiễn đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, cũng có những sáng kiến, cải tiến mặc dù đoạt được các giải thưởng cao tại các hội thi, cuộc thi nhưng rất khó để áp dụng.

Nhóm tác giả của giải pháp Nghiên cứu thiết kế và chế tạo xe lăn điện hỗ trợ người khuyết tật nhận giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018.
Nhóm tác giả của giải pháp Nghiên cứu thiết kế và chế tạo xe lăn điện hỗ trợ người khuyết tật nhận giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018.

Điển hình như giải pháp Hệ thống tương tác giữa tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ của 3 học sinh Lê Thanh Hằng, Lê Đình Hào và Huỳnh Nguyễn Trường Thịnh (Trường THPT Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch). Đây là giải pháp đoạt giải nhì toàn quốc cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Mặc dù giải pháp có sáng tạo và hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho người đi xe buýt nhưng đến nay vẫn chỉ là mô hình, chưa được cơ quan chức năng nào áp dụng vào thực tiễn vì nhiều lý do. Trong đó có lý do về chi phí và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng để có thể ứng dụng giải pháp này vào thực tiễn.

Hay giải pháp robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng do nhóm học sinh của Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) chế tạo nhằm thay thế nhân viên phục vụ tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, là một trong 15 dự án đến từ các sở GD-ĐT và các trường đại học trong cả nước lọt vào chung kết cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 cũng rất khó để áp dụng vào thực tiễn. Nguyên nhân là do chi phí để chế tạo, sản xuất một robot bán hàng không phải nhỏ nên mặc dù đã được nhóm tác giả “chào hàng”nhưng nhiều chủ quán nước, quán cà phê vẫn chưa đồng ý đầu tư.

ThS.Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho rằng, hiện nay việc hợp tác giữa các công ty, doanh nghiệp với các trường học và nhà khoa học để chuyển giao công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực nghiên cứu khoa học cần có sự hỗ trợ hơn nữa về mặt chính sách của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - nhà khoa học - doanh nghiệp để các sản phẩm sau khi nghiên cứu có “đầu ra”, được áp dụng vào thực tiễn. Có như thế mới phát huy được tác dụng của các phong trào, hội thi, cuộc thi liên quan đến khoa học - công nghệ do tỉnh phát động, tổ chức.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều