Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối internet như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh… đã tạo cơ hội cho mọi đối tượng, trong đó có trẻ em được tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn.
Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối internet như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh… đã tạo cơ hội cho mọi đối tượng, trong đó có trẻ em được tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Bên cạnh những thông tin hữu ích còn không ít những thông tin xấu, độc mà nếu thiếu đi sự kiểm soát, trẻ em rất dễ “dính bẫy”.
Những đứa trẻ dán mắt vào chiếc máy tính bảng khi không có người lớn kiểm soát Ảnh: C.NGHĨA |
[links()]Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa) hằng ngày tiếp nhận khám và điều trị cho rất nhiều trẻ có biểu hiện rối loạn tâm lý, hành vi. Trong số đó có những ca rất nặng buộc phải nhập viện do “nghiện” internet nói chung, game online, Facebook nói riêng. Bác sĩ tại đây cho biết, những trường hợp được người nhà đưa đến Bệnh viện khi đã ở tình trạng nặng, thời gian phục hồi phải mất từ 1-2 năm, thậm chí lâu hơn nữa.
* “Thả nổi” con với internet
ThS.Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng đào tạo Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cho rằng: “Nếu trẻ hằng ngày được xem những clip lành mạnh về cuộc sống, về tình cảm cha mẹ, bạn bè hay tìm hiểu về thiên nhiên trên internet thì tại sao chúng ta phải cấm trẻ sử dụng? Muốn trẻ sử dụng internet và mạng xã hội một cách an toàn thì trước tiên phụ huynh cũng phải biết sử dụng, từ đó định hướng cho con, tránh để con lạm dụng quá thời gian, khai thác những nội dung không phù hợp với lứa tuổi và nhất là không được sử dụng nhiều đến mức độ nghiện”. |
Anh Nguyễn Q.T. (ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) có con trai 10 tuổi bị “nghiện” điện thoại thông minh đến mức có các biểu hiện như không ăn không ngủ, dễ bị kích động. Dù được điều trị trong Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 nhưng chỉ cần anh T. ngủ quên là con lại lấy chiếc điện thoại thông minh chạy ra gốc cây gần phòng điều trị của bệnh viện ngồi chơi.
Việc “giành” lại chiếc điện thoại thông minh từ tay con trai rất gian nan bởi khi anh T. lấy lại chiếc điện thoại, con anh lại bị kích động với các biểu hiện cáu gắt, la hét, không hợp tác trong việc ăn ngủ.
Nói về tình trạng của con mình, anh T. cho biết, con anh được tiếp cận điện thoại từ khá sớm và anh không thể hình dung hậu quả lại nặng nề như vậy. Mỗi khi bận rộn anh T. lại đưa cho con chiếc điện thoại để con tự chơi một mình. Lúc đầu con anh chỉ dừng lại ở mức độ thích, sau đó là say mê và cuối cùng là “nghiện” với biểu hiện sử dụng điện thoại không ngừng nghỉ, không ăn, không ngủ, học hành sa sút nằm ngoài tầm kiểm soát của vợ chồng anh. Cuối cùng, gia đình anh quyết định cho con nhập viện để điều trị.
Chị Đỗ Thị N.K. (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng không tin rằng một ngày cô con gái xinh xắn đang học lớp 1 nhưng lại có những biểu hiện tâm lý khác lạ như: không giao tiếp với bạn bè, cô giáo “bắt chuyện” nhưng con chị vẫn không nói.
Do con không thể theo học tại trường một cách bình thường như các bạn đồng trang lứa nên chị K. đã gửi con đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ tự kỷ Hoàng Đức (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Chị K. hy vọng các giáo viên ở đây có thể giúp bé lấy lại khả năng giao tiếp trước khi trở lại hòa nhập với trường học bình thường.
Chị K. cho biết: “Vợ chồng tôi mải mê làm ăn buôn bán nên ít có điều kiện chăm sóc, gần gũi con. Mỗi chiều đón con ở trường mầm non về tôi lại mở tivi hoặc đưa cho con chiếc máy tính bảng để tự xem các clip phim hoạt hình. Sau này con biết tự mày mò chơi các game vận động trí não, tôi lại thấy đó làm vui mừng vì nghĩ con mình thông minh, thậm chí tôi còn cổ vũ con chơi để đạt đến những level (cấp độ) cao hơn, nhưng thực sự tác dụng lại ngược lại. Mỗi lần chơi game xong con lại có các biểu hiện mệt, ít nói, ít giao tiếp, ăn uống kém, trong khi ngủ có biểu hiện hoảng loạn”.
Trẻ có thể chơi điện thoại mọi lúc, mọi nơi |
Ảnh hưởng của internet và mạng xã hội không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc mà sự nguy hiểm còn nằm ở nội dung luôn ẩn chứa những thông tin, hình ảnh có thể ảnh hưởng rất mạnh đến tâm sinh lý, đạo đức, hành vi của trẻ. Đáng lo hơn khi trẻ có thể xem những hình ảnh, clip trên mạng xã hội sau đó bắt chước mà người lớn không thể lúc nào cũng theo và giám sát một cách chặt chẽ.
Gần đây nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng khi trên mạng xã hội YouTube xuất hiện nhân vật phim hoạt hình kinh dị Momo trong phim hoạt hình Thử thách Momo (Momo challenge). Trào lưu Momo ẩn các clip hướng dẫn trẻ em tự sát, dọa nạt trẻ em được cho là bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 8-2018. Hình ảnh Momo là một người phụ nữ đầu người nhưng mình gà kinh dị với mái tóc dài đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi, miệng rộng lên tới mang tai. Momo xuất hiện trong các clip hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em khi có thể gây cho các em sự hoảng loạn về mặt tinh thần.
* Kiểm soát internet và mạng xã hội
Nhiều phụ huynh cho rằng việc không có thời gian lẫn kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội đã khiến việc kiểm soát con em trở nên thất bại. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay trong gia đình chị từ trước đến nay không có thói quen nói tục chửi thề. Tuy nhiên người con trai út của chị năm nay học lớp 6 lại khiến cả nhà ngỡ ngàng khi bắt chước phong cách của PewPew (tên thật là Trần Văn Khoa) xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, thường buông lời tục tĩu khi giao tiếp khiến chị cảm thấy xấu hổ.
Cô Lê Thị Phương, giảng viên Khoa Sư phạm tiểu học và mầm non Trường đại học Đồng Nai cho rằng tùy theo độ tuổi của trẻ mà phụ huynh nên có mức độ cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội khác nhau, nội dung cũng phải được chú ý phù hợp để tránh gây cảm giác sợ hãi. Với những trẻ từ 2-6 tuổi nên cho trẻ tiếp xúc mạng xã hội qua màn hình dễ quan sát để tránh ảnh hưởng đến thị lực và đồng thời phụ huynh cũng dễ kiểm soát nội dung trong quá trình trẻ tiếp xúc. Những trẻ lớn tuổi hơn khi phải sử dụng thiết bị công nghệ để phục vụ học tập thì cần có sự giám sát của người lớn, tránh lợi dụng thiết bị công nghệ phục vụ học tập nhưng lại làm việc khác.
Một phụ huynh cố gắng lấy lại chiếc điện thoại từ tay con mình vì lo sợ xem nhiều điện thoại không tốt khi bé đang phải điều trị hội chứng tâm lý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa). |
Theo ông Vũ Văn Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hiện nay một số thiết bị như điện thoại, máy tính bảng phụ huynh trang bị cho con em mình có thể kiểm soát được tổng thời gian trẻ dùng điện thoại mỗi ngày, truy cập vào những website, mạng xã hội nào. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm để có thể kiểm soát được tốt hơn.
Đề cập đến vấn đề có nên cấm trẻ sử dụng internet và mạng xã hội hay không, ông Vũ Văn Phi cho rằng cấm là hoàn toàn không khả thi và cấm là đi ngược lại xu thế phát triển công nghệ của thế giới. Internet và mạng xã hội có nhiều mặt tích cực phục vụ cho con người, trong đó có việc học của trẻ. Tuy nhiên phụ huynh cũng phải sẵn sàng tư thế đối phó với những mặt trái của nó để hạn chế phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ trong quá trình tiếp xúc và sử dụng.
Công Nghĩa
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn Tâm lý học thần kinh Khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh): Trẻ cần tương tác với cha mẹ nhiều hơn
Tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính bảng, thậm chí với tivi mỗi ngày có thể khiến trẻ khó ngủ về đêm, mất tập trung, mất đi cơ hội rèn luyện sự sáng tạo. Không thể cấm trẻ tiếp xúc với internet và mạng xã hội, tuy nhiên có thể kiểm soát trẻ với thời gian tiếp xúc mỗi ngày, định hướng nội dung phù hợp để không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Cụ thể trẻ từ 2-3 tuổi nên tiếp xúc tối đa từ 1 giờ/ngày; trẻ 3 tuổi trở lên tối đa 2 giờ/ngày và mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ. Cách tốt giúp trẻ ít bị tác động của mạng xã hội là cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ được tương tác thực tế.
Cô Đàm Thị Liên, giáo viên Trường mầm non Phú Vinh (xã Phú Vinh, huyện Định Quán): Hạn chế con sử dụng điện thoại, máy tính bảng
Nhiều phụ huynh có thói quen dỗ con biết nghe lời bằng cách “thưởng” cho con được chơi điện thoại hay máy tính bảng, đây thực sự là một thói quen không tốt cho trẻ trong quá trình phát triển nhận thức. Thậm chí nhiều trẻ có thói quen sáng vừa tỉnh giấc đã ôm khư khư chiếc điện thoại của cha mẹ trong tay cho đến lúc tới cổng trường, không cho xem điện thoại là không ngồi lên xe đến trường. Cha mẹ không thể cấm tuyệt đối trẻ dùng điện thoại, nhưng hoàn toàn có thể hạn chế bằng cách không nên để các thiết bị này ở những nơi dễ nhìn thấy sẽ vô tình gợi lên sở thích của trẻ.
Chị Nguyễn Hồng Hà (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa): Kiểm soát tốt nếu cha mẹ thực sự lưu tâm
Là phụ huynh, tôi rất lo lắng trước những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội với con mình, sợ nhất là những hình ảnh phản cảm, những hướng dẫn tiêu cực có thể khiến con bắt chước làm theo. Tôi kiểm soát con với mạng xã hội bằng cách gần gũi con khi đón ở trường về nhà. Mỗi ngày tôi cho con sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại khoảng 1 giờ, cho con được giải trí thư giãn với nội dung con thích nhưng phải được cha mẹ “duyệt” và tôi có thể kiểm tra được những nội dung con đã xem thông qua lịch sử truy cập. Tôi nghĩ không thể cấm cản con tiếp xúc với mạng xã hội nhưng có thể kiểm soát được nếu cha mẹ thực sự lưu tâm đến con em mình.
Thành Nam (ghi)